Chuyện "rụng tim" của ông bố 9x
Chuyện đưa vợ đi đẻ của nickname Cavali có lẽ là câu chuyện được chia sẻ và lấy đi nhiều nước mắt của cư dân mạng nhất trong số những câu chuyện đưa vợ đi đẻ từ trước tới nay. Trong tâm sự của mình, ông bố kể rằng anh đã trải qua 3 ngày khủng khiếp nhất trong cuộc đời, đã có lúc tuyệt vọng tưởng như sẽ mất vợ, mất con tại Bệnh viện Phụ sản.
Cô con gái "siêu nhân" của ông bố Cavali trong phòng chăm sóc đặc biệt.
Tối 15/7, vợ của Cavali có dấu hiệu sinh, tuy nhiên khi vào viện, chị lại bị biến chứng sốc thuốc gây tê màng cứng nghiêm trọng và ngay lập tức suy tim, truỵ thai. Toàn bộ y bác sỹ, giáo sư đầu ngành đang trực khi đó tại bệnh viện đã phải nỗ lực hết sức để cứu sống đứa bé và người mẹ. Có những khi ông bố trẻ đã được thông báo "dặn gia đình chuẩn bị tinh thần” nhưng rồi may mắn, sức sống mạnh mẽ của đứa trẻ đã chiến thắng thần chết. Mẹ cháu bé cũng dần hồi phục như một phép màu.
Kể lại những giây phút nghẹt thở ấy, ông bố trẻ nhận được nhiều lời cầu chúc chia sẻ của cư dân mạng.
"Em không biết phải diễn tả sao nữa về những cảm giác trải qua trong vòng mấy tiếng đồng hồ ấy, tất cả ngấm sâu vào não và cứ liên tục quay lộn tùng phèo trong đầu, tiếng hò hét, tiếng người chạy rầm rập ở hành lang, tiếng máy móc kêu lẫn lộn hết tít ngắn rồi đến tít dài, cứ khi nào máy tít dài tim em nó nghẹt lại, em đứng ở cửa phòng khóc đến tê dại cả người, khủng khiếp và nặng nề"...
Khi bão tố đã qua, dần hồi tâm trở lại, anh viết:
"Mấy hôm nay chưa ngủ, hút nhiều thuốc nên cơ thể đang mệt mỏi và suy kiệt, em chợt nhớ ra rằng bây giờ mình là người quan trọng nhất, trụ cột chính cho 2 mẹ con, sau khi chia sẻ với các cụ cho nhẹ lòng em sẽ về nhà ăn một bát cơm to, ngủ một giấc thật sâu để lấy lại sức, vì giờ này em là người không thể gục được, con em mới đỏ hỏn ra đời nó đã can đảm và kiên cường đến thế, chống chọi với bão tố cuộc đời ngay lúc mới sinh ra, em nghĩ rằng cháu như một siêu nhân vậy, không có cớ gì em lại kém hơn con gái em được".
Hốt hoảng vì vợ đẻ rớt giữa đêm khuya đường vắng
Chồng chị Võ Thị Kim Anh (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) từng bị một phen vô cùng hốt hoảng khi vợ anh đột ngột sinh con trên đường đến bệnh viện. Khuya ngày 23/10/2012, khi mọi người đang say giấc, thì chị Kim Anh lên cơn đau dữ dội. Biết mình sắp sinh, chị gọi chồng dậy đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành. Khi đến nơi, các y bác sĩ cho biết cái thai rất yếu, đề nghị anh chị lên bệnh viện tuyến trên.
Hơn 2h sáng, chồng chị chở xe máy đưa chị lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang, cách đó 20km. Đang đi thì chị có cảm giác em bé chuẩn bị ra nên kêu chồng dừng lại. Khi chồng chị vừa dừng lại thì em bé cũng cất tiếng khóc chào đời. Lúc đó khoảng 3 giờ sáng, trên đường không một bóng người qua lại, taxi cũng không, trong túi anh chỉ có 100 nghìn đồng, chồng chị Kim Anh vô cùng hốt hoảng và lúng túng. Anh lấy khăn mền ra trùm lại giữ ấm cho đứa con vừa chào đời và hoay hoay chẳng biết nhờ ai giúp.
