"Em chỉ muốn nói, nếu sinh con so thì nên kiêng cho đủ 3 tháng 10 ngày. Đừng như em! Tham công tiếc việc. Đụng nước lạnh sớm. Ra gió sớm. Không che chắn kĩ càng...
Bà đẻ sau sinh thay máu mới, người như con cua mới lột. Hồi con gái, em khỏe bao nhiêu thì bây giờ em yếu ớt bấy nhiêu. Hậu quả của em là bị nhiễm lạnh khi thời tiết thay đổi đột ngột làm liệt dây thần kinh số 7, liệt 1/2 mặt. Phải châm cứu, bấm huyệt, day huyệt đến đau đớn, thuốc đông tây y kết hợp mà chưa hẹn ngày lành, còn chưa biết có để lại di chứng gì không. Nhìn vậy chứ giờ miệng em méo hẳn, nói năng ăn uống gì cũng khó khăn, mắt thì nhắm không được nên khô mắt, chảy nước mắt, mờ mắt".
Người mẹ trong bức ảnh trên là chị Kim Chi (25 tuổi, hiện đang sinh sống tại TP Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông), sinh con đầu lòng cách đây 7 tháng. Sau khi sinh, chị kiêng cữ và việc nhà được người thân đỡ đần. Tuy nhiên, đầy tháng con, dường như không quen với cảnh ở cữ nên: "Hết cữ, táy máy tay chân, mình đụng nước lạnh luôn (giũ đồ bẩn của bé để bỏ vào máy giặt). Mình sống ở Tây Nguyên, gió nhiều mà đi ra đường mình chẳng che chắn gì. Không những thế, lúc con được 3 tháng, mình đã tắm nước lạnh luôn. Có lẽ đây là điều làm mình hối hận nhất!".
Khi con được 5 tháng 28 ngày, chị thấy nước mắt cứ chảy hoài, miệng lệch, uống nước thì nước chảy ra ngoài, thử cử động phồng má mà không được..., chị tìm đến một phòng khám đông y tư nhân, song điều trị 1 tuần không thấy tiến triển nên bà mẹ trẻ đã vào viện. Bác sĩ kết luận chị bị liệt dây thần kinh số 7 và chỉ định điều trị bằng cách kết hợp điện châm chiếu đèn hồng ngoại, tập vật lý trị liệu có sự giúp đỡ, mát xa, day ấn huyệt...
Đến nay đã hơn 1 tháng, chị Kim Chi cho biết đã đỡ được khoảng 60-70%. Do con còn nhỏ nên chị xin điều trị ngoại trú, kết hợp với kiêng khem đồ lạnh, nước lạnh.
Hình ảnh người mẹ trẻ với dây điện chằng chịt trên mặt khi đang điều trị chứng liệt dây thần kinh số 7 vì không kiêng cữ sau sinh đúng cách đã trở thành lời cảnh tỉnh sâu sắc tới các mẹ. Vậy, sau sinh cần kiêng những gì để an toàn sức khỏe của người mẹ?
Sau sinh cần kiêng gì?
Tắm nước lạnh hoặc bơi
Có nhiều quan niệm khác nhau về chuyện kiêng cữ sau sinh, nhưng có 1 việc cần thiết các chuyên gia vẫn khuyên sản phụ nên làm đó là giữ ấm cơ thể. PGS TS.BS Bay - Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: "Còn rất nhiều cách có thể giữ ấm cơ thể như mặc ấm, uống nước ấm, chườm ấm bụng sau khi ăn xong, nằm trong không gian thoáng đãng và mát mẻ. Nhưng không nên để gió lùa, để quạt và máy lạnh quá lạnh".
Các sản phụ sau sinh cũng nên kiêng tắm nước lạnh hoặc bơi nhằm hạn chế tình trạng nhiễm lạnh, nhiễm khuẩn, chuột rút.
Không ăn mặn và kiêng khem quá mức
Một số bà mẹ mới sinh được khuyên ăn thức ăn khô và mặn như thịt kho tiêu, cá bống kho tộ, kiêng ăn rau, canh… để da thịt được săn chắc. Thực tế, việc ăn thức ăn khô, mặn cùng chế độ ăn thiếu rau xanh có thể khiến bạn bị tăng huyết áp, táo bón ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Ngoài ra, sản phụ sau sinh cũng nên kiêng ăn đồ lạnh, thức ăn lên men như các loại dưa muối hay thức ăn để qua đêm, không ăn đồ sống nhằm hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn hay ký sinh trùng gây bệnh. Bạn nên ăn đồ mới nấu, uống đủ nước.
Tránh quan hệ tình dục sớm
Sản phụ sau sinh nên kiêng khoảng 4 – 6 tuần mới quan hệ tình dục trở lại. Nguyên do là cơ thể cần có khoảng thời gian nhất định để hồi phục sau cuộc vượt cạn tốn nhiều sức lực. Do đó, trong thời gian ở cữ sau sinh, bạn nên tránh quan hệ sớm để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu vùng kín.
Tránh khiêng, mang vác vật nặng
Một kiêng cữ sau sinh khác bạn cần nhớ là không nên mang vác vật nặng. Không chỉ dùng đến cơ tay, khi nâng vật nặng, bạn phải gồng cả cơ bụng, điều này ảnh hưởng đến vết thương tầng sinh môn hoặc vết mổ lấy thai và vết rạch tử cung. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế rướn người, giơ tay để lấy đồ trên cao.