Một người đàn ông đã choáng váng khi phát hiện bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh Maria đang “khóc ra máu” trong nhà của ông.
Người đàn ông sống tại Jalisco, Mexico, cho biết bức tượng đã khóc trong bốn tháng qua - một hiện tượng nhiều người Công giáo coi là dấu hiệu của Thiên Chúa.
Bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh quàng khăn màu trắng, trên đầu có vương miện, và một chất lỏng màu đỏ chảy ra từ mắt đã khô. Chủ nhân bức tượng khẳng định đây là máu khô.
Tuy nhiên, vị trí chính xác của bức tượng đang được giữ bí mật và công chúng không được phép đến thăm, người đàn ông nói với kênh tin tức Telemundo.
Anh lo ngại rằng đám đông có thể hành hương đến để xem bức tượng, giống như sự việc từng xảy ra ở thị trấn Floridablanca, Colombia đầu năm nay.
Nhiều người xem ảnh bức tượng tin rằng đây là một phép màu.
Giáo Hội Công Giáo không bình luận về nguy cơ xảy ra cuộc hành hương bất ngờ, mặc dù tổng giám mục của thành phố Bucaramanga gần đó đã kêu gọi “cần thận trọng”.
Vẫn chưa rõ liệu Thành Vatican có coi bức tượng khóc ra máu này là một phép màu hay không. Chỉ có một số lượng rất nhỏ các sự việc tương tự được Giáo Hội chấp nhận như một phép màu hợp lệ, trong khi nhiều người khác cho rằng đây là trò lừa bịp.
Trước đây ở Bolivia cũng xảy ra sự việc bức tượng Đức mẹ đồng trinh khóc ra máu
Mirror đưa tin, nhiều tờ báo địa phương đang kêu gọi các nhà khoa học tiến hành kiểm tra những giọt nước trên gương mặt bức tượng. Người tới cầu nguyện ở nhà thờ rất kinh ngạc khi chứng kiến tượng Đức mẹ đồng trinh "khóc ra máu".
Giáo đoàn Pando tuyên bố hiện tượng diễn ra tại nhà thờ ở nơi hẻo lánh trong Khu bảo tồn động vật hoang dã Manuripi-Heath Amazon là một phép màu. Cha xứ Jose Luis Mamani cho biết "vệt máu" chảy dài từ mắt bức tượng Đức mẹ trong nhà thờ và dính cả lên tay tượng.
Mẫu vật màu đỏ máu được gửi tới đội bác sĩ ở bệnh viện địa phương để tìm hiểu đó có phải máu người hay không.
Ba tháng trước, hàng trăm người hành hương đổ xô đến thị trấn nhỏ ở Colombia khi bức tượng Đức mẹ đồng trinh tại đây được cho là khóc ra một giọt máu duy nhất. Tuy nhiên, rất ít trường hợp được giáo hội Vatican xem như phép màu thực sự.