Từ anh bán dạo, MC đám cưới đến danh hài số 1 Việt Nam
Còn nhớ Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc năm 2012 tổ chức tại Huế, các vở diễn lúc nào cũng thưa thớt người xem. Dân Huế vốn trầm tính và đi ngủ sớm. Thế nhưng, khi đến vở của sân khấu Nụ cười mới, rạp diễn bỗng dưng ùn ùn người. Ngay sau khi Hoài Linh diễn xong và bước vào cánh gà, hàng trăm người chen chúc ùa vào để được nhìn thấy anh. Các nghệ sỹ kịch nói khác phải ngạc nhiên vì người Huế cũng có thể ồn ào, náo loạn đến vậy.
Tất cả là tại Hoài Linh.
Cha nghệ sỹ Hoài Linh làm trong lực lương quân đội Cộng hòa. Theo tất yếu của lịch sử thời đó, gia đình Hoài Linh ở Cam Ranh bị tịch thu nhà cửa. Lẽ ra Hoài Linh sẽ là một thầy giáo, nhưng vì lý lịch, ông không được đi học đại học. Cậu bé Hoài Linh khi ấy phải lang thang trong Sài Gòn nhiều năm. Làm đủ thứ nghề. Từ bán dạo, bưng bê nhà hàng, lơ xe, phụ nghề thợ bạc…
Năm 1988, cả nhà Hoài Linh quay lại Cam Ranh sinh sống. Một lần, anh ngẫu hứng tham gia cuộc thi văn nghệ quần chúng và bất ngờ ẵm giải nhất với bài Than thân trách phận. Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc Ponagar thích quá liền mời thẳng về đoàn, đặc cách thành diễn viên chuyên nghiệp.
Nhưng một lần nữa Hoài Linh rẽ ngang để đi học múa với GS Đặng Hùng. Bị gia đình phản đối kịch liệt, ông lại bỏ, quay về với Ponagar. Ở đây, Hoài Linh và Thanh Lộc (một diễn viên của đoàn Ponagar) đã trở thành cặp hài kịch ăn khách, lưu diễn khắp các tỉnh miền Trung và miền Nam. Tài năng nhái giọng các địa phương của Hoài Linh được phát lộ từ đây. Nhưng chẳng được bao lâu, Hoài Linh sang Mỹ theo diện đoàn tụ với gia đình. Lại đi bồi bàn, rửa bát, làm thợ lò mổ. Cho đến khi chuyên nghiệp hơn là dẫn chương trình đám cưới, và cũng khá đắt show.
Năm 1995, một cơ duyên lại đến với Hoài Linh sau phút ngẫu hứng hát trong quán nhỏ. Anh lọt vào mắt xanh của nhà viết kịch Ngô Tấn Triển. Ông giới thiệu Hoài Linh cho Vân Sơn – cây hài số 1 sân khấu hải ngoại lúc đó. Cặp Vân Sơn – Hoài Linh nhanh chóng làm mưa làm gió ở trời Tây, và chẳng lâu sau, Hoài Linh vượt mặt đàn anh để chiếm ngôi số 1.
Những băng đĩa của Thúy Nga Paris được chuyển về Việt Nam khiến cái tên Hoài Linh phủ sóng thị trường trong nước. Hoài Linh có mặt ở mọi ngóc ngánh Việt Nam từ nông thôn đến thành thị, từ xe khách đến quán ăn. Hoài Linh khiến Xuân Hinh – danh hài có tiếng những năm 90 – trở nên lu mờ.
Nhận biết được sức nóng của mình ở quê nhà, Hoài Linh quyết định về Việt Nam xây dựng sự nghiệp. Anh bắt đầu diễn những vở kịch dài hơi, trong đó có bi kịch, tham gia phim truyền hình, phim điện ảnh, lập đoàn kịch riêng mang tên Nụ cười mới. Hoạt động nghệ thuật của Hoài Linh chuyển từ tấu hài sang chính thống và chuyên nghiệp.
Cho đến tận bây giờ, sau 20 năm vào nghề và hơn 10 năm làm nghề tại Việt Nam, Hoài Linh vẫn giữ nguyên độ hot của mình. Những chương trình có Hoài Linh, dù là rạp hát hơn 200 ghế hay sân khấu 2000 nghìn ghế, vẫn chật kín khán giả. Mùa phim Tết, phim nào có Hoài Linh, phim đó cháy vé. Hoài Linh mang lại khái niệm đầy đủ nhất về hai chữ “Ngôi sao” – người có thể khiến khán giả sẵn sàng chờ đợi cả vài tiếng đồng hồ chỉ để được nhìn thấy thần tượng; người mà chỉ cần dán tên lên programe có thể mang lại doanh thu tiền tỷ cho một bộ phim.
Cái tên Hoài Linh luôn là bảo chứng của doanh thu phòng vé
Và hơn cả Ngôi sao, người ta gọi Hoài Linh là ông trùm showbiz, bố già showbiz. Bởi chỉ một lời nói của ông có thể khiến cho một người vô danh tiểu tốt trở thành sao. Một cái gật đầu của ông có thể khiến một người không ai biết đến thành người không ai không biết đến.
Người ta cũng đồn đoán rằng, Hoài Linh chính là người đứng phía sau sự nổi tiếng của những cái tên đình đám: như “ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng, như MC nổi như cồn Trấn Thành, như Dương Thiệu Vũ, như Khởi My, hay mới đây nhất là Hoài Lâm. Như thể, Hoài Linh chỉ cần vung bàn tay phù thủy lên chạm vào ai đó, người ấy ngay lập tức từ Lọ Lem thành những Bà Chúa, Ông Hoàng.
Có thật vậy không?
Quyền lực đến từ đâu?
Sự thật đúng là như vậy.
Hoài Linh sở hữu một lượng fan khổng lồ không có đối thủ ở Việt Nam. Các bầu show phải theo đuôi ông để có được chữ ký bạc triệu vào hợp đồng. Thế nên, không thể có chuyện Hoài Linh tìm show cho người thân của mình mà lại không được. Cũng như chỉ cần ông nhắc khéo rằng: “Khởi My là đứa cháu tui” hay “Hoài Lâm là con trai tui”, các fan ngay lập tức đồng loạt nhắn tin bình chọn để họ giành chiến thắng áp đảo trong các cuộc chơi.
Nhưng tại sao Hoài Linh lại đông fan đến thế và các bầu show phải phục tùng Hoài Linh đến thế? Quyền lực chẳng tự nhiên mà đến.
Trong tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo, ông trùm Don Vito Corleone gây dựng "sự nghiệp Bố già" từ hai bàn tay trắng. Nhưng nhờ tài năng, lòng dũng cảm và cách xử thế đâu ra đấy mà “Bố già” tạo ra một đế chế hùng mạnh của mình. Ông có nhiều bạn lẫn kẻ thù. Nhưng đến kẻ thù cũng phải nể trọng ông.
Hoài Linh cũng từng thừa nhận rằng mình có rất nhiều người yêu mến và cũng từng ấy kẻ ghét. Nhưng ghét thì ghét, không ai có thể phủ nhận tài năng của anh. Nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái – một người Bắc và ưa thứ nghệ thuật tử tế khẳng định: “Hoài Linh là diễn viên kịch số 1 Việt Nam”.
Diễn viên số 1 ấy dù chưa từng học sân khấu chuyên nghiệp nhưng luôn làm nghề với thái độ chuyên nghiệp.
Còn nhớ, khi trở về Việt Nam, Hoài Linh ý thức rõ những thiếu hụt của mình vì trước đó chỉ đi diễn tỉnh và tấu hài trên sân khấu tổng hợp. Thay vì ăn theo danh tiếng có sẵn, ông tìm đến Nhà hát Kịch Thành phố nhận diễn kịch dài. Một cách để học nghề sân khấu và cũng để thay đổi hình ảnh.
“Ngày đầu tiên diễn kịch dài, vai Trạng Quỳnh, tôi vào hậu trường mà cứ nắm lấy thầy Trần Ngọc Giàu (khi ấy là Giám đốc Nhà hát Kịch Thành phố - PV), nói: Em run quá thầy ơi!” – Hoài Linh chia sẻ trong chương trình kỷ niệm 10 năm làm nghề của mình.
Cũng trong chương trình ấy, Hoài Linh để các nghệ sỹ danh giá như Hồng Vân, Thanh Thúy, Hữu Châu, Minh Nhí lên sân khấu chửi mình là “thằng thất học”, được tổ đãi, trời cho mà nổi tiếng. Rồi chính Hoài Linh tự giễu những sự “lố” của mình, tự chê bai những cái thô tục, kém cõi trong các chương trình của mình. Mấy ai dám thẳng thắn và trung thực với chính mình như ông trùm showbiz kia?
Hiếm có nghệ sỹ nào tài năng và hóa thân đa dạng như Hoài Linh trong làng sân khấu Việt Nam
Ông trùm ấy cũng không lợi dụng danh tiếng cá nhân để ép bầu show nhận con – em – cháu mình.
Hoài Lâm về làm con Hoài Linh từ năm 16 tuổi. Suốt 3 năm trời, công việc chính của Hoài Lâm là học nghề. Thi thoảng cũng đi diễn nhưng đều là những show nhỏ. Dòng nhạc Hoài Lâm bắt buộc phải theo là nhạc dân ca. Hoài Linh kiên quyết không cho con trai nuôi hát nhạc nhẹ vì sợ con hư, dễ mắc bệnh ảo tưởng.
Trong Gương mặt thân quen, Hoài Lâm thể hiện một giọng ca được rèn luyện nghiêm túc, cẩn thận bằng tinh thần nghệ sỹ và những kỹ năng “bản sao” của bố trong trình diễn, đặc biệt là giả gái. Nhưng không phải đến cuộc thi này Hoài Lâm mới giả gái. Ngay từ khi được Hoài Linh nhận làm con, cậu bé đã phải “sôi kinh nấu sử” trong lò luyện của cha. Học giả gái, học nhái giọng địa phương, học luyện hát dân ca, hát âm nhạc cổ truyền từ cải lương đến tuồng, chèo, ca trù, xẩm. Không dễ gì mà Hoài Lâm vào vai Hà Thị Cầu với điệu Xẩm thập ân “ngọt” đến thế.
Hoài Linh đã trang bị cho con đủ lông đủ cánh để con cất cánh bay, chứ không trở thành cục pin để con chạy. Những Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành cũng “bay” theo cách đó, bằng thực chất và sự khổ luyện, khiến đồng nghiệp phải tâm phục khẩu phục, và công chúng dành cho sự cảm mến bền lâu.
Quyền lực của Hoài Linh đến từ tài năng thực thụ và giữ được bằng thái độ làm nghề thực thụ. Không có tiểu xảo ở trong đó. Bởi vì công chúng tinh nhạy lắm. Chẳng tiểu xảo nào qua được mắt họ lâu dài.
Và vì thế, ông trùm vẫn vững ghế trong đế chế showbiz Việt.