Hồng ngâm Trung Quốc ngậm hóa chất đội lốt hàng Việt Nam

07:48, Thứ bảy 28/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Là loại quả có nhiều chất bổ dưỡng nên quả hồng thường được nhiều gia đình chọn mua. Nhưng điều đáng nói là hầu hết các loại trái cây này trên thị trường đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và được ủ hóa chất, nên chín đều và đẹp mã hàng tháng trời.

Hầu như toàn bộ số hồng ngâm được bày bán trong các chợ và trên các xe rong đều được lấy từ chợ đầu mối hoa quả Long Biên, một số lấy từ chợ Cầu Diễn. Nguồn hàng nhập về các chợ này đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Thủ thuật "hô biến" hồng Trung Quốc thành hồng Việt Nam

Báo Lao động phản ánh, thâm nhập chợ đầu mối Long Biên vào chính vụ như lạc vào “mê cung” của muôn loại hồng ngâm. Xe tải vừa đỗ, các tiểu thương đã thoăn thoắt bóc hết nhãn mác Trung Quốc ghi trên các thùng để chuyển sang thùng mới, hoàn tất một quy trình từ chợ ra sạp bán cho người tiêu dùng. Khi ra sạp, các chủ sạp đều “gắn mác” cho các loại hồng Trung Quốc này thành hồng Bảo Lâm (Bắc Giang), hồng Đông Bành (Lạng Sơn)...

Trong màn đêm, những chiếc xe máy chở đầy hoa quả “Made in China” lượn qua những con phố Hà Nội, rồi đi về các chợ lớn, nhỏ.

Khu vực dành riêng cho xe chở hồng đổ hàng bố trí cuối chợ ở nơi khuất nẻo, phía dưới gầm cầu Long Biên. Tại đây, từ đêm tới sáng xe, xuống hàng nhộn nhịp. Nền đường bị nước rửa hồng đổ tràn ra làm ứ đọng, mùi hôi thối bốc lên đến ói mửa.

Một vốn bốn lời

Chị T (dân buôn hoa quả dạo lâu năm) cho biết: “Mùa này là mùa hồng, na, bưởi, nhiều loại lắm. Nhập nhèm hàng ta, hàng Trung Quốc càng dễ bán, dễ kiếm ăn, tôi thường lấy loại hồng vuông, hồng có màu vàng quả to, bóng mỡ màng dễ bán. Gọi là hồng ngâm chứ có biết tên, nguồn gốc gì đâu, khi bán cho khách thì giới thiệu là hàng của ta”.

Để phân biệt, các bà nội trợ sành thường chọn hồng ta quả nhỏ, xấu mã, núm quả có nhiều đốm đen, bóc ra thấy phần ruột gần núm hơi bị cứng, sắc đỏ không đậm như hồng Trung Quốc. “Nhưng dù hồng của ta hay Trung Quốc cũng đều dùng thuốc dấm cả, nếu không khó bán lắm do mã xấu” - chị T cho biết thêm.

Năm nay thị trường còn xuất hiện một loại hồng vàng đậm rất đẹp của Trung Quốc, giá bán tương tự như hồng đỏ loại 1. Ngoài ra, còn có loại hồng vuông rất đẹp mã, bắt mắt được bán với giá 150.000 đồng/thùng. Người tiêu dùng do lầm tưởng là hàng Việt, nên đã mua hàng với giá cao hơn mà không hề hay biết.

Nguy hiểm rình rập

Afamily dẫn lời PGS Trịnh Lê Hùng, chuyên gia nghiên cứu hoá học, công tác tại trường ĐHKHTN (ĐHQGHN) cho biết: “Thời gian vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam không ngắn, chưa kể giai đoạn từ khi bắt đầu hái quả, đến lúc đóng gói và làm các thủ tục xuất nhập ở cửa khẩu, sau đó lại được vận chuyển qua các địa chỉ rồi mới được lưu thông trên thị trường. Nếu không có thuốc bảo quản để phun lên thì không thể khiến quả hồng ngâm (cũng như các loại quả khác) tươi ngon lâu như thế được”.

Những quả hồng lấy từ chợ Long Biên về vẫn còn vương vãi bột thuốc

Theo PGS Trịnh Lê Hùng, thuốc bảo quản thực vật có tác dụng ức chế hô hấp, làm chậm lại quá trình chín của quả và giúp quả tươi lâu hơn. Cùng với quá trình làm tươi lâu thì quả hồng cũng sẽ chậm thối hơn. Đây là điều quan trọng nhất đối với những người kinh doanh hoa quả.
 
Thuốc bảo quản thực vật trên hoa quả có thể chui vào các tế bào lục lạp trong quả hồng và đóng chặt trong đó, khiến vỏ quả hồng cứng lại và ruột quả hồng bị ngấm thuốc.
 
“Nếu ruột quả đã ngấm thuốc thì các cách như rửa bằng nước sạch, ngâm quả với nước muối cũng gần như không ăn thua”, ông Hùng nhấn mạnh.
 
Không chỉ có hồng ngâm, các loại quả khác cũng được sử dụng thuốc bảo quản, phun thẳng vào phần cuống. Do đó, có thể nhìn bề ngoài rất ngon nhưng phần cuống quả bên trong đã bắt đầu phân huỷ
 
Hiện nay, cách phổ biến nhất là phun thẳng hoá chất vào quả hồng. Phần lưu giữ nhiều nhất thuốc bảo quản và cũng là phần cần phun thuốc nhất chính là nũm quả hồng vì theo PGS Hùng, cuống quả là nơi côn trùng dễ chui vào nhất sau khi quả được hái, khiến quả nhanh bị thối rữa.
 
Vì vậy, không ngạc nhiên nếu khi mua hồng, người tiêu dùng phát hiện những vùng trắng ở núm quả hồng. PGS Hùng cho biết: “Sau khi lưu thông trên thị trường và không được bổ sung tiếp thuốc bảo quản, quả hồng sẽ nhanh chóng xuống sắc. Nếu để tủ lạnh thì chỉ sau 1 đến 2 ngày quả bắt đầu có dấu hiệu thâm đen, núm bắt đầu mềm và độ ngọt giảm đáng kể. Điều này không giống như quảng cáo của người bán hàng là để được cả tuần cũng không sao! Nếu để được cả tuần thì chứng tỏ quả hồng đó đã được phun quá nhiều chất bảo quản”.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: