Hai hãng dược cảnh báo vắc xin bị giảm hiệu quả trước biến thể Omicron
Ông Stéphane Bancel, tổng giám đốc điều hành (CEO) của Hãng dược Moderna, cho biết số lượng đột biến trên protein gai trên Omicron cao hơn nhiều so với biến thể Delta. Do đó, các loại vắc xin hiện tại cần được nâng cấp vào năm tới.
Trả lời phỏng vấn của Financial Times, ông Bencel cho biết: "Tôi nghĩ rằng vắc xin không có cùng mức hiệu quả với Omicron khi so với biến thể Delta".
Tuy nhiên, hiệu quả cụ thể của vắc xin trước biến thể Omicron thì cần phải chờ dữ liệu nghiên cứu. Ông Bancel cho rằng tất cả những nhà khoa học mà ông từng trao đổi đều không lạc quan về tình hình sắp tới.
Trước đó, CEO của Moderna từng trả lời báo chí rằng phải mất nhiều tháng để xuất xưởng loại vắc xin mới chống lại biến thể Omicron.
Trong khi đó, ông Albert Bourla, CEO Pfizer, cho rằng vắc xin hiện nay có thể giảm hiệu quả đối với biến thể Omicron. Ông cũng cho biết hãng dược này cũng bắt đầu nghiên cứu phiên bản vắc xin mới nhắm tới Omicron trong trường hợp vắc xin hiện tại giảm hiệu quả. Ông cho rằng các vắc xin hiện tại vẫn có thể bảo vệ con người trước Omicron nhưng ít hơn. Điều này khiến chúng ta cần tạo ra một loại vắc xin mới.
Hãng dược Johnson & Johnson cũng cho biết họ đang nghiên cứu vắc xin chống biến thể mới và sẽ phát triển loại vắc xin này khi cần thiết.
Các chuyên gia dịch tễ ở Anh đánh giá về mức độ bảo vệ của vắc xin trước biến thể Omicron
Trang The Guardian (Anh) đưa tin, hầu hết các loại vắc xin hiện tại đều hoạt động bằng cách huấn luyện hệ miễn dịch ngăn chặn protein in gai của virus SARS-CoV-2. Protein gai chính là chìa khóa giúp virus xâm nhập vào tế bào bằng cách liên kết thụ tể ACE2.
Omicron sở hữu tới hơn 30 đột biến trong protein gai, gấp đôi số lượng đột biến ở Delta. Nếu chỉ tính riêng tại vùng liên kết thụ thể, phần ở protein gai giúp virus bám vào tế bào con người đầu tiên, Omicron có tới 10 đột biến. Trong khi đó, Delta chỉ có 2.
Các nhà khoa học nhận định rằng dù Omicron có nhiều đột biến hơn so với các biến thể trước đó của SARS-CoV-2 nhưng hệ miễn dịch của cơ thể vẫn sẽ có những vùng chứa các kháng thể và tế bào T (tế bào miễn dịch - loại tế bào phát triển sau khi con người nhiễm bệnh hoặc được tiêm chủng) có khả năng ngăn chặn virus.
Giáo sư miễn dịch học Danny Altmann, Đại học Imperial College London cho biết: "Những thông tin mà chúng tôi nhận được từ Nam Phi dường như đang cho thấy Omicron có vẻ không nghiêm trọng. Người nhiễm biến thể này phải nhập viện chủ yếu là những người chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chứ không phải đã được tiêm chủng".
Các tế bào T có vai trò nhận biết và tấn công các tế bào nhiễm virus - có nhiễm vụ dạy tế bào B sản xuất kháng thể ngăn chặn virus xâm nhập cơ thể. Ông Altmann cho biết các tế bào T có thể nhận ra sự khác biệt giữa các biến thể vì thế nó cũng có một số biện pháp để bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của virus.
Vấn đề hiện nay là mức độ bảo vệ của vắc xin trong việc ngăn chặn biến thể Omicron là bao nhiêu?
Theo các nghiên cứu trước đây, người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có thể nhiễm biến thể Delta nhưng nguy cơ mắc bệnh thấp hơn khoảng 3 lần so với những người chưa tiêm ngừa. Một điều vô cùng quan trọng đối với những người được tiêm vắc xin là nguy cơ không qua khỏi thấp hơn khoảng 9 lần nếu bị nhiễm bệnh.
David Matthews, Giáo sư virus học tại Đại học Bristol cho biết: "Nếu đã tiêm hai mũi vaccine và đã hồi phục sau nhiễm Delta, thì bạn đã có một phản ứng miễn dịch rất hiệu quả. Bạn có thể tránh được khá nhiều biến thể". Nguyên nhân là do những người này đã nhiễm virus (khi nhiễm biến thể Delta) và có protein gai hình thành từ chủng virus gốc nhờ việc tiêm chủng. Khi đó, người này sẽ có phản ứng kháng thể với cả chủng gốc và chủng virus hiện tại. Phản ứng của tế bào T cũng rộng hơn, không chỉ chống lại protein gai do Omicron tạo ra mà còn chống lại protein gai của các protein khác mà virus SARS-CoV-2 tạo ra. Theo giáo sư Matthews, đây là điều vô cùng có lợi.
Dự đoán của giáo sư Nam Phi về hiệu quả của vắc xin đối với biến thể Omicron
Giáo sư Salim Abdool Karim, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi, cố vấn chính phủ trong giai đoạn đầu dịch Covid-19, cho rằng: "Dựa trên những hiểu biết về cách biến chủng đáng lo ngại phản ứng với vaccine, chúng tôi cho rằng vaccine vẫn hiệu quả cao, có khả năng bảo vệ mạnh mẽ".
Ông Karim cho rằng ngay cả khi virus có thể trốn tránh miễn dịch, nó cũng rất khó thoát khỏi tế bào T.
Tuy nhiên, giáo sư Karim thừa nhận vẫn còn quá sớm để biết được liệu Omicron có gây ra các triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó hay không. Biến chủng này có vẻ dễ lây lan và nhiều khả năng ảnh hưởng tới người đã được tiêm chủng hoặc các F0 đã khỏi bệnh.