Ngày 29/5, giới chức Ấn Độ cho biết 1 nhóm nam giới đã hiếp dâm tập thể rồi giết và treo xác 2 chị em gái mới 14 và 15 tuổi lên cây. Vụ việc chấn động này đang dấy lên làn sóng phẫn nộ và phản đối mạnh mẽ tại quốc gia này.
Thi thể 2 chị em gái bị treo ngược trên cây.
Theo đó, dân làng tìm thấy thi thể của 2 chị em (14 và 15 tuổi) bị treo trên thân cây nhiều giờ sau khi mất tích tại ngôi làng Katra, tỉnh Ultar Pradesh. Được biết do nhà nghèo và không có nhà vệ sinh nên 2 chị em đã rủ nhau ra cánh đồng và mất tích từ đó.
Người dân tập trung tại nơi 2 cô gái bị treo, không cho cảnh sát đưa thi thể nạn nhân rời khỏi hiện trường.
Hàng trăm dân làng vô cùng phẫn nộ khi phát hiện ra thi thể 2 cô gái. Họ kiên quyết ngồi dưới thân cây không cho phép cảnh sát đưa thi thể 2 cô gái rời khỏi hiện trường cho đến khi lực lượng chức năng bắt được thủ phạm. Tuy nhiên, nhiều giờ sau đó, lực lượng cảnh sát đã can thiệp để tiến hành khám nghiệm tử thi và điều tra vụ việc.
Sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi, cảnh sát xác nhận 2 cô gái đã bị cưỡng hiếp trước khi bị giết và treo lên cây. Chính tình tiết này càng dấy lên sự phẫn nộ và bức xúc trong lòng người dân Ấn Độ.
Dân làng cáo buộc cảnh sát trưởng khu vực thờ ơ trước vụ việc này.
Được biết, cho đến hiện tại, cảnh sát hiện đã bắt được 4 nghi phạm còn 3 nghi phạm khác vẫn đang trốn chạy. Theo một số báo cáo, 1 viên cảnh sát cũng nằm trong số những kẻ thực hiện hành vi hiếp dâm.
Trước vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, dân làng Katra cũng lên tiếng cáo buộc cảnh sát trưởng khu vực thờ ơ trước vụ việc mặc dù đã được thân nhân nạn nhân báo cáo về vụ mất tích của 2 em vào ngày thứ Ba vừa qua. Ngoài ra, 3 cảnh sát cũng đã bị sa thải vì không hoàn thành nhiệm vụ dù đã được thông báo về vụ mất tích này.
Hàng loạt các cuộc biểu tình diễn ra kêu gọi chính phủ mạnh tay trừng phạt những kẻ hiếp dâm và bảo vệ phụ nữ cũng như các bé gái.
Năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã tăng mức phạt cao nhất đối với những kẻ cưỡng hiếp tập thể lên tử hình. Tuy nhiên, theo ước tính, cứ 22 phút lại có 1 vụ hiếp dâm diễn ra tại Ấn Độ. Các nhà hoạt động cho biết số liệu này còn chưa thực sự chính xác bởi nhiều người lo sợ không dám báo cảnh sát về những vụ việc tương tự do sợ bị đánh đập và đe dọa.