Giúp trẻ sửa tật ăn cắp vặt

11:11, Thứ tư 06/11/2013

( PHUNUTODAY ) - Khi phát hiện trẻ ăn cắp vặt, người lớn hãy giải thích cho bé thấy mức độ nguy hại của hành vi. Có thể để trẻ tự suy nghĩ khi đặt mình ở trong hoàn cảnh người bị hại.

Có ai trên đời này chưa một lần nói dối hoặc chưa một lần “tiện tay” lấy thứ gì đó chẳng phải của mình? Nhưng nếu nó trở thành một thói xấu, một thứ tật thì sao? Làm thế nào để khắc phục tính ăn cắp vặt cho trẻ? Liệu đó có phải là bệnh "cha truyền con nối"? Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Lan Hải cho rằng, đó là những câu hỏi đau đầu của nhiều bậc phụ huynh và người quan tâm đến giáo dục.

Từng bước giúp trẻ sửa tật ăn cắp vặt (Ảnh minh họa)

Cha mẹ, ông bà là những người thầy dạy đạo đức đầu tiên của con cháu. Dân gian có câu "Rau nào sâu nấy", "Cha nào con nấy", "Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy", hay "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh…".

"Tuy nhiên, có một số người lớn sống không nghiêm khắc với bản thân, muốn làm giàu nhanh nên đã buôn lậu, trốn thuế, ăn trộm đồ dùng cơ quan mang về nhà, thất tín với bạn bè… Họ có thể trốn tránh pháp luật, giấu diếm người xung quanh chứ đừng tưởng rằng trẻ con không phát hiện được hành vi của họ", bác sĩ Lan Hải chia sẻ.

Cũng theo bà, ngay cả những người khôn vặt, hay nói xấu người khác, ích kỷ hẹp hòi cũng để lại cho con cái ấn tượng xấu hoặc một vết sẹo khó xóa. Hoặc trẻ sẽ coi thường người lớn, vô lễ, khó dạy hoặc sẽ bắt chước theo.

Ngược lại, nếu cha mẹ là người chính nghĩa, nhân hậu, biết phân biệt phải trái, sống chừng mực, con cái sẽ thấm dần đức tính này mỗi ngày. Đặc biệt, người mẹ với tính tỉ mỉ chu đáo nên chuyên tâm trong việc sửa sai và vun trồng những đức tính tốt cho con.

Theo ghi nhận của bác sĩ Lan Hải, hiện tượng "cầm nhầm" ở thiếu niên học sinh thường xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

- Tính tham lam, muốn có ngay cái của người khác.

- Do quá khó nghèo không tự lo được cho mình (đói ăn vụng, túng làm liều).

- Bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo, kích động (ăn nói tục tĩu, hút thuốc lá, ép uống r*** bia, đánh nhau, trộm cắp, đánh bạc, chơi ma túy).

- Nhu cầu chi tiêu cao hơn khả năng gia đình chu cấp.

- Do ý muốn giúp đỡ người thân.

- Thù tức nhau (lấy đồ của bạn cho bõ ghét).

- Do tật xấu khó sửa (ngựa quen đường cũ, ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt).

Khi phá hiện con trẻ mắc sai lầm, cha mẹ đừng chửi mắng, đánh đập con trẻ, vì làm như vậy không thể giúp trẻ ý thức lỗi lầm đã phạm phải mà chỉ khiến chúng sợ hãi. Trừng phạt nghiêm khắc có lẽ sẽ chấm dứt nhất thời hành vi của trẻ, nhưng không thật sự nâng cao được chuẩn mực đạo đức cho trẻ.

Những việc cha mẹ nên làm trong trường hợp này là:

1. Hỏi rõ nguyên nhân sao con làm như vậy

Hỏi trẻ xem do tham lam nhất thời hay không kiềm chế được bản thân? Có phải do người khác sai khiến hay con nghĩ làm như vậy sẽ có lợi?

2. Cho con thấy mức độ nguy hại của hành vi do mình gây ra

Có thể để trẻ tự suy nghĩ khi đặt mình ở trong hoàn cảnh người bị hại. Chỉ cho con thấy những việc làm xấu sẽ ảnh hưởng đến chính mình, chẳng hạn không người tốt nào muốn làm bạn với con, việc học tập, làm việc sau này sẽ gặp nhiều khó khăn. Nên nhấn mạnh đến sự tổn thương tình cảm của cha mẹ: hành vi này của con khiến cha mẹ xấu hổ, đau lòng.

3. Giúp con nghĩ cách bù đắp, sửa chữa sai lầm

Chẳng hạn ăn trộm đồ ở cửa hàng thì mang đến trả lại, xin lỗi khi nói dối, kết quả học tập thi cử kém thì quyết tâm phấn đấu ở kỳ sau.

4. Dạy con không nên đánh giá quá cao sức đề kháng của bản thân

Nói với trẻ "có những điều không nên thử dù chỉ là một lần", đừng bao giờ nghĩ đến việc thử xem cảm giác đó như thế nào. Có một số việc không thể nào thử một cách đơn giản được, ví dụ nhảy từ lầu cao xuống đất, chích hút ma túy.

5. Cha mẹ nên chú ý kiểm soát tốt thời gian rảnh của con

Yêu cầu trẻ về nhà đúng giờ quy định, nếu về trễ phải nói lý do mình đi đâu, làm gì và nói rõ cho người lớn biết nơi mình đến. Cha mẹ nên đồng ý cho con đưa bạn bè về nhà chơi để quan sát thái độ hành vi của những người bạn này, qua đó kịp thời góp ý cho con, giúp con chọn bạn mà chơi.

"Muốn dưỡng dục con, nên chăng ta hãy tự xét mình trước, nếu có chỗ nào chưa thật đúng phải ráng sửa mới có thể yêu cầu con cái làm tốt hơn mình. Kiên nhẫn đào luyện cho con hiểu được thế nào là cái đẹp của tâm linh - mấu chốt giúp ta nhận biết và theo đuổi sự thanh tao, sự tự nhiên, sự chân chính, sự lương thiện đói cho sạch rách cho thơm. Từ đó biết phân biệt tốt - xấu, đúng - sai, phải - trái, thật - giả", bác sĩ Lan Hải đúc kết.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link