Ngậm ngùi đón tết xa xứ
Năm hết, tết đến là dịp các thành viên trong gia đình sum vầy. Nhưng với chị Nguyễn Thị Thúy, 27 tuổi, quê Hậu Giang thì đó là điều mong muốn cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Chị Thúy lấy chồng Hàn Quốc đã được 6 năm. Chị là con dâu út trong một gia đình làm nông ở tỉnh Chung Cheongbuk-Do tại Hàn Quốc. Ba mẹ chồng chị đều mất sớm.
Từ lúc đặt chân lên xứ người lập nghiệp, suốt 6 năm qua, chị chưa một lần được về nhà ăn Tết. Lần về Việt Nam vào ngày 5/12 này không đúng dịp nên cái Tết Giáp Ngọ sắp tới chị lại phải ngậm ngùi đón tết ở nơi xa xứ.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy vui mừng ngày trở lại quê nhà.
Trong những chia sẻ của mình, chị Thúy nhớ cái tết đầu tiên tại Hàn Quốc. Khi mới về làm dâu, do còn chưa thành thạo tiếng Hàn khiến việc giao tiếp khó khăn. Chị Thúy lại càng thêm buồn bởi tết nơi đây không có đèn, không có hoa, chỉ được bao phủ bởi một lớp tuyết trắng dày đặc. Chị chỉ biết khóc trong căn phòng nhỏ. Đến cái Tết thứ 2, thứ 3 cũng chỉ biết khóc và khóc.
Anh chồng rất thích món bánh tét của Việt Nam nên mỗi khi Tết đến, ngoài những món làm đồ cúng ở bên Hàn Quốc, chị Thúy có thể làm thêm vài món mang đặc hương vị quê nhà cho đỡ thèm, đỡ nhớ.
Nơi chị Thúy ở cũng có 6 cô gái gốc Việt sang lập gia đình và đa phần mới chỉ định cư ở đây khoảng 5 – 6 năm. Em gái của chị Thúy là Nguyễn Thúy Kiều cũng “theo chân” chị sang lấy chồng Hàn Quốc. Nhưng hiếm hoi lắm mới có một dịp để họ cùng quây quần lại bên nhau trong những ngày đầu xuân. Phần vì công việc mỗi người mỗi khác, phần vì tuyết phủ kín từ nhà ra ngõ gây khó khăn cho việc đi lại.
Tuy không được đón tết tại quê hương, chị Thúy thấy mình may mắn hơn các cô gái khác ở Việt Nam đến Hàn Quốc lập gia đình, bởi chồng chị biết thông cảm với vợ và lo lắng cho gia đình.
Mong mỏi được ăn Tết tại Việt Nam
Được sự giới thiệu của một vị cha theo đạo Tin Lành, chị Xuân quê ở Cần Thơ kết hôn với người đàn ông Hàn Quốc chỉ sau hai ngày gặp gỡ
Chị cho biết, đàn ông Hàn Quốc hơi nóng nảy nhưng nhiệt tình và tốt bụng. Thế nhưng, mỗi khi tết đến xuân về chị vẫn luôn có một nỗi buồn da diết vì so với Việt Nam thì tết bên xứ sở kim chi rất buồn tẻ.
Ngày Tết tại gia đình chồng chị không có bánh tét, hoa mai, cũng chẳng có củ kiệu hay dưa giá. Có chăng chỉ là một ít giấy đỏ dán trong nhà. Ba ngày Tết, chị thường ngủ vùi sau khi đã làm đồ cúng cùng mẹ chồng và ăn uống.
“Ngày thường còn cắm đầu vô công việc để khỏa lấp nỗi nhớ, chứ ngày Tết chỉ biết đi ngủ cho xong thôi", người phụ nữ này tâm sự. Chị nói giá có thể làm tăng ca thì cũng đỡ buồn nhưng đằng này chị lại làm nha khoa, mà ngày Tết chẳng có ai đi khám.
Chị Xuân cho biết thêm, lần này chị chỉ về tranh thủ gần 1 tháng do mẹ bị bệnh. Song chị và gia đình phải tranh thủ về lại Hàn Quốc trước Tết Nguyên Đán.
Tan mộng đổi đời
Dù có việc làm ổn định tại một xưởng may ở Việt Nam nhưng thấy nhiều bạn bè lấy chồng nước ngoài, N.H. ở quận Cái Răng (TP Cần Thơ) cũng quyết định lấy một người Đài Loan lớn hơn cô gần 30 tuổi làm chồng.
Dù bị cha phản đối nhưng N.H. và mẹ vẫn một mực tổ chức đám cưới với hy vọng cô sẽ được sung sướng. Đám cưới diễn ra chóng vánh tại một quán nhậu bình dân. “Khi đến nhà chồng, em mới nhận ra rằng ý định đổi đời của mình đã lầm. Nhiều lần định trốn về Việt Nam nhưng nghĩ đến sự tức giận của cha và mặc cảm với bạn bè nên em từ bỏ ý định” - N.H. nói.
Theo N.H., chồng cô phụ bán quán ăn ở Đài Loan với thu nhập rất bấp bênh. Gia đình chồng có đến 7 người nhưng sống trong một căn nhà thuê chưa đến 40 m2. Tháng đầu tiên về nhà chồng, hầu như ngày nào N.H. cũng khóc vì nhớ quê và không chịu được cuộc sống quá khó khăn của gia đình chồng. Cũng may, dù nghèo nhưng gia đình chồng rất cảm thông và thương yêu N.H. Mẹ chồng cô là người dạy tiếng Đài Loan mỗi ngày để H. từng bước thích nghi với cuộc sống ở đó. Nhờ vậy, N.H. được theo chồng phụ việc ở một quán ăn nhưng thu nhập cũng chỉ đủ sống. Đến khi sinh con, cuộc sống của gia đình N.H. càng khó khăn hơn.
Gần 4 năm lấy chồng nhưng chưa một lần N.H. có tiền để gửi về như lời hứa khi lên máy bay sang xứ người. “Nhờ vợ chồng ông chủ quán ăn thương tình cho chút tiền nên em và con gái mới về quê được. Về đến nhà, em không dám nhìn ai hết vì cảm thấy xấu hổ vô cùng” - N.H. tâm sự. Nghe bà nội hỏi “năm sau con lại về chứ?”, đôi mắt đỏ hoe, N.H. nói khẽ: “Chưa biết nữa, nội ơi!”.