Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh (181–234), đạo hiệu là Ngọa Long tiên sinh, là vị quân sư và đại thần của nước Thục thời hậu Hán của Trung Quốc. Ông là một chính trị gia, nhà quân sự, học giả.
Hai bức thư để lại cho con và cháu trai hàm chưa những bài học về cách dạy con tuyệt vời, đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Thư nhắc nhở con của Gia Cát Lượng
Phẩm hạnh của người Đức tài toàn vẹn, là dựa vào nội tâm an tĩnh, tinh lực tập trung để tu dưỡng thân và tâm; là dựa vào tác phong giản dị để bồi dưỡng phẩm đức. Không xem nhẹ danh lợi thế tục thì không thể xác định được chí hướng của bản thân; thân tâm không tĩnh lặng thì không thể có lý tưởng cao xa. Học tập cần phải chuyên tâm ý chí, để phát triển tài năng thì cần phải học tập khắc khổ. Không nỗ lực học tập, thì không thể phát triển tài trí; không xác định rõ chí hướng thì không thể thành công trong học tập. Truy cầu hưởng lạc và biếng nhác, không tập trung, thì không thể phấn khởi tinh thần; nói năng tùy tiện và nóng nảy cáu gắt thì không thể bồi dưỡng tính tình. Tuổi tác trôi qua, ý chí tiêu mòn theo năm tháng, thì cuối cùng sẽ như cây khô lá úa mà thôi, không có ích gì cho xã hội. Đến lúc đó ngồi trong góc nhà đau buồn than thở thì có ích gì đâu?
“Thư dạy con” (Giới tử thư) này là của Gia Cát Lượng gửi cho con trai Gia Cát Kiều.
Thư gửi cháu trai
Một người cần phải có chí hướng cao thượng lớn lao, ngưỡng mộ những bậc thánh hiền, từ bỏ ham muốn và tất cả những gì cản trở sự tiến bộ. Chỉ có theo con đường đó, người ta mới có thể đạt được hoài bão và chân chính thay đổi từ bên trong.
Một người phải có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh, không để tâm đến bề ngoài, lắng nghe người khác, từ bỏ ngờ vực và tính hẹp hòi. Khi ấy, người đó chẳng phải lo rằng mục đích không đạt được. Nếu một người không mạnh mẽ và kiên định, tâm hồn không thành thật, khảng khái thì sẽ không thành công, bị cuốn theo thói tục, trở nên tầm thường và bị ràng buộc bởi dục vọng. Người như thế sẽ vĩnh viễn là hạng phàm phu tục tử, hay thậm chí trở thành người dung tục.
Đối với xã hội hiện đại ngày nay mà nói, sau gần 2000 năm, những lời ấy của Khổng Minh vẫn còn nguyên tính thời sự. Các bậc cha mẹ có thể rút ra rất nhiều bài học từ 2 lá thư dạy con, dạy cháu của ông. Ở đây, xin được mạn phép trình bày một số lĩnh hội của cá nhân người viết.
Hai bức thư này, Gia Cát Lượng đặc biệt đề cao 4 yếu tố sau:
Bài học về chữ "tĩnh"
Cuộc sống ngày càng xô bồ, vội vã này, người ta thật khó để tìm lại chữ tĩnh cho mình. Nếu như không tĩnh, con người ta dễ bị đánh bại bởi lời gièm pha, tác động của bên ngoài, dễ bị mua chuộc bởi những cái lợi trước mắt, dễ để vuột mất lý tưởng và thành công. Vì thế, bên cạnh tự rèn mình, cha mẹ cũng nên dạy cho con về chữ "tĩnh".
“Tĩnh” cũng bao gồm cả khả năng kiểm soát bản thân và tiết chế cảm xúc. Gia Cát Lượng viết: “Nói năng tùy tiện và nóng nảy cáu gắt thì không thể bồi dưỡng tính tình”. Tác phong, lời nói là những căn cứ để đánh giá phẩm chất một con người.
Bài học về sự chăm chỉ, rời xa lạc thú
Cổ nhân nói: “Ngọc bất trác bất thành khí. Nhân bất học bất tri lý” (ngọc không mài không sáng, người không học không hiểu lý lẽ). Trong “Tam Tự Kinh” cũng giảng: “Tử bất học, phi sở nghi. Ấu bất học, lão hà vi?” (Trẻ không học, không biết lễ nghi. Nhỏ không học, về già biết làm gì?). Qua đó đủ thấy đối với chuyện học hành, tu dưỡng, người xưa coi trọng thế nào.
Bài học về việc phải tận dụng thời gian
Thời thanh xuân quý giá nhưng sẽ trôi đi rất nhanh, sức lực và tinh thần của con người cũng suy yếu dần theo tuổi tác. Đó là quy luật của tự nhiên nên chẳng ai có thể chối bỏ hay kháng cự, điều duy nhất chúng ta có thể làm là nắm bắt và tận dụng thời gian. Nhân lúc còn trẻ hãy tự mình theo đuổi thành công, hãy nắm bắt những cơ hội phát triển để khi về già không phải hối tiếc sao “tuổi xuân chẳng 2 lần thắm lại”.
Bài học về làm người trung thực
Sự chân thành luôn là một trong những đức tính đáng trọng nhất. Người trung thực luôn nhận được sự tôn trọng của cả xã hội. “Nếu một người không mạnh mẽ và kiên định, tâm hồn không thành thật, khảng khái thì sẽ không thành công, bị cuốn theo thói tục, trở nên tầm thường và bị ràng buộc bởi dục vọng”. Thành thật chính là bài học đầu tiên mà một đứa trẻ phải học trong đời.