Hồi ký của cô gái duy nhất sống sót sau vụ rơi máy bay ở VN

13:00, Thứ năm 07/08/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - 22 năm kể từ ngày thảm kịch xảy ra, câu chuyện giờ được khai mở lại trong cuốn tự truyện "192 Hours"

Trong cuốn tự truyện vừa được xuất bản tại VN, một nữ du khách người Hà Lan thuật lại cuộc sống sót kinh hoàng của bà sau khi chiếc máy bay rơi trong một thung lũng thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Annette Herfkens vẫn nhớ như in chuyến bay định mệnh của đời mình, xảy đến vào ngày 14/11/1992, khi tuổi xuân của cô còn đang căng tràn sức sống. Chưa đầy 30 tuổi, cô gần như đứng trên đỉnh cao sự nghiệp với công việc uy tín, thu nhập cao tại một ngân hàng top đầu thế giới. Công việc giao dịch quốc tế lại giúp cô có điều kiện đi xa, khám phá cuộc sống ở nhiều châu lục. Cô còn khiến nhiều người phải ganh tị về mối tình đầu đời, thủy chung với người chồng sắp cưới sau 10 năm yêu nhau.

Mô tả ảnh.
Tác giả tự truyện "192 Hours" Annette Herfkens.

Đó là ngày mà thế giới tươi đẹp của Annette sụp đổ, đưa cô trở về khởi điểm, bắt đầu từ việc đấu tranh giành giật lấy sự sống. Cô và chồng sắp cưới là Willem van der Pas (tên thường gọi Pasje) cùng 31 hành khách rời Sài Gòn để tới Nha Trang trên chuyến bay số hiệu 474 của Vietnam Airlines. Chuyến đi ngọt ngào cho cặp tình nhân lâu ngày xa cách bỗng trở thành tai họa khi chiếc máy bay đâm vào đỉnh núi, rồi rơi vào thung lũng Ô Kha cách thành phố Nha Trang 19 dặm và cách ngôi làng gần nhất 10 dặm.

Khi lên máy bay, Annette được sắp xếp ngồi ở ngay lối đi hàng thứ 3, ngay trước cánh máy bay - được coi là một trong những nơi kém an toàn nhất trong khoang hành khách. Tuy nhiên, chính chỗ ngồi “kém an toàn” đó lại giúp cô thoát chết. Trong khi các hành khách và phi hành đoàn, có người vẫn còn sống khi máy bay rơi, nhưng sau đó đều không qua khỏi do chấn thương.

Pasje cũng qua đời trong tai nạn ngày hôm đó. May mắn hơn các hành khách khác, Annette thoát chết nhưng lại mang thương tích đầy mình: “Đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra. Nhưng cảnh tượng hãi hùng nhất phải nằm ở ống chân: tôi nhìn thấy cả xương mình! Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt”, cô nhớ lại.

Mô tả ảnh.
Bìa cuốn tự truyện vừa được xuất bản tại VN.

Trong cuốn tự truyện của mình, Annette mô tả lại một cách chân thực cách thức tồn tại trong 8 ngày cô độc trong thung lũng Ô Kha cho đến khi đoàn cứu hộ xuất hiện và đưa cô tới bệnh viện cấp cứu. Khu vực này vốn được mệnh danh là “thung lũng tử thần” từ trước năm 1975 bởi nhiều máy bay đã từng rơi ở đây. Cô đã phải lấy những miếng xốp từ thân máy bay để tích nước mưa làm nguồn “thức ăn” sống qua ngày.

Thương tích đầy mình, xung quanh là mùi tử thi hòa lẫn với vẻ đẹp nguyên sơ của rừng, lại chỉ có nước mưa để sống. Điều gì tạo nên sức mạnh diệu kỳ này? Annette cho biết: “Tại sao tôi không nghĩ về lũ giòi lúc nhúc? Về mùi xác người? Bởi vì đối với tôi, chúng chỉ là thứ yếu sau vẻ đẹp, cõi yên bình và sự an toàn của khu rừng. Cả ngay lúc còn ở khu rừng lẫn sau này, tôi nhiều lần đều chọn cách không cố tình lơ đi hay đè nén những điều xấu; thay vào đó, tôi chủ động hướng bản thân mình biết nhìn vào những gì. Tôi chủ động chọn những gì cần nhấn vào và những gì cần tránh day đi day lại”.

Mô tả ảnh.
Tư liệu báo chí VN về vụ việc xảy ra năm 1992.

Những trải nghiệm cá nhân và cách Annette dùng trực giác, sự tập trung và hiểu biết để chỉ dẫn bản thân, vượt lên những cơn đau, sự mất mát để giành lại sự sống của mình... đã khiến cuốn tự truyện trở nên giá trị như một bằng chứng sống giúp con người vượt qua nghịch cảnh. Thậm chí, câu chuyện đời của Annette còn chưa dừng lại đó khi trở về đoàn tụ cùng gia đình, cũng như trở lại với công việc. Ám ảnh với quá khứ chưa bao giờ cho cô có giấc ngủ yên, cộng thêm phải chiến đấu với bệnh tự kỷ của cậu con trai Maxi.

Năm 2006, Annette trở lại VN tìm về hành trình cũ như sự soi rọi vào quá khứ còn để lại nhiều day dứt, nhất là câu hỏi về người đàn ông có chiếc áo màu da cam bất ngờ xuất hiện trước mặt cô vào ngày thứ bảy sống sót, rồi bỏ đi mất. Ký ức sâu đậm về gương mặt ấy, ánh mắt có sức mạnh cứu sinh ấy giúp cô biết chắc người đàn ông có trong nhóm người đưa cô trở lại với thung lũng ngày nào, chính là người đàn ông có chiếc áo màu da cam. Và cô đã có câu trả lời hòa giải với quá khứ.

22 năm kể từ ngày thảm kịch xảy ra, câu chuyện giờ được khai mở lại trong cuốn tự truyện "192 Hours" (do First News mua bản quyền và phát hành tại VN), từ điểm nhìn của một Annette trưởng thành, bao dung và mạnh mẽ với cuộc đời.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phương anh