Ngay cả GS.TS Phạm Minh Khang, người có nhiều tâm huyết với việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể cũng rất bức xúc trước việc hầu đồng ngày nay đang bị một bộ phận trẻ làm cho biến tướng.
“Ngồi đồng” cũng phải có học!
Cụ Hoàng Trọng Kha (91 tuổi), một cung văn khá tiếng tăm ở Yên Ninh, Ba Đình (Hà Nội) cho biết, ngày trước trong dân gian thường lưu truyền câu nói: “Thứ nhất ngồi đồng, thứ nhì lấy chồng quan”. Theo cụ Kha, “ngồi đồng” được xem trọng hơn cả việc “lấy chồng làm quan” và không phải ai cũng có thể làm được việc này. Thời các cụ, chỉ có những bà tham, bà phán, bà tổng… mới có điều kiện thực hiện nghi lễ này vì những người đó mới có điều kiện. Họ không chỉ có tiền mà còn là những người có học, họ rất thông thạo lễ nghĩa. Đồng thầy chỉ bậy chỉ bạ là họ biết ngay. Thậm chí, hát văn mà hát sai là họ cũng góp ý liền ngay sau đó.
Thời xưa, người dân bình thường, nếu có “căn”, có “quả” lắm thì cũng “sạch sành sanh mới được manh áo đỏ” – nghĩa là phải có đủ các điều kiện mới được ra “trình đồng”. Ngồi đồng bây giờ bị “nhân dân hóa” lên, ai ai cũng đi theo Thánh - Mẫu mà nhiều khi không biết Thánh - Mẫu là ai. Ngồi đồng do đó mà càng lúc càng đông và cũng dễ dãi hơn trước rất nhiều.
“Theo tôi, ngồi đồng là một hình thức tín ngưỡng tâm linh mang rất nhiều vẻ đẹp. Vì thế, việc người dân, nhất là giới trẻ tìm đến với ngồi đồng càng nhiều là điều đáng mừng. Tuy nhiên, đã đến với Thánh - Mẫu là phải đến bằng cái tâm và đừng mù quáng. Mình đi theo nét đẹp văn hóa thì phải là người có văn hóa, phải hiểu biết cặn kẽ lễ nghĩa rồi mới theo. Chớ nên đi theo phong trào hay vì mục đích gì đó, vì như thế là mình đang làm xấu ngồi đồng”, cụ Kha tâm sự.
Quá nhiều nơi “buôn thần, bán thánh”
Bên cạnh ý kiến của cụ Kha, một đồng thầy khá nổi tiếng khác là ông Hoàng Ngọc Thức ở Xuân Trường (Nam Định) cũng cho rằng đến với hầu đồng phải có căn duyên thực sự, không phải ai muốn “hầu” cũng có thể “hầu” được. “Tôi là một thanh đồng, đã theo hầu đồng được 26 năm nhưng chứng kiến hầu đồng ngày nay tôi thực sự đau buồn. Bản thân nghi lễ hầu đồng đang bị sân khấu hóa đi quá nhiều và những người đến với hầu đồng không còn tín tâm cá nhân nữa mà đã trở thành một trào lưu đua nhau. Trước đây, phải khó khăn lắm người ta mới có thể bắc ghế hầu Cha, hầu Mẹ chứ không phải như bây giờ”, ông Thức bức xúc.
Cũng theo ông Thức, việc “buôn thần bán thánh” đang xảy ra tương đối phổ biến ở nhiều nơi và đó là việc “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Chính ông cũng đã chứng kiến rất nhiều người đổ nợ vì hầu đồng. Nguyên nhân cụ thể là vì vay nợ để “hầu”. Nguyên nhân sâu xa hơn là có thể do người đi dự một đám hầu của bạn bè, thấy người ta lễ cao lộc lớn, nên cũng muốn được như bạn mình nên “cố”. Từ nợ nần mới sinh ra tan đàn xẻ nghé, tan cửa nát nhà… nhiều người phải bỏ quê hương, tha phương cầu thực để trả nợ.
Các bạn trẻ bây giờ cần phải học hỏi và phải tìm hiểu. Mình muốn “trình đồng mở phủ” thì mình phải tìm hiểu kỹ càng, sâu sắc rồi mới tiến hành làm. Tham khảo xem người ta hầu ra làm sao, luật lệ như thế nào. Bây giờ thấy người ta “hầu” mình cũng cứ “hầu”, thấy người ta bảo “lên đồng” là cũng nghe theo “lên đồng” là không thể được.
Ông Thức cũng tỏ sự mong muốn các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý văn hóa và các gia chủ theo tín ngưỡng hầu đồng một cách tín tâm… cần có tiếng nói, cần có sự định hướng để đưa những người đang “lầm đường lạc lối” kia đi đúng hướng. “Thậm chí, nếu cần, chúng ta có thể tổ chức một cách thường xuyên các buổi giao lưu giữa các thanh đồng trẻ để giúp họ nhận thức được vẻ đẹp chân thực của tín ngưỡng hầu đồng hoặc lên án để đẩy lùi những điều mê tín, sai lầm trong hầu đồng”, ông Thức nói.
Đừng lợi dụng để làm… kinh tế!
GS. TS Phạm Minh Khang - Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam rất bức xúc với việc một bộ phận đang xem hầu đồng như một “nghề” để kiếm tiền hoặc lợi dụng loại hình tín ngưỡng tâm linh này để tuyên truyền những điều không tốt.
Theo đó, hiểu được hát văn - hầu đồng cần phải có độ tuổi của nó. Cũng giống như hát ca trù, người ta học từ năm 14 – 15 tuổi, đến năm 18 tuổi các bà “trùm” phụ trách mới cho đi biểu diễn. Và hát văn – hầu đồng cũng thế, đến với nó mà trẻ quá thì chắc chắn không hiểu, mà đã không hiểu thì dễ bị sai lệch, dễ bị mê tín. GS Khang cho rằng, nếu để cho thế hệ trẻ đến với hát văn – hầu đồng theo sở thích thôi chưa đủ, cần phải có một sự định hướng, giáo dục cho các em hiểu rõ hơn những giá trị của loại hình văn hóa tâm linh này. Giá trị ở đây là giá trị về tâm linh, về đạo đức, thẩm mỹ… trong mối tương quan với đời sống văn hóa truyền thống Việt Nam.
Đến với tín ngưỡng hầu đồng là tự nguyện nhưng cũng cần phải có ý thức. Những người làm quản lý, giáo dục hoặc người hướng dẫn (đồng thầy) cần phải giúp thế hệ trẻ nhận biết sự khác biệt giữa những giá trị văn hóa tâm linh với thị trường và làm sao để họ biết không nên nhầm lẫn hai yếu tố đó. “Nếu chúng ta lợi dụng văn hóa tâm linh để làm kinh tế là chúng ta đang hạ thấp những giá trị văn hóa truyền thống, hạ thấp văn hóa dân tộc của chúng ta”, GS Khang nói.
“Việc thanh lọc trong thế giới hầu đồng để loại hình tín ngưỡng tâm linh này xứng đáng là di sản phi vật thể cần nên bắt đầu từ việc thanh lọc trong nhân dân. Mọi người cần phải nhận thức được rõ đâu là người tín tâm thực sự, đâu là những kẻ lợi dụng thần thánh để trục lợi cá nhân”. GS. TS Phạm Minh Khang |