Mẹ con chị Kim Anh và một trong những vị cứu tinh giữa đêm khuya.
Trong lúc hai vợ chồng đang lúng túng, tuyệt vọng, thì xe tuần tra của tổ đặc nhiệm công an tỉnh An Gang tới, đưa mẹ con chị đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Lúc vào viện, bé gái nặng 3,4kg có biểu hiện tím tái do lạnh và chưa được hút dịch, còn chị Kim Anh có biểu hiện mệt mỏi, mất nhiều máu, nếu không được đưa đến cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Chồng "tê liệt" vì vợ đẻ rơi trên xe taxi
Anh Phạm Giang Linh, tài xế hãng taxi Vinasun, kể lại chuyện một sản phụ đẻ rơi trên taxi do anh cầm lái. Sáng 28/10/2010, anh Linh đón một vị khách tại đường Mã Lò, khu phố 13, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. Khách là chị Nguyễn Thị Kim Phương, sản phụ đang lên cơn đau đẻ. Anh được yêu cầu chở tới trạm xá tại ngã tư Bốn Xã để sinh con. Thế nhưng khu vực này kẹt xe cứng ngắc, cả đoạn đường dòng xe ô tô, xe buýt nối đuôi nhau khiến chiếc taxi của anh như mắc vào “ma trận” kẹt xe. Đến nơi, trạm xá cho biết nơi đây không có chức năng đỡ đẻ.
Chị Phương không ngừng kêu đau bụng, rên la đau đớn. Anh Linh sốt ruột đề nghị người nhà chuyển chị đến Bệnh viện Triều An, Q.6 gần đó. Thế nhưng xe của anh lại tiếp tục lạc tiếp vào “ma trận” kẹt xe tại ngã tư An Dương Vương - Tân Hòa Đông. Giao lộ này đường hẹp, xe đông buộc anh phải mở đèn ưu tiên nhưng… chẳng ai nhường.
“Tôi cố gắng hét thật to, mở gương, gập kính chiếu hậu để la xin mọi người tránh đường nhưng ai cũng vượt lên trước. Nhìn ra phía sau, chị Phương đau đớn khiến anh Phan Thanh Long, chồng chị cũng bị mất tinh thần. Một lúc sau cả tôi, anh Long và một chị đi cùng đều đồng thanh la to xin mở đường, xe mới đi nhanh hơn một chút” – anh Linh nhớ lại.
Khoảng 11g, chị Phương la thất thanh “đẻ rồi” xong ngất lịm đi, người chồng hoảng loạn tinh thần, còn anh Linh cũng luống cuống chỉ biết lái xe thật nhanh đến bệnh viện…
Thế nhưng khi đến được khu vực vòng xoay Phú Lâm, xe lại bị kẹt xe do đường Bà Hom có “lô cốt” án ngữ hết nửa mặt đường. “Khi đến được Bệnh viện Triều An, người vợ ngất lịm còn người chồng cũng muốn… ngất theo, không biết làm gì. Tôi phải chạy vào gọi bác sỹ nhờ họ ra cấp cứu cho đứa bé cùng sản phụ ngay ở băng ghế sau của chiếc taxi” - anh Linh kể.
Tại Hà Nội, hôm 1/4 cũng xảy ra một vụ đẻ rơi hy hữu trên taxi. Trên đường tới bệnh viện để sinh con, dù chỉ bị tắc đường trong ít phút nhưng chị Nguyễn Thị Lên đã không chờ đợi được mà sinh con ngay trên taxi. May mắn, lúc này xe taxi đang ở ngay trước cổng Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai nên nên các nữ y tá, bác sĩ đã nhanh chóng đưa cháu bé vào phòng phụ sản còn chồng chị Lên thì bế bổng vợ lên cáng cứu thương.
