Những câu chuyện về trùng tang quả thực trong dân gian được lưu truyền quá nhiều và cho dù không thể giải thích dưới con mắt khoa học thì nó vẫn được coi là có thật. Những cái chết được cho là "trùng" khi cả nhà lần lượt hai, ba người chết, khi người đầu tiên chết chưa hết tang thì người tiếp theo lại chết cho tới khi số người chết là đủ 3, 5 ,7 ,hay 9 người. Trùng tang là một hiện tượng huyền bí mà chưa có lý giải nào hợp lý về mặt khoa học. Chúng ta đều biết khi ai đó mất đi, gia đình liền tiến hành tang lễ, trong đó không thể không có việc nhờ thầy xem giờ mai táng, xem người ra đi có sạch giờ không, có bị "trùng" không. Vậy thực chất "trùng" là thế nào?
Trùng Tang được hiểu nôm na là một người chết vào thời điểm xấu nên không thể siêu thoát được, có thể không biết mình đã bị chết nên quay lại gọi theo những người thân của mình làm cho những người thân của người quá cố cũng qua đời theo. Vẫn có không ít người cho rằng "trùng tang" là một hiện tượng bí ẩn có thật trong đời sống và gia đình nào không may mắc phải thảm hoạ này thì chỉ còn nước cậy nhờ các pháp sư cao tay. Tuy nhiên, khi nhìn nhận dưới góc độ khoa học, bức màn này đang dần được hé mở.
Chống trùng tang trong dân gian
Trong cuộc sống, cái chết là không thể tránh, nó lại thiên hình vạn trạng: Chết già, chết do bệnh tật, chết do tai nạn, chết do thiên tai, chết do chiến tranh, đói rét... Có người chết tại nhà, có người chết ở bệnh viện, có người chết đường, chết chợ. Có người thanh thản ra đi, có người "chết không nhắm được mắt". Người chết đã đành người thân còn sống cứ băn khoăn, áy náy không hiểu người chết đã "đúng số" chưa hay chết oan uổng... và ảnh hưởng của người chết với người sống như thế nào? Đây là những câu hỏi và cũng là nguyện vọng của những người còn sống với vong linh của người đã khuất và để giải toả cho chính mình. Chính vì thế mà khái niệm về trùng tang, nhập mộ đã ra đời.
Từ quan niệm “trùng tang”, dân gian đã nghĩ ra nhiều cách để hoá giải dù chưa thật rõ bản chất của hiện tượng này là gì. Theo kinh nghiệm, sau khi tính toán, phát hiện ra người chết phạm vào giờ trùng thì ngay lập tức phải áp dụng các phương pháp “điều trị”.
Khi nhà có người mất bị trùng tang ngoài các phương pháp trấn yểm cắt trùng còn 1 cách nhanh nhất là vào chùa xin nước cúng Phật trên Tam Bảo, sau khi chôn xong lấy nước ấy rưới đều xung quanh mộ để cắt trùng. Và còn nhiều cách giải trùng tang được dân gian kể như: Khi niệm nhấc lên nhấc xuống 3 lần; Khi đậy nắp quan tài: lăng nắp 3 lần; Khi hạ huyệt nhấc lên nhấc xuống 3 lần. Nếu ở ở quê, đất rộng thì đào một huyệt giả bên cạnh, khi lấp quan tài thì lấp luôn huyệt giả; Đổ tỏi vào huyệt khi nấp đất …
Rồi có cả những phương pháp sử dụng các bài thuốc trấn trùng với các vị như thần sa, chu sa, sương luật, địa liền… cho vào túi rồi yểm trong quan tài. Hoặc có thể dùng các bộ linh phù để trấn bằng cách dùng linh phù để gối đầu người đã khuất, dán lên giữa ngực, hoặc lót dưới quan tài v.v và v.v…
Cũng có việc gửi vong lên chùa để “nhốt trùng”. Những ngôi chùa được chọn phải là chùa có uy tín trong việc giữ vong. Thực ra, từ xa xưa đến nay, đã có không biết bao nhiêu vong linh được đưa đến chùa, theo sự suy nghĩ và tin tưởng của chúng sinh thì vong trùng tang trong nhà họ được đưa đến chùa là “Phúc”, gia đình không còn người chết trùng tang, vong được an nhàn tự tại.
