Trong cuốn Khổng Tử gia ngữ có ghi về một điển cố: Một ngày quốc vương nước Lỗ hỏi Khổng Tử: “Ta nghe nói mở rộng xây dựng nhà cửa về hướng đông không phải việc tốt lành. Có phải vậy không?”. Khổng Tử nói: “Tôi nghe nói thiên hạ có 5 điều đáng lo ngại, bất hạnh mà việc mở rộng xây dựng về phía đông không nằm trong số đó”.
Vậy 5 điều bất hạnh Khổng Tử nói ấy là gì?
1. Điều bất hạnh thứ nhất: “Hại người lợi mình”
Của cải vật chất là thứ sinh không mang đến, chết không mang đi, nhưng sức khỏe và sinh mệnh thì không danh lợi hay tiền tài nào có thể đổi được. Nhưng sống trên đời, nhiều người vì lòng tham, vị kỷ mà mê muội lừa gạt người, chiếm đoạt tiền tài một cách phi pháp, tự làm tổn hại đến phúc phận của bản thân. Phúc lộc thọ cũng theo đó mà giảm, khi báo ứng đến thì tiền tài chiếm đoạt được cũng không còn ý nghĩa gì.
2. Điều bất hạnh thứ hai: “Khinh già, trọng trẻ là gia đình xấu”
Nếu một gia đình mà người già bỏ mặc không chăm, không quan tâm, không phụng dưỡng mà đem tất cả tình yêu thương đặt lên trẻ nhỏ. Gia đình như vậy thì sẽ không gặp may mắn. Con người phải nhớ đến cội nguồn, công ơn dưỡng dục, sự hi sinh thầm lặng của thế hệ trước mới là tấm gương sáng cho con trẻ noi theo.
Người xưa so sách mối quan hệ trong gia đình với một cái cây lớn, trong đó quả là con, thân cây là cha mẹ, gốc rễ là ông bà. Khi muốn cây phát triển xanh tốt thì cần chăm bón chất dinh dưỡng hẳn phải là từ gốc rễ rồi. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại, một số bậc cha mẹ đều chăm bón chất dinh dưỡng lên trái cây, kết quả là những trái cây non không thể hấp thụ chất dinh dưỡng nên dẫn đến bị thối rữa. Sự gương mẫu của cha mẹ là hành động tốt nhất để giáo dục con cái. Nó có sức mạnh hơn ngàn lời nói. Ở trong nhà, bạn cư xử nhẹ nhàng, cung kính với cha mẹ thì không cần nói, con trẻ cũng sẽ tự học theo. Ngược lại, nếu bạn thiếu tôn kính cha mẹ, con trẻ cũng sẽ nhìn thấy và học theo. Tương lai chúng sẽ đối xử lại với bạn như thế.
3. Điều bất hạnh thứ ba: “Thích nổi danh nhưng bất tài là đất nước suy”
Người thích nổi danh sẽ thích những kẻ xu nịnh và bài xích những người hiền đức, đây là cái họa của quốc gia. Khi đó, những người không có tài, không có tâm chỉ có khéo nịnh bợ được cất nhắc ở vị trí cao, đương nhiên tầm nhìn sẽ hạn hẹp khó có thể cải tổ được bộ máy, xây dựng đất nước phát triển ở tầm cao mới.
4. Điều bất hạnh thứ tư: “Già không dạy bảo, trẻ thời không học, đó cũng là tập tục xấu ở đời”
Trong xã hội mà người già không muốn dạy bảo người trẻ, chỉ cho người trẻ đường đi nước bước, kinh nghiệm xương máu mà để họ tự tìm tòi thì sẽ mất thời gian, tiền của thậm chí phải trải giá đắt hơn nữa. Còn nếu người trẻ tuổi thì mang tâm ngạo mạn không muốn học hỏi kinh nghiệm của người đi trước thì đây cũng là thói quen không tốt.
5. Điều bất hạnh thứ năm: “Thánh nhân không quản, người xấu tự ý làm loạn, đây cũng là điều xấu đối với thiên hạ”
Bậc Thánh hiền là những người có trí tuệ và đức hạnh thế nhưng họ đều đi ẩn cư hết. Đây quả là điều đáng buồn với thiên hạ. Họ không được trọng dụng, quốc gia không dùng đến, khuyên can cũng không nghe. Người tài đức không coi trọng danh lợi tiền tài, khi thấy bản thân không còn đất dùng thì tự nhiên chọn lấy cách sống ẩn cư. Ngược lại, người bất tài dùng mọi thủ đoạn để chiếm lấy quyền lực và trèo lên vị trí cao. Đây là cái họa của quốc gia. Do đó, điều không may mắn thực sự không nằm ở việc phong thủy tốt xấu thế nào mà nằm ở đạo đức con người. Nơi nào ban đầu vốn có phong thủy không tốt, nhưng nếu người phúc đức đến ở một thời gian, phong thủy liền thay đổi, trở thành miền đất tốt lành. Còn nếu như vùng đất ban đầu có phong thủy tốt nhưng để người vô đức sống trên đó một đoạn thời gian, nó cũng sẽ chuyển thành xấu. Do đó, mấu chốt không nằm ở phong thủy ban đầu tốt hay xấu mà chính là quá trình tu thân tích đức được bao nhiêu. Nếu biết sống lương thiện, đạo hiếu thì dù phong thủy ban đầu không tốt sau cũng sẽ trở thành mảnh đất lành.