Bị vợ đẻ hành hạ vẫn phải im như thóc
Bình thường, Kim Nhung (Ba Đình, Hà Nội) là cô gái khá hiền lành, khéo léo chiều chồng. Ấy thế mà không hiểu sao từ khi mang bầu, tính tình cô thay đổi hẳn. Nhung thường xuyên cáu gắt, khó tính và hay mắng chồng. Biết vợ mệt mỏi nên anh Nam – chồng Nhung - cố gắng nhịn vợ. Anh mong con nhanh chào đời để vợ trở về được như xưa. Thế nhưng, ngày vợ đẻ là ngày thảm họa với anh Nam. Cứ mỗi khi cơn đau đẻ đến là cô lại lôi chồng ra chửi. “Tại anh mà tôi khổ thế này!”, “Anh giỏi thì vào mà đẻ thay tôi đi!”, “Cái anh kia, không vào mà bóp chân cho tôi à? Cứ lởn vởn bên ngoài làm gì thế?”… Chửi thế chưa đủ, khi thấy vợ đau, anh chạy đến bóp chân cho vợ còn bị bị đạp văng ra chỗ khác.
Người vợ đẻ rơi trên taxi được chồng bế đặt lên băng ca.
Có chị lên cơn đau đẻ không đứng dậy nổi phải bò lổm ngổm quanh phòng, vừa bò vừa la oai oái. Trong khi anh chồng cứ nhẫn nại đi theo sau, vừa đi vừa quạt lấy quạt để. Miệng cứ liên tục nói: ‘Anh biết rồi, thương em lắm’.
Còn có những ông chồng khi vợ đẻ phải để vợ chỉ đạo từng li từng tí một chuyện chăm sóc chính vợ. Vợ thích ăn gì thì ghi ra giấy cho chồng đi mua. Có chị ăn xong hỏi chồng tăm đâu? Anh chồng bảo em không ghi nên anh không mua. Cô vợ rít lên: “Cái đấy mà anh còn đòi tôi phải ghi ra nữa à? Anh có phải trẻ con đâu mà cái gì tôi cũng phải dặn. Hả? Hả? Hả?”. Anh chồng vừa tức vừa xấu hổ nhưng cũng không dám cãi lại vợ mà cun cút đi mua tăm. Anh phân trần: “Thôi thì mấy năm mới có lần vợ đẻ, tôi chịu nhịn tí cho nhà cửa yên lành. Mà tôi tận mắt thấy vợ đẻ rồi. Đau lắm. Nên tôi có bị quát một tí cũng không vấn đề gì”.
Cưới nhau tới 5 năm, chị Hằng mới mang thai nên cả hai họ đều mừng. Mà mừng hơn nữa là em bé chào đời vào năm Nhâm Thìn. Mẹ chồng sung sướng, tấm tắc: “Mày khéo chọn quá con ơi. Sinh con trai vào năm nay thì còn gì bằng nữa”. Trước đấy, Hằng đã phải chịu ấm ức rất nhiều. Mẹ chồng cứ rỉa rói, nói ra nói vào, chồng cũng lấy cớ muộn con gây sự với vợ. Từ khi sinh, Hằng không cho nhà ngoại động tay vào bất cứ thứ gì. Tất cả đều phải được chồng và mẹ chồng làm. Mẹ chồng cơm nước, chồng giặt giũ. Lúc trở dạ, đau quá, Hằng vừa quát, vừa túm tóc đánh chồng. Anh chồng hoảng hốt nhưng cũng không dám vùng ra, cứ mặc cho vợ đánh.
Đến lúc đón con, chồng Hằng xúc động đỏ hoe mắt. Bác sĩ dặn dò cách để tay, cách quấn tã, anh chồng lấy giấy bút ghi lại đầy đủ như một công thức. Vợ sinh con xong càng ngày càng béo còn anh chồng thì cứ gầy rộc đi bởi ngày nào anh cũng thức trắng đêm để trông con cho vợ ngủ. Hễ con khóc là Hằng lại réo tên chồng. Anh chồng lúc nào cũng kè kè điện thoại, vợ gọi thì ngay lập tức phải xuất hiện. Bà nội thấy cảnh chướng mắt liến nói con dâu. Anh chồng kéo tay mẹ xin lấy xin để: “Con xin mẹ. Vợ con biết đẻ là được rồi còn đâu mẹ cứ để con lo”. Con ốm, đau vợ cũng phó hết cho chồng.
Đến lúc cai sữa thì Hằng giao hẳn con cho chồng còn mình thì tung tẩy khắp nơi. Hàng ngày chồng Hằng bế con đi chơi, khi có việc thì địu thằng bé sau lưng. Nhân dịp đẻ Hằng đã biến chồng thành một người đảm đang bằng kế hoạch "trả thù" êm ái của mình.