Trên thị trường hiện nay có nhiều kênh đầu tư khác nhau, phổ biến là đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng và gửi tiết kiệm.
Mặc dù, tiền gửi ngân hàng có lãi suất thấp hơn các kênh đầu tư còn lại nhưng vẫn được nhiều người ưa chuộng bởi không đòi hỏi số tiền phải lớn, cũng không yêu cầu phải có kiến thức đầu tư, lại an toàn tuyệt đối khi tuân thủ các quy định của ngân hàng.
Người dân cũng không cần có nhiều tiền mới gửi tiết kiệm được, chỉ với 1 triệu đồng, người dân đã có thể gửi tiền ở ngân hàng theo các kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 năm. Bên cạnh đó, gửi tiền ngân hàng còn không phải lo rủi ro khi thị trường lên xuống. Người gửi tiền chỉ cần đến ngân hàng, đọc kỹ và ký vào các giấy tờ theo form của ngân hàng, sau đó nhận sổ tiết kiệm, hoặc chỉ cần một thao tác online là có thể gửi được tiền với nhiều sản phẩm tiền gửi khác nhau, kỳ hạn khác nhau. Những thông tin liên quan đến tình trạng sổ tiết kiệm đều có thể kiểm tra bất cứ lúc nào thông qua app của ngân hàng hoặc tin nhắn.
Gửi tiền tiết kiệm, ngoài vấn đề an toàn, bảo mật và chọn lựa kỳ hạn phù hợp để gửi, thì vấn đề lãi suất cũng nhiều người quan tâm.
Vậy, gửi tiết kiệm ở ngân hàng nào có lãi suất cao nhất hiện nay?
Từ đầu tháng 7/2021, một số ngân hàng đã bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi như ngân hàng Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)… với mức điều chỉnh tăng giao động từ 0,1-0,5% tùy từng kỳ hạn.
Lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy:
Đối với các khoản tiền gửi dưới 6 tháng:
Trả lãi cao nhất đối với tiền gửi dưới 6 tháng phải kể đến VietBank khi nhà băng này đang huy động với lãi từ 3,9 - 4%/năm (cũng là mức trần của NHNN), ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank), có mức lãi suất cao nhất là 4%, tiếp đến là các ngân hàng như Nam A Bank và SCB (3,95%/năm), NCB trả 3,8%/năm, PVcomBank lãi 3,75 - 3,9%/năm. Trong khi đó ở nhóm có lãi suất thấp nhất, Techcombank chỉ trả lãi 2,6 - 3,1%/ năm tùy đối tượng khách hàng và kỳ hạn 1 tháng hay 3 tháng, trong khi Vietcombank niêm yết lãi suất ở 2,8 - 3,3%/năm.
Gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng
Lãi suất cao nhất hiện nay thuộc về các ngân hàng là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CBBank), giữ mức lãi suất lần lượt là 6.25% và 6.35%. Tiếp đó là Nam A Bank, NCB, Bac A Bank, BaoViet Bank, VietBank và VietABank, dao động từ 5,9% cho đến 6,2%/năm. Các mức lãi suất này cũng cao hơn rất nhiều so với mức trên dưới 4%/năm ở các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Techcombank.
Gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng
Với kỳ hạn vay 12 tháng thì ngân hàng có lãi suất cao nhất là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), với mức lãi suất 6.8%, tiếp đến là Kienlongbank 6,5%/năm. Các ngân hàng khác như NCB, Nam Á, Eximbank, VietBank, Bắc Á, Việt Á, Bảo Việt...cũng có lãi suất cao trên 6%/năm. Ngược lại, nhóm các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Agribank hay VietinBank, VPBank...lãi suất kỳ hạn 1 năm chỉ hơn 5%/năm, ngoại trừ Techcombank với chỉ 4,9%/năm.
Gửi tiết kiệm các kỳ hạn dài hơn như 13, 18, 24, 36 tháng, Ngân hàng Kiên Long có mức lãi suất cao nhất. Mức lãi suất 6.9% kỳ hạn 13 tháng, cùng mức lãi suất 7.1% cho các kỳ hạn 18, 24, 36 tháng.
Lãi suất tiết kiệm khi gửi trực tuyến:
Kỳ hạn 1 tháng, khi gửi tiết kiệm online có khá nhiều ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn lên đến 5.5% bao gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Bao Viet Bank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MaritimeBank), SCB, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Kỳ hạn 3 tháng, hầu hết các ngân hàng đều dao động mức lãi suất từ 5-5.5%.
Kỳ hạn từ 6-36 tháng, SCB là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất. Kỳ hạn 6 tháng: 8.21%, 9 tháng: 8.36%, 12 tháng: 8.66%, 18-24-36 tháng: 8.76%.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cao hơn các ngân hàng có vốn nhà nước từ 1-2%.
Theo các chuyên gia, thực tế, lãi suất cao thường thấy ở những ngân hàng nhỏ, bởi họ có quy mô nhỏ và mạng lưới giao dịch eo hẹp, lượng khách hàng cũng hạn chế, buộc phải cạnh tranh bằng lãi suất với các ngân hàng lớn đang có mọi ưu thế về cả quy mô, mạng lưới, công nghệ lẫn đối tượng khách hàng.
Nếu không đưa ra lãi suất cao hơn, các ngân hàng đó gần như rất khó để hút được khách. Song cũng có một số trường hợp ngân hàng lớn đưa ra lãi suất cao vì thanh khoản eo hẹp hơn các nhà băng khác.