Tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tăng
Theo TS BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, BV Đại học Y Dược TP HCM, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, đột quỵ ở người 45 tuổi trở xuống có tỉ lệ dưới 20%, nếu tính ở người dưới 30 tuổi, tỉ lệ là dưới 10%. Dù không thường gặp bằng người lớn tuổi, nhưng đây là những người đang trong độ tuổi lao động, đang khỏe mạnh, thường là trụ cột gia đình, nên khi bị đột quỵ sẽ gây hậu quả nặng nề và gây ấn tượng mạnh cho mọi người.
Có 2 ca bệnh đối nghịch nhau mà bác sĩ Thắng đã từng cấp cứu. Ca bệnh đầu tiên cách đây chừng 5-6 năm, bệnh nhân là giám đốc tuổi chỉ ngoài 30. Bệnh nhân đi công tác tại Tây Nguyên và bị đột quỵ. Thời điểm đó trên Tây Nguyên không có bệnh viện điều trị đột quỵ. Bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM sau 10 giờ từ khi phát bệnh. Do bệnh nhân tới bệnh viện muộn nên bác sĩ chỉ có thể điều trị các hậu quả của đột quỵ. Bệnh nhân qua được cơn nguy kịch, nhưng đi lại khó khăn và nói chuyện không được trôi chảy.
Một ca bệnh trẻ tuổi khác gần đây nhất được bệnh viện Đại học Y Dược cấp cứu là một bệnh nhân nam, 45 tuổi. Bệnh nhân bị đột quỵ trong thời gian thành phố đang trong tình trạng giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vào đầu tháng 9/2021, với rất nhiều khó khăn trong việc gọi xe cấp cứu cũng như đến được khoa cấp cứu các bệnh viện.
Dù vậy, bệnh nhân đã đến được khoa cấp cứu của bệnh viện Đại học Y Dược trong thời gian vàng cấp cứu đột quỵ, khoảng gần 2 tiếng sau khi khởi phát đột quỵ.
Khi tới bệnh viện, bệnh nhân đã bị liệt hoàn toàn nửa người trái, méo miệng, và nói rất khó khăn. Quy trình cấp cứu đột quỵ được khởi động ngay với các biện pháp bảo vệ chống lây nhiễm COVID-19 do không thể mất thời gian chờ xét nghiệm virus. Bệnh nhân được khám, xét nghiệm máu, chụp cắt lớp sọ não và quyết định điều trị ngay bằng thuốc tiêu sợi huyết, sau đó đưa lên phòng can thiệp nội mạch để dùng dụng cụ lấy cục máu đông thông lại mạch máu. Sau can thiệp, bệnh nhân đã hồi phục khá tốt, và khi xuất viện bệnh nhân đã đi lại, hoạt động gần như bình thường.
Nhóm người có nguy cơ cao bị đột quỵ
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP HCM, đột quỵ là bệnh lý tổn thương một phần cơ quan của não xảy ra đột ngột do mạch máu nuôi dưỡng bị tắc nghẽn hoặc vỡ.
"Đột quỵ thường đến như một cú sốc, đôi khi không có dấu hiệu báo trước nào gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thay đổi cuộc sống người bệnh một cách tiêu cực", bác sĩ Hà nói.
Nhóm có nguy cơ đột quỵ cao hơn người bình thường:
Gia đình có người bị đột quỵ
Nếu gia đình có người thân từng bị đột quỵ, bạn có thể tăng nguy cơ đột quỵ do thói quen sống hoặc do yếu tố di truyền.
Mắc bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, thường diễn tiến âm thầm, dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận... Người bị đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2 đến 4 lần so với người bình thường.
Mắc bệnh cao huyết áp
Huyết áp cao có thể gây ra bệnh về mạch máu, bao gồm cả bệnh tim và não. Bệnh có thể dẫn đến sự phát triển của những mạch máu khiếm khuyết, hình dạng bất thường. Chúng có thể bị vỡ nếu nó bị tác động bởi sự thay đổi huyết áp lớn.
Cholesterol trong máu cao
Cholesterol cao có thể hủy hoại các lớp áo trong của mạch máu khắp cơ thể, đặc biệt là tim và não. Cholesterol có xu hướng hình thành và gây xơ cứng mạch máu, tăng nguy cơ máu bị đóng cục, cản trở việc cung cấp máu lên não.
Người có bệnh lý về tim mạch
Những người bị một số bệnh lý về tim mạch như rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, suy tim... thường có nguy cơ đột quỵ rất cao.
Người nghiện thuốc lá
Thường xuyên hút thuốc lá gây viêm trong mạch máu, có thể hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ đột quỵ.Theo nghiên cứu, những người hút thuốc lá ít hơn 11 điếu trong một ngày có khả năng bị đột quỵ cao hơn 46% so với những người không hút. Khi hút hai gói thuốc một ngày có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần. Bỏ thuốc lá là lựa chọn tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ
Bác sĩ Hà khuyến cáo những ai đang gặp một trong những vấn đề trên nên đến trung tâm y tế để tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ. Điều này giúp bác sĩ biết những chỉ số của cơ thể, đưa ra những tư vấn về các nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra. Từ đó kịp thời điều chỉnh lối sống, cách sinh hoạt, có lộ trình điều trị phù hợp, giảm thiểu nguy cơ đột quỵ hiệu quả.