Trước ngày trẻ tiêm vắc xin ngừa Covid-19, cha mẹ cần chuẩn bị những gì
Theo VietNamNet, Ths. BS Nguyễn Hiền Minh (Phó trưởng đơn vị tiêm chủng BV Đại học Y dược TP. HCM) đưa ra một số lưu ý với cha mẹ khi đưa con đi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 như sau.
- Cha mẹ không được tự ý ngừng các loại thuốc điều trị mà trẻ đang sử dụng nếu có. Khi đi tiêm thì nhớ mang theo toa thuốc, bệnh án (nếu có) để bác sĩ khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng phù hợp.
- Không trì hoãn những lịch tiêm chủng khác mà trẻ đang tiêm chủng. Khi đi tiêm vắc xin ngừa Covid-19, nên cầm theo sổ tiêm chủng những vắc xin khác của con. Với bé gái đang đến ngày hành kinh, cha mẹ vẫn có thể cho con đi tiêm chủng bình thường, trừ trường hợp con đau bụng nhiều, nôn ói, mệt mỏi kèm sốt.
- Trước ngày tiêm, cha mẹ nên cho bé nghỉ ngơi, ngủ sớm đồng thời giải thích về việc tiêm phòng cho trẻ để tạo tâm lý thoải mái. Nên cho con ăn thêm bữa phụ nhẹ nhàng 1 tiếng trước khi tiêm để tránh trẻ chờ lâu đói bụng. Có thể cho bé uống viên sủi multivitamin hoặc vitamin C trước giờ đi tiêm. Cho con uống nhiều nước vào ngày tiêm có thể giúp con bớt sốt.
- Khi đi tiêm, con nên mặc trang phục thoải mái. Nên tiêm vào tay không thuận để giảm những khó khăn trong sinh hoạt khi trẻ bị đau nhức cánh tay sau khi tiêm.
- Quan sát, theo dõi trẻ ít nhất 30 phút ở điểm tiêm. Khi có dấu hiệu bất thường thì báo ngay cho nhân viên y tế. Không để băng keo cá nhân ở vị trí tiêm quá lâu, sau 30 phút có thể gỡ ra.
Lưu ý về biến chứng có thể xảy ra
Phụ huynh nên dặn trẻ nếu có bất cứ triệu chứng khó chịu nào thì cần báo ngay cho cha mẹ hoặc nhân viên y tế. Sau 30 phút theo dõi tại điểm tiêm chủng, phụ huynh đưa con về nhà để nghỉ ngơi, không nên đi chơi hay tham gia các hoạt động thể lực khác vào ngày tiêm chủng.
Theo Tuổi trẻ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân (trưởng đơn vị tiêm chủng BV ĐH Y Dược TP. HCM) cho hay ngoài phản ứng phản vệ thì sau 30 phút – 24 giờ sau tiêm, trẻ có thể gặp một biến chứng khác và viêm cơ tim, viêm màng ngoài cơ tim.
Biến chứng ngày thường xảy xay trong vòng 2-4 ngày sau khit iêm ngừa Covid-19 mũi thứ 2 và thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái.
Các triệu chứng của viêm cơ tim như đau ngực, hụt hơi, cảm giác nhịp tim nhanh hơn, không đều hoặc đập thình thịch...
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cho biết tỷ lệ viêm cơ tim sau tiêm phòng vắc xin Covid-19 theo nghiên cứu là khoảng 90-161/1 triệu trẻ. Tuy nhiên, tất cả đều bị ở mức độ nhẹ - trung bình, được nhập viện điều trị theo dõi và phục hồi sau đó.
Hướng dẫn xử lý khi gặp các phản ứng phụ thông thường
Phụ huynh hoặc người trong gia đình nên ở cạnh trẻ 24/24 trong ít nhất 3 ngày đầu sau tiêm để phát hiện kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm.
Tùy theo từng trẻ, có thể xuất hiện những triệu chứng sau tiêm khác nhau, kéo dài 2-3 ngày. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp có triệu chứng muộn hơn từ 7-14 ngày sau tiêm.
Tại chỗ tiêm, trẻ có thể bị sưng, đỏ, đau nhức, nổi cục, ngứa hoặc nhức mỏi cánh tay. Gia đình không nên bôi, chườm hoặc đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau. Có thể mát xa nhẹ nhàng cánh tay cho trẻ. Nếu sử dụng thuốc kháng dị ứng, cần có sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Một trong các biểu hiện khác thường gặp sau tiêm là sốt, mệt mỏi, nhức đầu, nhức mỏi toàn thân, buồn nôn. Một số trẻ có thể thấy buồn ngủ hoặc đói bụng hơn bình thường.
Người thân cần thường xuyên đo nhiệt độ cho trẻ. Nếu sốt dưới 38,5 độ C, nên cho con mặc quần áo mỏng, thoáng mát nhưng không để nhiễm lạnh. Cho con uống nhiều nước.
Nếu sốt trên 38,5 độ C hoặc sưng đau nhiều tại chỗ tiêm, đối với trẻ từ 12-17 tuổi có thể sử dụng 1 viên Paracetamol 500mg (tên gọi trên thị trường Panadol, Hapacol, Tylenol, Efferalgan…), ngày dùng 3-4 lần, theo hướng dẫn của nhân viên y tế.