Hồi ức tình yêu của hai tâm hồn đầy thương tích

08:05, Thứ hai 20/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Vừa kể, Hải vừa nắm tay vợ cười cười: "Yêu nhau đúng 28 ngày. Mà có được gặp đâu, đến ngày thứ 29 là cưới luôn được vợ, đời mình sao còn nhiều may mắn".

Sinh ra là đứa trẻ khỏe mạnh bình thường, nhưng số phận đã khiến Hải phải sống trong mù lòa, tăm tối từ thuở còn thơ. Vượt lên nghịch cảnh, anh một mình tha hương bươn chải để tự nuôi thân. Cũng giống anh, chị Hòa mang thân tật nguyền từ nhỏ.  Đường đời run rủi, khiến chị lỡ dở tình duyên, phải tủi phận nuôi con một mình. Nhưng rồi, hai tâm hồn đầy thương tổn ấy đã tình cờ gặp nhau, đồng cảm và nói như họ đã nói: “Chúng tôi đã tìm thấy ánh sáng của đời mình”.

[links()]
Đường đời chông gai của chàng trai đầy nghị lực

Vào một ngày phương Nam bắt đầu về mùa mưa, trên bàn làm việc của tôi xuất hiện một chiếc bưu thiếp rất lạ. Trên nền giấy trắng, hoa văn đơn giản có dòng chữ đỏ tươi: "Trân trọng kính mời ... đến tham dự lễ thành hôn của Nguyễn Văn Hải – Nguyễn Thị Kim Hòa".

Đám cưới cũng hết mực giản đơn. Trong vòng tròn khách khứa chưa hơn chục người, chú rể ôm đàn say sưa cất giọng cao vút, đứng cạnh bên cô dâu không cầm nổi xúc động, nước mắt cứ giọt vắn, giọt dài, vòng tròn người cũng bắt đầu rưng rưng ...

Hơn 30 năm về trước, giữa trưa hè đổ lửa, phía sau Y viện Sùng Chính (nay là Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM) một đứa trẻ hãy còn đỏ hỏn khát sữa mẹ, thèm hơi người gào khóc đến lả đi mà vẫn không ai bồng bế.

Cô dâu chú rể Hải - Hòa hạnh phúc trong ngày cưới
Cô dâu chú rể Hải - Hòa hạnh phúc trong ngày cưới

Khi sinh mạng yếu ớt ấy chỉ còn thoi thóp vì quá kiệt sức thì may mắn sao, có một anh bộ đội vô tình đi ngang qua. Ngay lập tức, anh bồng đứa trẻ đi cấp cứu.

Vì không có điều kiện chăm sóc, anh mang đứa trẻ đáng thương trao cho một đôi vợ chồng hiếm muộn ở Long An. Đứa trẻ bị bỏ rơi ngày nào chính là Nguyễn Văn Hải.

Được cha mẹ nuôi yêu thương, chăm lo như con ruột, những tưởng cuộc đời Hải đã sang một trang tươi sáng. Nào ngờ, từ thuở lên ba, cơn bạo bệnh bỗng nhiên ập xuống đã cướp đi ánh sáng của đôi mắt anh, vĩnh viễn.

Từ đó, cậu bé Hải dò dẫm lớn dần lên trong tình thương của cha mẹ, sự bao bọc của xóm làng. Đến độ tuổi bắt đầu hiểu chuyện, Hải luôn buồn phiền, sầu muộn vì nghe phong thanh anh chỉ là một đứa con rơi. Biết không thể nào giấu Hải mãi được, cha mẹ anh đành ngậm ngùi nói thật.

Thương cha mẹ đã già, cảnh nhà nghèo túng, lại mang suy nghĩ phải làm gì đó để đền đáp công ơn đấng dưỡng dục, Hải quyết định rời quê lập thân. Năm ấy, Nguyễn Văn Hải mới vừa tròn 17 tuổi.

Một thân một mình ở chốn phồn hoa đô hội, người bình thường trụ lại đã khó, với Hải điều đó còn gian khổ hơn gấp chục lần. Ngày đầu, Hải bước xuống bến xe miền Tây, anh cảm giác như đang ngợp thở giữa một vùng tối đen mà mình chưa hề biết tới.

May mắn sao, anh được dân cửu vạn ở đây thương tình cưu mang rồi chỉ cho anh nghề bán vé số. Hải bắt đầu cuộc sống bạ đâu là giường, nghỉ đâu là nhà, quãng đường đến đại lý vé số có hơn trăm mét mà xe cộ ồn ã, người qua kẻ lại đông đúc khiến Hải lúc nào cũng lạc vòng quanh.

Đi bán vé số, chuyện bị giật, bị lừa tráo vé số cũ, bị khách quỵt tiền khi mua xong rồi lẳng lặng bỏ đi ... xảy ra với Hải như cơm bữa. Dần dần, số nợ Hải mắc đại lý vé số càng lớn dần thêm. Họ ái ngại định không cho Hải lấy thêm vé nữa, nhưng anh đã nắm tay người chủ và khẳng định chắc nịch: "Tôi sẽ trả".

Từ đó, mỗi khi có dịp lễ lạc, những ngày vía Phật, Hải lại theo xe lặn lội xuống chùa Bà, Bình Dương để bán hoa, bán nhang đèn. Cũng nhờ vậy mà Hải từ từ trả hết được món nợ.

Thương anh chàng tật nguyền nhưng đầy nghị lực khách hàng gần đó vẫn hay mua vé số dùm cho Hải, "tai nạn nghề nghiệp" cũng thưa thớt dần.

Khi miếng cơm, manh áo đã trang trải được, Hải bắt đầu nghĩ đến chuyện đi học. Ngày, anh rong ruổi khắp các nẻo đường để bán vé số, đêm, lại dò dẫm trở về trường dành cho người khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu học chữ.

Thấy Hải có năng khiếu ca hát, thầy cô ở trường khuyên anh đi học thêm thanh nhạc. Sở hữu giọng ca cao vút, Hải đã chọn opera... Thuở ấy, giọng ca người Ý đã đi vào huyền thoại Luciano Pavarotti bao đêm đã ru Hải qua những khoảng không tịch mịch, thắp sáng trong anh bao nhiêu khát khao cháy bỏng.

Rằng, một ngày nào đó giữa hàng trăm khán giả anh sẽ cất cao giọng hát; rằng, anh sẽ hát bằng cả con tim mình, đốt cháy cả không gian, quên hết đi thời gian, chỉ còn anh và giọng hát vút tận trời xanh.

Nhưng đường đời vốn dĩ quanh co, vòng xoáy của cuộc mưu sinh đã buộc Hải phải dừng bước khi anh mới vừa xong bậc trung cấp thanh nhạc.

Mang ước mơ còn dang dở, Hải quyết định đi học vi tính để có một cái nghề ổn định hơn cho bản thân. Run rủi thế nào, Hải lại tìm đến Mái ấm Nhân Tâm tại quận 12. Nơi đây, chính là cầu nối để Hải đến được với tình yêu định mệnh của đời mình.

28 ngày yêu nhau ... qua điện thoại

Lê Thị Kim Hòa (SN 1976) có lẽ may mắn hơn Hải vì cô được sinh ra trong một gia đình khá giả tại huyện Bình Chánh. Hòa có vóc người cân đối và đặc biệt là giọng nói trong trẻo, ngọt mát đến lạ kì. Bởi thế, tuy không còn nhìn thấy gì nhưng vẫn có rất nhiều chàng trai nguyện được chăm sóc Hòa đến suốt đời.

Nhưng rồi, Hòa chỉ dám chọn một người cũng khiếm thị như cô để mong mỏi được sẻ chia, đồng cảm. Yêu thương mặn nồng rồi kết thúc bằng một lễ cưới tưởng như là viên mãn.

Nhưng không ngờ, đến lúc Hòa chuyển dạ sinh con thì người chồng đầu ấp tay gối lại sinh lòng nghi hoặc. Bởi trước kia, lúc còn ở nhà thấy Hòa buồn tay buồn chân cha mẹ khuyên Hòa đi học một cái nghề.

Hòa chọn nghề massage bởi cô gái hãy còn ngây thơ và nghĩ rất đơn giản: "Em chọn học nghề massage bởi cha hay đau mỏi lặt vặt, có nghề rồi em sẽ về massage cho ba mẹ đỡ đau".

Rồi Hòa bắt đầu làm dịch vụ massage tại nhà. Nói là nói vậy, chứ có khi nào Hòa đi đâu xa khỏi xóm, xung quanh nhà có ai đau mỏi gọi thì Hòa đi, lắm lúc thân quen còn không lấy tiền. Vậy mà chồng Hòa lại lấy cái cớ ấy để nghi ngờ đứa con không phải của mình...

Hòa nghe, chỉ biết khóc. Bao nhiêu lần giải thích, bao nhiêu lần tìm cách để chứng minh, người chồng ấy cũng cương quyết không tin Hòa. Biết chồng đang tìm cớ để thay lòng đổi dạ và cũng không thể chịu đựng được sự tủi nhục, Hòa ôm con về sống với cha mẹ ruột.

Giờ nhớ lại, Hòa chỉ nói: "Em cứ tưởng lấy người đồng cảnh ngộ với mình sẽ dễ dàng cảm thông cho nhau hơn. Nhưng nào ngờ ... lòng người ta cũng thật sự mù lòa". Nghe giọng vợ lạc đi vì xúc động, Hải ngồi cạnh bên ôm lấy vai vợ dỗ dành.

Hải kể, hai người quen nhau trong một lần cùng đến chùa Hưng Quốc, Quận 11 để dự một chương trình dành cho người khiếm thị. Không hiểu tại làm sao, trong đám đông người ồn ã, Hải chỉ lại nghe được mỗi giọng nói nhỏ nhẹ của Hòa.

Nghe rồi, suốt buổi cứ ngẩn ngơ tìm mãi. May sao, cuối cùng cũng tìm được rồi đánh bạo xin Hòa số điện thoại. Sài Gòn vào mùa mưa, đêm nào mưa rả rích ngoài kia là Hải lại nhớ nhà, nhớ cha mẹ khủng khiếp.