Tuy nhiên không phải chùa nào cũng giữ được vong chết trùng. Nó phụ thuộc vào sự linh thiêng của chùa và mức độ cao tay của vị sư trụ trì. Người ta lưu truyền về một nơi "nhốt trùng" an toàn nhất là chùa Hàm Long (Quế Võ - Bắc Ninh). Chùa Hàm Long là ngôi chùa cổ mấy trăm năm nằm trên sườn núi, địa thế rất đẹp. Ngôi chùa u tịch, nằm gối đầu vào núi, xa là dòng sông.
Chùa Hàm Long - nơi được cho là "trung tâm nhốt trùng" lớn nhất cả nước. |
Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, đây là nơi tu hành của Thiền sư Dương Không Lộ, một chân tu đắc đạo gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ. Từ ngàn xưa ấy, đồn rằng, nơi đây những vị cao tăng đã có phương pháp trấn yểm trùng huyền bí mà hiệu quả.
Nơi đây còn có bộ ván in khắc phù giải "trùng tang liên táng" từ mấy trăm năm nay. Từ trong Nam ngoài Bắc trùng tang đều đem về đó gửi. Người nhà đưa di ảnh của người quá cố lên chùa sẽ được các sư hướng dẫn cụ thể cách kiêng kỵ. Những người sống trong gia đình được giữ lá bùa trong ba năm để đề phòng tai hoạ. Hàng ngày vào buổi sáng các nhà sư tụng kinh niệm phật cúng vong rất cẩn thận.
Chuyện ly kỳ tại chùa Hàm Long được người dân lan truyền mà chẳng biết kiểm chứng thực hư như thế nào. Họ đồn đoán rằng, mỗi buổi những nhà sư phải nấu một nồi cháo to cúng thí, nếu hôm nào quên là gà vịt của người dân quanh vùng bị chết hàng loạt (!!!).Khi đưa vong lên chùa phải nhờ người không phải là họ hàng, nếu nhờ được bạn bè là tốt nhất, còn nếu không cũng phải nhờ người bên họ ngoại. Vì vong chết trùng thường rất khôn ngoan, nếu thấy người quen đưa đi thì thường nó sẽ đi theo về hoặc tệ hơn là nó đã biết trước và không đi theo. Thế nên sau khi nên mộ tròn tức là người chết đã về với tổ tiên, mới được thờ cúng lại bình thường.
Dù vậy, đây chỉ là những phương pháp hoá giải đầy huyền bí, không có cơ sở và thiếu tính thuyết phục. Về những chuyện trên, GS Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hoá) cho rằng: "Những chuyện như vậy, xét tính chân thật thì khó nói. Nhưng đó là tín ngưỡng dân gian, là niềm tin nên mặc nhiên người dân cứ người sau làm theo người trước và thành nếp như vậy. Và đã là tín ngưỡng thì không ai xem xét đến chuyện đúng sai, thực hư. Chỉ biết rằng, chùa Hàm Long là ngôi chùa cổ có giá trị văn hoá tâm linh được đông đảo người dân chiêm bái".
Chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên
Cho đến nay vẫn chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về bản chất của hiện tượng “trùng tang”. Ngay đến một số nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cũng không muốn đưa ra bất kỳ phát biểu nào xung quanh hiện tượng này.
Chúng tôi tìm đến Đại tá, TS. Đỗ Kiên Cường – tác giả của nhiều cuốn sách, lý giải các hiện trường dị thường trong đời sống dưới góc nhìn khoa học để mong tìm được lời giải đáp thoả đáng.
Đứng trên quan điểm khoa học, TS. Đỗ Kiên Cường cho rằng “trùng tang” chỉ đơn giải là sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên. Trong đó bản chất của sự trùng hợp là luật số lớn trong lý thuyết xác suất và thống kê. Định luật này phát biểu đơn giản là: Với một mẫu xét đủ lớn, bất kỳ hiện tượng kỳ lạ nào cũng có thể xảy ra.
TS. Đỗ Kiên Cường cho biết nhà toán học Littlewood từng chỉ ra, một hiện tượng được xem là hiếm gặp đến mức ngạc nhiên khi có xác suất 1/1.000.000. Chẳng hạn trúng xổ số giải độc đắc khi quay với 6 số chính là một hiện tượng đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên nếu xổ số được quay hàng ngày, với dân số trên 80 triệu người như nước ta hiện nay, hiện tượng được xem là hiếm gặp đến mức gây ngạc nhiên đó cũng xảy ra 80 lần/ngày, tức là gần 30.000 lần/năm trên toàn Việt Nam. Ngay cả khi nó chỉ xảy ra hàng tháng, kết quả cũng là 1.000 lần/năm. Còn với 7 tỷ người trên toàn hành tinh, cái sự kiện “hiếm gặp” đó sẽ xảy ra như cơm bữa.
Cũng tương tự như vậy, với dân số trên 80 triệu người, và khoảng thời gian dài tới 1.000 ngày (3 năm) thì theo luật số lớn, hiện tượng “trùng tang” xảy ra đủ nhiều để khiến không ít gia đình khiếp sợ.
Để hóa giải “trùng tang”, TS. Đỗ Kiên Cường cho rằng yếu tố tâm lý là nhân tố quyết định. Trên thực tế, sự cầu cúng, “nhốt vong”…mà nhiều gia đình thực hiện thực chất chỉ là hoạt động trấn an, khiến những người đang hoảng sợ sẽ tĩnh tâm trở lại, bình tĩnh hơn trong mọi tình huống. Và khi đã thư thái trở lại, tâm lý thoải mái, diễn tiến của các căn bệnh có thể gây tử vong cũng có chiều hướng tốt hơn (yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng tới khoảng 9- 40% người bệnh). Y học cho rằng niềm tin có thể giúp con người khỏe mạnh hơn về thể chất và tinh thần là vì vậy...
Đơn giản là sự cộng hưởng sóng
Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, hiện tượng trùng tang tương tự như một loài vật sống ký sinh trên xác người chết phạm vào giờ trùng. Đó chính là một trường năng lượng xấu tồn tại cùng với trường năng lượng của người chết phạm trùng.
Cố GS Nguyễn Hoàng Phương (Hội Vật lý Việt Nam) cũng đã từng đưa khoa học vào nghiên cứu bước đầu vén bức màn bí mật về hiện tượng trùng tang. Theo kiến giải của cố GS Nguyễn Hoàng Phương: "Vì trong mối quan hệ này không có sự tiếp xúc xác thịt trực tiếp giữa hài cốt người chết và tần số của trùng nên tất yếu phải có phần sóng vô hình của đôi bên tham gia vào. Đó có thể là một hiện tượng cộng hưởng sóng mang tính chất huyết thống, dòng họ. Do tần số đôi bên khác nhau nhiều, nên theo lý thuyết về nhạc, loại cộng hưởng này mang tên cộng hưởng Harmonic (tần số này là bội số của tần số kia). Đó là cơ chế cộng hưởng Harmonic hình thái huyết thống".
Điều này cũng giải thích được hiện tượng chỉ có những người cùng huyết thống với người chết phạm phải giờ trùng tang mới bị, còn những người khác và con dâu, con rể cùng sống trong gia đình không bị ảnh hưởng.
Vì lẽ đó, cần phải hiểu một cách đúng đắn dưới góc độ khoa học để những nỗi sợ hão huyền về “trùng tang” không còn tồn tại. Theo TS. Đỗ Kiên Cường, việc có kiêng, có lành là quan niệm từ lâu trong dân gian, và chúng ta nên nhìn nhận nó dưới góc độ là bộ môn tâm lý học hiện đại chứ không phải theo các quan điểm siêu hình. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều “thầy” lại vin vào đó để lập đàn cúng tế, đốt vàng mã… gây tốn kém, hoang mang trong nhân dân là điều khó chấp nhận.
Những điều đại kỵ khi lựa chọn nơi chôn cất mộ bắt buộc phải biết (Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Lựa chọn nơi chôn cất là điều vô cùng quan trọng trong tang ma. Huyệt mộ xấu sẽ ảnh hưởng cả người sống lẫn người đã khuất nên phải thật chú ý. |
30 điều đại kỵ nguy hiểm nhất trong cuộc sống bạn cần phải biết (Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Ông cha ta có câu "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" quả không sai. Nếu bạn chưa biết những điều đại kỵ trong cuộc sống thì hãy tham khảo nhé. |