Hôm nay, Quốc hội họp về tình hình Biển Đông

10:25, Thứ ba 20/05/2014

( PHUNUTODAY ) - Dự kiến, chiều nay 20/5 - ngày khai mạc kỳ họp, báo cáo của Phó Thủ tướng về tình hình biển Đông sẽ được trình bày ngay sau khi Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2014.

Cuộc họp báo về nội dung kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII diễn ra chiều 19/5 thu hút sự quan tâm của báo giới xung quanh vấn đề biển Đông. Tại buổi họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngay sau phiên khai mạc các đại biểu sẽ nghe Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình biển Đông; việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và chủ trương, giải pháp của Việt Nam về vấn đề này.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Trong đó, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đầu năm nên theo thông lệ Quốc hội thường dành thời gian chủ yếu cho công tác xây dựng pháp luật.

Tuy nhiên, so với các kỳ họp trước đây, số lượng các dự án luật được xem xét, thông qua và số lượng các dự án luật được cho ý kiến lần đầu tại Quốc hội đã tăng lên đáng kể. Lý do, tại kỳ họp này các bộ, các ngành đang tích cực triển khai Nghị quyết số 64/2013/QH13 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII).

Theo Nghị quyết này, các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam có hiệu lực phải được rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp hiện hành.

Kỳ họp khai mạc ngày 20/5 và dự kiến bế mạc ngày 24/6 theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ danh thời gian khoảng 21/28 ngày (chiếm 75%) để xem xét, thông qua 11 dự án luật, 03 Nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật. Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho phần chất vấn và trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Quốc hội có ra thông báo, nghị quyết, hoặc một hình thức nào đó để thể hiện quan điểm về tình hình biển Đông hay không?

Ông Phúc cho hay, báo cáo của Phó Thủ tướng về tình hình biển Đông, dự kiến sẽ được trình bày ngay trong buổi chiều 20/5 ngày khai mạc kỳ họp, sau khi Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2014.

Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng biển thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm công ước về luật biển, vi phạm về tuyên bố ứng xử của các bên về biển Đông DOC, vi phạm thỏa thuận cấp cao hai nước. Tuy nhiên, "Do tình hình diễn biến phức tạp, nóng bỏng nên Quốc hội sẽ họp riêng. Sau các phiên họp về chủ đề này, Quốc hội sẽ thông báo với báo chí", ông Phúc nói.

Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng biển thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm công ước về luật biển, vi phạm về tuyên bố ứng xử của các bên về biển Đông DOC, vi phạm thỏa thuận cấp cao hai nước.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Phúc bày tỏ lời cảm ơn Nghị sỹ các nước đã lên tiếng phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. “Thời gian tới trên các diễn đàn quốc tế chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi để Nghị sỹ các nước trên thế giới ủng hộ, lên tiếng phản đối Trung Quốc”.

Về việc đưa ra Luật biểu tình để áp dụng khi cần thiết, ông Phúc cho biết “Hiến pháp mới sửa đổi năm 2013 khiến nhiều đạo luật phải sửa đổi cho phù hợp, trong đó có nhiều luật quan trọng như Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Quốc hội…Do vậy Luật biều tình chắc chắn phải lùi lại”.

Ông Phúc giải thích thêm rằng Quốc hội khóa XIII chỉ còn 3 kỳ họp nữa (đến đầu năm 2016) mới hết nhiệm kỳ nên ưu tiên các luật kể trên trước. “Luật Biểu tình chắc chưa thông qua được từ nay đến 2015”.

Đặc biệt, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Phạm vi sửa đổi dự kiến sẽ tập trung vào phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm; về mức đánh giá tín nhiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm; về quy trình lấy phiếu tín niệm; về báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm…

Các dự án luật nghị quyết được trình Quốc hội xem xét, thông qua

Các dự án luật được thông qua, gồm: Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật đầu tư công, Luật hải quan (sửa đổi), Luật phá sản (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế; Luật phá sản (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật xây dựng (sửa đổi), Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Các Nghị quyết được trình Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với ngựời giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc gia nhập công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề vụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (công ước và nghị định thư Cape Town).

Các dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật, đó là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật công an nhân dân (sửa đổi), Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm soát nhân dân (sửa đổi), Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự; Luật căn cước công dân; Luật hộ tịch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật dạy nghề; Luật đầu tư (sửa đổi); Luật doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link