Từ khi đi lập nghiệp, mấy năm Hải mới về nhà một lần. Mà từ thành phố về Long An có xa xôi gì, cái chính là Hải không có tiền để về thường xuyên. Hải kể, anh thường nghĩ: "Mình ra đi, chưa đạt được bất cứ cái gì. Mà về, cha mẹ già yếu, thân tật nguyền như mình không chăm sóc được đã đành, lắm lúc còn bắt cha mẹ phải lo ngược lại".

Và những lúc trời buồn, người buồn như thế, Hải lại gọi cho Hòa. Chất giọng thẻ thọt của Hòa lại ru êm cho Hải bao nhiêu giấc ngủ an lành. Tưởng tượng, nhớ nhung rồi yêu rất nhanh khi nào không biết. Tình yêu đến nhanh đến nỗi, Hải chưa kịp nhận ra trước mặt anh và Hòa là vô vàn vật cản không tên.

Từ ngày quen Hòa, Hải vui đến lạ, ai thấy... đều thấy, ai biết... đều biết là Hải đang yêu. Mặc dù, hai người chỉ liên lạc qua điện thoại, không hề được gặp nhau. Bởi vậy, không thể qua mắt được thầy của Hải là họa sĩ Lê Phương, người sáng lập nên Mái ấm Nhân Tâm.

Lê Phương ngỏ lời để ông đánh tiếng cho gia đình bên kia biết chuyện Hòa và Hải. Đến lúc này, Hải mới giật mình, đời anh còn tay trắng, anh biết lấy gì bảo bọc người con gái mình trót yêu thương.

Biết rằng Hải, trước giờ chưa từng dám yêu ai, nhưng lại yêu Hòa tha thiết, Lê Phương tự mình sửa soạn khăn áo sang nhà Hòa tính chuyện thông gia. Nào ngờ, gia đình bên ấy chẳng ngại ngần mà liền đồng ý, vì Hòa đã đem chuyện "tương tư chàng ca sĩ" tâm sự với mẹ cô.

Vừa kể, Hải vừa nắm tay vợ cười cười: "Yêu nhau đúng 28 ngày. Mà có được gặp đâu, đến ngày thứ 29  là cưới luôn được vợ, 29/04 là tụi mình cưới luôn đó, đời mình sao còn nhiều may mắn".

Hòa ngồi cạnh bên đã khóc tự bao giờ, cô nghẹn ngào: "Anh Hải tốt với em còn hơn bản thân ảnh nữa. Đã từ lâu ảnh bỏ ca hát, vì mỗi khi nhắc tới ảnh lại không vui nhưng giờ ảnh sợ em xa nhà buồn tủi, nên thường đàn hát cho em nghe.

Lúc nhận lời lấy Hải, em đã định gởi con cho cha mẹ, nhưng Hải gạt ngay. Anh nói đứa trẻ có tội tình gì đâu mà bắt nó phải xa vòng tay mẹ".

Hải xoa đầu cậu bé trai mới đi chập chững, rồi kiên nghị: "Tại Hòa sợ đứa bé sẽ làm tôi vướng bận, và cũng muốn con được ấm no đầy đủ hơn nên mới định để con ở nhà ngoại.

Nhưng mỗi đứa trẻ sinh ra đều có cơ chế tự thích nghi của nó, dẫu giàu hay nghèo mà nó được tình thương của cha mẹ dìu dắt thì đã là hạnh phúc lớn. Dù chặng đường phía trước còn bao gian khổ, mình vẫn tin rằng mình đủ sức làm cho mẹ con Hòa hạnh phúc".

Cậu bé con mới lẫm chẫm đi đã nghịch quanh phòng, sơ ý vấp té khóc um lên. Hải và Hòa liền đứng dậy, dò dẫm đến bên con, tiếng dỗ dành, tiếng trẻ con khóc cười rộn rã khiến căn phòng vách ngăn mỏng mảnh cũng ấm dần lên trong màn mưa lạnh giá.

Hải nói, anh sẽ tiếp tục đi bán vé số để kiếm đồng vô đồng ra. Còn Hòa bắt đầu học nghề đan chổi để phụ giúp thêm cho chồng. Đến khi nào kha khá, anh chị sẽ mở một quầy tạp hóa.

Rồi nếu tiếp tục dành dụm được đủ tiền, Hải sẽ mua mấy dàn máy vi tính cũ để dạy thêm tin học cho người khiếm thị nhằm giúp họ hòa nhập với cộng đồng tốt hơn. Nhìn Hải và Hòa say sưa với bao dự định, hoài bão tôi cũng thấy vui vui.

Nhưng rồi sau đó lại chạnh lòng vì ý nghĩ, lập nghiệp với người thường đã khó, nói chi đến hoàn cảnh của Hải và Hòa ... mong rằng, chặng đường mơ ước của gia đình anh chị không còn quá xa xôi ...

  • Phan Đông Ninh
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc