“Gia đình Robinson” trên đảo hoang ở Quảng Ninh

06:59, Thứ tư 25/01/2012

( PHUNUTODAY ) - Cuộc sống của gia đình “Robinson” này là những tháng ngày yên ổn và tràn ngập yêu thương. Họ ra đảo hoang lập nghiệp, sống một cuộc sống không mưu toan, không vụ lợi.

(Phunutoday) - Đảo Trần (thuộc huyện đảo Cô Tô - Quảng Ninh) lâu nay vẫn được người ta biết đến như là một nơi hoang sơ, xa xôi nhất của vùng biển phía Bắc tổ quốc. Nhưng khi đặt chân lên hòn đảo này, nhiều người sẽ ngỡ ngàng bởi nơi đây, từ vài năm nay đã có một gia đình định cư và sinh sống. Anh chị làm việc, sinh con và có được một cuộc sống bình yên, thư thái trên đảo hoang.
[links()]
Bỏ đất liền ra đảo hoang mưu sinh, một ý tưởng mà nhiều người đã nghĩ anh chị thật điên rồ. Nhưng đã hơn 6 năm nay, cuộc sống của gia đình này vẫn rất hạnh phúc. Họ sống dựa vào biển, tồn tại nhờ vào những con cua, con ốc đánh bắt được. Mọi thành viên trong gia đình đều cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống mà không bị o ép quá nhiều bởi sự vật lộn với đồng tiền.
 
Bỏ đất liền ra đảo hoang kiếm sống

Gia đình anh Hoàng Văn Hiển trên đảo Trần
Gia đình anh Hoàng Văn Hiển trên đảo Trần

Trong căn nhà cấp 4 nhỏ xinh nằm nép mình dưới chân núi ở đảo Trần, gia đình chị Nguyễn Thị Cảnh đang tất bật cho những công việc cuối năm để đón Tết. Tiết trời giữa đông, gió mùa Đông Bắc tăng cường, chồng chị Cảnh đã nghỉ ra khơi để ở cùng vợ chuẩn bị củi đun cho những ngày Tết tới. Bố mẹ cùng nhau làm việc phía sân trước cửa nhà, đứa con nhỏ hơn 3 tuổi chập chững đi loanh quanh vui đùa… cảnh tượng bình yên đó ai cũng cảm thấy sự ấm áp và hạnh phúc.

Năm 2005, khi trên đảo Trần chỉ có các đơn vị bộ đội làm nhiệm vụ, vợ chồng chị Cảnh đã bỏ đất liền tìm đến nơi đây dể kiếm kế sinh nhai. Trong ký ức của chị Cảnh vẫn còn in đậm những dấu ấn sâu nặng về những ngày tháng khó khăn, chật vật lúc ban đầu.

Chị Cảnh sinh năm 1977, quê ở huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, còn chồng là anh Hoàng Văn Hiển sinh năm 1976, quê ở Cao Nhân, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Duyên số đã đưa hai anh chị đến với nhau bằng đám cưới diễn ra vào năm 2001.

Một năm sau, vợ chồng chị Cảnh có đứa con trai đầu lòng. Để mưu sinh, vợ chồng chị Cảnh ra những cảng cá để đi biển đánh bắt hải sản, chế biến sứa thuê. Tuy nhiên, cuộc sống đất liền quá chật vật, lao động hết sức cũng không đủ ăn, vợ chồng chị Cảnh liền bàn tính với nhau sẽ tìm đến một miền đất mới để tạo dựng cơ đồ.

Dù đã cố gắng hết sức nhưng do “số khó làm chẳng nên giàu”, cuộc sống gia đình chị Cảnh vẫn mãi chìm đắm trong sự thiếu thốn và bần hàn. Lúc này, do nhờ những lần ra ngoài khơi đánh cá, anh Hoàng Văn Hiển - chồng chị Cảnh đã biết được đảo Trần. Nhiều lần lên nghỉ ngơi trên đảo, anh Hiển đã hiểu được phần nào cuộc sống ở nơi đảo hoang này.

Suy nghĩ rất nhiều về cuộc sống trên đất liền, vợ chồng chị Cảnh quyết định sẽ tìm ra đảo để gây dựng cuộc sống mới. Theo kinh nghiệm đi biển của anh Hiển thì những người đi đánh bắt cá thường hay lui tới nghỉ ngơi ở đảo Trần rồi mới quay về đất liền. Do đó, việc ra đảo sống có thể mang lại nhiều cơ hội cho vợ chồng chị.

Sau một thời gian tính toán , hai vợ chồng chị Cảnh vượt sóng gió ra đảo Trần sinh sống. Những ngày đầu khi mới ra đảo hoang, không nhà cửa, không gạo không nồi… cuộc sống của gia đình chị Cảnh dựa hoàn toàn vào sự đùm bọc của những chiến sĩ bộ đội trên đảo.

Để giúp họ có một căn nhà riêng làm nơi sinh sống, đơn vị bộ đội trên đảo đã sắp xếp cho vợ chồng này một căn nhà bằng tre nứa ở tạm. Có được nhà, vợ chồng chị Cảnh bắt tay ngay vào những công việc đầu tiên để gây dựng cuộc sống nơi đảo vắng xa xôi.

Chồng lên rừng chặt cây mang về gia cố lại nhà, kiếm củi đun, vợ xuống dưới bãi biển mò những con cua, con ốc về ăn để duy trì cuộc sống. Đứa con nhỏ đi theo cha mẹ cũng được ông trời phú tính nên rất khỏe mạnh và ngoan ngoãn.

Những ngày tháng đầu tiên khi đặt chân lên đảo, cuộc sống của gia đình chị Cảnh thật đơn sơ và hoang dã. Họ sống dựa vào cây cối trên đảo, cá tôm dưới biển… thatạ  đơn giản nhưng thật yên ả và tràn ngập hạnh phúc.

Khi đã quen với cuộc sống trên đảo, anh Hiển gửi tiền qua những người đánh cá vào bờ mua những loại chài lưới để đánh bắt cá dưới biển. Nhờ sự giúp đỡ của các chiến sĩ bộ đội, vợ chồng chị Cảnh cũng làm được một chiếc thuyền nho nhỏ để thuận tiện hơn cho việc câu tôm, câu mực.

Câu được nhiều cá tôm, mang biếu bộ đội, nhà ăn không hết vợ chồng chị lại cho ra phơi khô rồi đợi khi có tàu đánh cá đi qua sẽ gửi vào đất liền bán hộ. Số tiền thu được, anh chị dùng để mua những vật dụng cần thiết cho cuộc sống, thêm vào đó họ cũng bớt chút ít ra để dành với mục đích sẽ mua gạch, mua ngói dựng lại căn nhà.

Thời gian cứ thế trôi đi, cuộc sống của gia đình “Robinson” này cứ yên ả trôi qua trong sự bao bọc của biển cả và cây cối trên đảo. Những ngày đầu mới sống họ còn cảm thấy buồn buồn, hiu quạnh rồi họ cũng dần quen và cảm thấy bình thường vì luôn có những người bộ đội bên cạnh.

Số tiền dành dụm được qua năm tháng, hai vợ chồng chị Cảnh dùng để mua vật liệu xây dựng. Mỗi lần mua một ít rồi trở từ đất liền ra… tích cóp vài năm, nhờ sự giúp đỡ của bộ đội anh chị đã dựng được một căn nhà nhỏ nằm ở giữa đảo.

Cuộc sống của hai anh chị cứ vậy trôi qua từ năm nay qua năm khác trong sự bình yên. Chẳng phải quá bận bịu với cuộc sống mưu toan tiền bạc, chật vật kiếm sống, vợ chồng chị Cảnh rất hài lòng với những gì mình đang có.

Hạnh phúc hơn khi đứa con thứ hai lại ra đời trong sự chung vui của tất cả gia đình và những người lính trên đảo. Sinh ra giữa đảo vắng, biển cả, đứa trẻ tuy không được hưởng những thứ vật chất xa hoa nhưng nó lại được ủ ấm bằng biết bao tình thương của cha mẹ và cả các chú bộ đội.

Tết ấm nồng của gia đình “Robinson”

Tính cả Tết này, gia đình chị Cảnh đã đón 6 mùa xuân mới ở trên đảo. Dù chỉ có hai vợ chồng nhưng gia đình anh chị vẫn chuẩn bị hết sức chu đáo cho những ngày này. Từ thịt gà, bánh chưng, bánh kẹo, mứt Tết… tất cả đều đầy đủ trên ban thờ nằm ở gian giữa ngôi nhà.

Năm nào cũng vậy, đêm sang canh, anh chị sẽ cúng thần linh, thần biển để phù hộ cho gia đình sang năm được mạnh khỏe, làm ăn phát triển. Sau khi cúng ở nhà xong anh chị sẽ cùng đi vào đơn vị để chúc Tết mọi người.

Chị Cảnh bảo: “Trên đảo Trần có 3 đơn vị, hải quân, bộ binh và biên phòng. Đêm sang canh mình sẽ sang bên đơn vị Bộ binh rồi cùng các anh ở đó đón năm mới. Sáng ngày mùng một mọi người lại kéo ra nhà mình, cùng nhau ăn bữa cơm… Đến ngày mùng 2, gia đình sẽ đi sang đơn vị Biên phòng rồi mùng 3 là đến chúc Tết hải quân…

Như vậy, cả ba ngày Tết chẳng mấy khi buồn, vì luôn có các anh bộ đội bên cạnh”. Vui hơn là mỗi khi đến Tết, mọi người sẽ tiến hành mổ lợn, gia đình anh chị cũng vào “đụng lợn” nên chẳng bao giờ có cảm giác nhớ nhà, nhớ đất liền.

Đón Tết trên đảo tuy xa nhà, xa người thân, láng giềng nhưng chưa bao giờ hai vợ chồng chị Cảnh có cảm giác cô đơn, buồn tẻ. Với anh chị, cuộc sống trên đảo thật bình yên và hạnh phúc. Điều duy nhất làm anh chị vương vấn đó là đứa con lớn phải ăn Tết cùng với ông bà trong đất liền.

Ra đảo sống cũng có nghĩa là hai anh chị phải sống xa con vì nó còn phải đến trường, đến lớp. Dẫu rằng rất lo lắng nhưng anh chị vẫn phải chấp nhận vì nếu như mang con ra đảo cũng có nghĩa là nó sẽ không được đến trường, sẽ thất học. Dù thương con nhưng chẳng còn sự lựa chọn nào khác, vợ chồng chị Cảnh vẫn phải ngậm ngùi sống cảnh  chia cách.

Những ngày tháng cuối năm, biết bao nhiêu con người rộn rã với những công việc cuối cùng để mau chóng được trở về với gia đình. Vợ chồng chị Cảnh cũng chẳng thoát khỏi được cảm giác tê tái đó, đôi lúc cả hai anh chị đều muốn trở lại đất liền, sống với những người thân… nhưng cuộc sống nơi đảo hoang đã ăn sâu vào đời sống, chẳng thể nào từ bỏ được.

Nghĩ về tất cả, về chặng đường hơn 6 năm lập nghiệp trên đảo, hai vợ chồng chị Cảnh đều khẳng định, quyết định bỏ đất liền cho đến thời điểm này là hướng đi đúng. Những gì đã có được, anh chị cảm thấy hài lòng với chúng.

Sống cùng bộ đội, chia sẻ những khó khăn, buồn tủi trong tháng ngày, mọi biến cố đều trôi qua thật nhẹ nhàng. Cuộc sống của gia đình “Robinson” này chỉ là những tháng ngày yên ổn và tràn ngập yêu thương. Họ ra đảo hoang lập nghiệp, sống một cuộc sống không mưu toan, không vụ lợi.

Những gánh nặng thường nhật chẳng còn khiến hai người phải quay cuồng, họ chỉ mong ước được ông trời ban cho sức khỏe để ngày ngày ra biển đánh cá, lên rừng đốn củi… sống đơn giản nhưng thật ấm cúng và yên ổn.
 

  • Lam Linh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc