Chiều nay (13/12), Hội đồng xét xử (HĐXX) dành một phần thời gian cho các luật sư xét hỏi các bị cáo, sau đó, vị chủ tọa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang tranh luận. Trong phần kết luận của mình, bị cáo Dương Chí Dũng bị kiểm sát viên đề nghị tử hình
Bị cáo Dương Chí Dũng.
Luật sư "hướng" dự án mua ụ nổi 83M là hợp pháp
Luật sư Trần Đình Triển hỏi ông Trần Hải Sơn (SN 1960, nguyên TGĐ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines): Ai là người thường xuyên liên lạc với đại diện Cty của Singapore, nhưng bị cáo nói “không biết”. Ngay lập tức, luật sư Triển gửi lại HĐXX văn bản thể hiện sự liên lạc giữa bị cáo Sơn và đại diện Công ty AP của Singapore.
Luật sư Triển tiếp tục hỏi ông Dương Chí Dũng nhằm làm rõ chuyện tính hợp pháp của dự án (mua ụ nổi) và mang tính quyết định của tập thể, trong đó, HĐQT mang tính đại diện. Bị cáo Dũng khẳng định, các dự án không sử dụng ngân sách nhà nước thì không phải tổ chức đấu thầu.
Bị cáo Mai Văn Phúc.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Trần Hữu Chiều (Cựu Phó Tổng GĐ Vinalines) khẳng định, sau khi khảo sát, phát hiện chất lượng ụ nổi 83M “có vấn đề”, nên đã có văn bản đề nghị lãnh đạo Bộ GTVT xem xét quyết định mua.
Trả lời luật sư, bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên TGĐ Vinalines) làm rõ thêm quy trình mua ụ nổi 83M. Theo đó, ông Phúc khẳng định mình không soạn thảo văn bản trình mua. (Tờ trình 1280 – xin phê duyệt mua ụ nổi 83M). “Quả thực, các tờ trình nội bộ của Cty, bị cáo không đọc hết. Trên cơ sở người là ai mang đến trình, bị cáo sẽ ký hay không”. – ông Phúc khẳng định.
Luật sư hỏi đại diện cơ quan đăng kiểm: Ông này khẳng định ụ nổi không phải tàu biển. Nghe đến đây, luật sư Nguyễn Chiến hướng tới các văn bản xác định ụ nổi làm thủ tục đăng kiểm. Đại diện cơ quan đăng kiểm khẳng định có hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh về vấn đề đăng kiểm ụ nổi.
Luật sư Chiến hỏi Chiều liên quan đến việc “giúp sức” của cán bộ hải quan trong việc nhập ụ nổi. Bị cáo Chiều khẳng định, các cán bộ hải quan đã làm đúng chức trách, không có dấu hiệu vụ lợi.
Bị cáo Dũng: Khẳng định khi trình mua ụ nổi 83M đã nêu rõ đó là "mua ụ nổi cũ về sửa chữa”.
Một vị luật sư tham gia xét hỏi bị HĐXX nhắc nhở do đã hỏi lại nội dung đã được làm rõ. Tuy nhiên, khi luật sư lớn tiếng: “Đề nghị thư ký phiên tòa ghi lại việc HĐXX không cho luật sư xét hỏi” thì HĐXX đã “nhượng bộ” cho vị luật sư tiếp tục phần thẩm vấn của mình.
Đại diện Viện kiểm sát.
Hầu hết bị cáo chưa thành khẩn
Đó là kết luận của vị kiểm sát viên trong phần luận tội của mình. Theo đó, đúng 15h08 phút, HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Vị công tố viên khẳng định, hầu hết các bị cáo chưa thật sự thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo kiểm sát viên, có đủ cơ sở kết luận Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã vi phạm nghiêm trọng trong quá tình phê duyệt mua ụ nổi 83M cũng như tham ô hàng chục tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Cơ quan công tố xác định bị cáo Dương Chí Dũng có vai trò chủ mưu trong việc phê duyệt mua ụ nổi 83M. Trong đó, cá nhân bị cáo Dũng tham ô 10 tỷ đồng.
Bị cáo Mai Văn Phúc cùng có hàng vi phạm tội tương tự như bị cáo Dũng, và tham ô 10 tỷ đồng trong “thương vụ” ụ nổi 83M.
Bị cáo Trần Hữu Chiều đã ăn năn hối cải, được kiểm sát viên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Đề nghị mức án:
1. Dương Chí Dũng (SN 1957, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines): tử hình cho hành vi tham ô, 20 năm hành vi cố ý làm trái, hình phạt chung là tử hình.
2. Mai Văn Phúc (SN 1957, cựu Tổng GĐ Vinalines): tử hình đối với tội Tham ô, 20 năm hành vi cố ý làm trái, hình phạt chung là tử hình.
3. Trần Hải Sơn (SN 1960, cựu Tổng GĐ Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines): 19 đến 20 năm tội Tham ô, 9 đến 10 năm hành vi cố ý làm trái, hình phạt chung từ 28 đến 30 năm tù
4. Trần Hữu Chiều (SN 1952, cựu Phó Tổng GĐ Tổng cty Hàng hải Việt Nam): 13 đến 14 năm tội Tham ô, 9 đến 10 năm hành vi cố ý làm trái, hình phạt chung 22 đến 24 năm tù.
5. Bùi Thị Bích Loan (SN 1963, cựu Kế toán trưởng Vinalines): 6 đến 8 năm tù.
6. Mai Văn Khang (SN 1958, cựu Phó Tổng GĐ Cty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (thuộc Tổng Cty Hàng hải Việt Nam): 8 đến 10 năm tù.
7. Lê Văn Dương (SN 1970, Đăng kiểm viên – Cục Đăng kiểm Việt Nam): 6 đến 8 năm tù.
8. Huỳnh Hữu Đức (SN 1965, cựu Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa): 6 đến 8 năm tù.
9. Lê Ngọc Triện (SN 1964, cựu Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục hải quan Vân Phong): 6 đến 8 năm tù
10. Lê Văn Lừng (SN 1959, cán bộ Chi cục hải quan Vân Phong): 6 đến 8 năm tù.
Trách nhiệm dân sự: VKS đề nghị bị cáo Dương Chí Dũng (10 tỷ đồng), Mai Văn Phúc (10 tỷ đồng), Trần Hải Sơn (hơn 7,8 tỷ đồng) và Trần Hữu Chiều (hơn 340 triệu đồng). Khoản thiệt hại hơn 366 tỷ, 10 bị cáo cùng phải bồi thường.