Làm mất 7 tấm vé trúng thưởng lúc đang ăn mừng, "Tỷ phú một đêm" tự kết liễu cuộc đời

13:30, Thứ năm 08/02/2018

( PHUNUTODAY ) - Một người đàn ông đã tự lấy mạng mình sau khi để mất tấm vé trúng thưởng trong lúc đang ăn mừng.

Nạn nhân là Jirawut Pongphan, 42 tuổi, sống ở tỉnh Chonburi, phía đông Thái Lan. Ông trở thành tỷ phú sau khi sở hữu 7 tấm vé xổ số trúng thưởng với số tiền lên tới hơn 1 triệu USD (khoảng gần 30 tỷ VND).

Người đàn ông này trúng giải thưởng lớn vào tháng 11/2017. Quá mừng rỡ với điều kỳ diệu, ông mời nhiều bạn bè và gia đình tới nhà để uống rượu và ăn mừng. Thế nhưng sau khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, những tấm vé đã không cánh mà bay. Kể từ đó, Jirawut Pongphan rơi vào trạng thái trầm cảm, căng thẳng kéo dài đến mức không thể đi làm. Cuối cùng, vào ngày 31/1, ông đã dùng súng tự kết liễu cuộc đời.

tu-sat-1
 Người thân rất bàng hoàng trước sự ra đi của Jirawut Pongphan.

Cảnh sát Thái Lan tìm thấy thi thể của Jirawut trong phòng ngủ, bên cạnh là khẩu súng và lá thư tuyệt mệnh với nội dung: “Tôi thực sự xin lỗi, xin mọi người đừng làm phiền người thân của tôi, tôi thực sự đã trúng xổ số”.

tu-sat-2
Lá thư tuyệt mệnh mà Jirawut Pongphan để lại. 

Trước đó, ông Jirawut mua 7 tấm vé với hy vọng tối đa hóa giải thưởng và không thể ngờ rằng điều thần kỳ đã xảy ra. Thế nhưng khoảnh khắc hạnh phúc lại quá ngắn ngủi.

Hiện phía cảnh sát đang điều tra tung tích của những tấm vé số triệu đô này.

Trước đó, Tại Việt nam có xảy ra vụ việc một người đàn ông uất ức phát điên nhảy sông tự vẫn vì nhiều lần bị lừa \'vé số trúng\'

Sau khi bị kẻ gian dùng tờ vé số giả đổi lấy 2 triệu đồng, ông Nguyễn Tiến Dũng (SN 1971, quê Nam Định, tạm trú tại nhà trọ Văn Vĩnh, khóm 5, phường 6, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) luôn tỏ ra rầu rĩ. Đến khoảng 9h sáng ngày 30/9/2014, người đàn ông này chạy bạt mạng giữa đường khiến nhiều tài xế phải thót tim né tránh. Khi chạy đến đoạn kinh xáng Cà Mau - Bạc Liêu nằm trên địa bàn phường 6, ông Dũng bất ngờ nhảy xuống nước tự vẫn trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Người dân hợp sức dùng ghe cào, lưới cá để khoanh vùng, mò xác tới chiều tối cùng ngày mới vớt được thi thể nạn nhân.

Ông Dũng là người gốc Nam Định. Ngày xưa ở quê, ông làm nghề thợ xây, thỉnh thoảng thiết kế, tư vấn cho bà con một số mẫu nhà. Khoảng năm 2010, mắt phải bị mờ dần, ông không thể làm công việc nặng được. Cũng vì lý do đó, kinh tế gia đình ngày càng eo hẹp, vợ chồng thường xuyên xảy ra xích mích chuyện tiền bạc. Sau này, người vợ bỏ sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động, ông cũng rời quê vào Bình Phước sinh sống. Sau một thời gian lang bạt nơi đất khách quê người, nhận thấy cuộc sống trên đó ngột ngạt nên tới đầu tháng 2/2014, ông quyết định xuống TP. Cà Mau để tìm kế mưu sinh.

Vừa đặt chân tới Cà Mau, ông Dũng đi xin việc làm nhưng không nơi nào nhận. Thất thế, ông đành gom góp chút vốn ít ỏi lấy vé số về bán. Thường ngày, ông thức dậy lúc 3h sáng và mỗi lần đi bán vé số về là lại đóng cửa im ỉm, không mấy khi tiếp xúc, trò chuyện với những người cạnh phòng trọ. Nếu giáp mặt hay nghe ai hỏi thăm, ông chỉ mỉm cười, trả lời qua loa.

Những tưởng miền Tây sông nước dễ kiếm sống, nào ngờ, vừa lấy vé số về bán được mấy bữa thì ông bị hụt vốn. Do mắt phải bị đau, thị lực rất kém nên hết lần này đến lần khác, ông bị kẻ gian dùng mánh khóe lấy cắp vé số. Hơn thế, những “thượng đế lưu manh” còn giả nhân giả nghĩa đem vé số giả đến lừa gạt, lấy tiền của ông. Vốn đã nghèo, lại thường xuyên bị gạt nên tình cảnh của ông Dũng càng ngày càng trở nên thê thảm. Nhiều lúc, lê lết đi bán từ sớm tinh mơ tới tối mịt nhưng ông chẳng có nổi một xu dính túi, phải mượn tiền của bạn bè, đồng nghiệp để mua cơm.

Cách đây khoảng 2 tháng, có một thanh niên chạy xe tới gặp ông mượn sổ dò. Sau đó kẻ lạ giả vờ reo lên “đã trúng giải 4 được 3 triệu” rồi kêu ông đổi lấy 2 triệu tiền mặt cùng 100 tờ vé số. Tin người, ông móc hết số tiền có trong người đưa cho thanh niên lạ cùng xấp vé số vừa lĩnh được, tổng tài sản khoảng 2 triệu đồng. Thấy chưa đủ tiền, người thanh niên hẹn địa điểm rồi nói hôm sau ông nhớ đưa thêm 100 tờ nữa. Đang hân hoan vì tưởng gặp được “khách sộp”, ông hớn hở lên đại lý đổi tiền thì nhận được tin sét đánh: Tờ vé số người kia đổi cho ông là giả. Điếng người, trong túi chẳng còn đồng bạc, ông lủi thủi trở về phòng trọ. Phải chăng vừa túng quẫn, vừa phải gánh chịu nhiều nỗi buồn về thể xác và tinh thần mà không biết chia sẻ với ai nên người đàn ông này càng ngày càng ít nói.

Uất ức hóa điên?

Bà chủ đại lý vé số tại phường 9, TP.Cà Mau (nơi ông Dũng tới lấy số về bán) cho biết: “Lúc trước, khi mới vào nghề, ông Dũng đổi phải 2 tờ vé số giả trúng giải 8 của kẻ gian, mất hết 200 ngàn. Lần đó, thấy ông tật nguyền, sợ kẻ gian sẽ tiếp tục lợi dụng nên vợ chồng tôi đã khuyên rằng, bán được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu chứ đừng đổi số cho người lạ. Vậy mà cách đây khoảng 2 tháng, ông ấy lại tiếp tục đổi một tờ vé số giả trúng giải 4, trị giá 3 triệu đồng cho người khác. Lần đó, ông hết sạch vốn, thương tình nên tôi kêu ông ấy đem sổ hộ khẩu và chứng minh tới rồi cho ứng vé số về bán tiếp”.

Đến sáng 30/9, trong lúc đang băn khoăn, không biết vì sao hai hôm nay ông Dũng không đi bán vé số thì anh Trần Văn Vũ (thường đi bán vé số chung với ông Dũng) phát hiện một người đàn ông trạc 40 tuổi “cắm đầu cắm cổ” chạy băng băng ngay giữa quốc lộ 1A. Ban đầu, anh cứ nghĩ “chắc ai đó bị điên, trốn ra khỏi trại tâm thần mới chạy kiểu vậy”. Thế nhưng khi nhìn kĩ lại, thấy dáng người đó quen quen, anh liền chạy theo, phát hiện ra đó chính là ông Dũng. Nào ngờ, khi nghe tiếng người khác gọi mình, ông Dũng không dừng lại mà còn chạy nhanh hơn, bất chấp xe cộ đang chạy trên đường, khiến nhiều tài xế phải giật thót mình.

Thấy tình hình quá nguy hiểm, anh Vũ liền lao theo sau và lớn tiếng la hét để cảnh báo mọi người lái xe cẩn thận. Khi chạy đến kinh xáng Cà Mau - Bạc Liêu (thuộc địa bàn khóm 7, phường 6), ông Dũng liền vớ lấy một khúc cây, vừa múa máy, không cho ai lại gần, vừa lao ào ào ra giữa dòng nước đang chảy xiết. Những người xung quanh hò hét, kêu ông lên bờ nhưng không mang lại kết quả gì. Hoảng quá, ông Ngô Xuân Tám (hành nghề bán vé số) liền chạy đi cấp báo tình hình sự việc với chính quyền địa phương, nhờ có biện pháp can thiệp. Tuy nhiên, khi ông cùng cán bộ đia phương đến nơi thì ông Dũng đã trầm mình giữa dòng nước. Dù mọi người đã khẩn trương dùng ghe cào, lưới cá khoanh vùng tìm cứu nhưng mãi tới tối cùng ngày, họ mới vớt được thi thể người đàn ông xấu số. Đến ngày 1/10, người thân đã tới hiện trường để xác nhận và làm thủ tục đưa thi thể về quê mai táng.

Ông Trịnh Xuân Thu (SN 1958, quê gốc Thanh Hóa, ngụ P6.TP.Cà Mau) cho biết: “Tôi với Dũng quen nhau đã được 5 tháng. Cùng là người miền Bắc nên khi mới gặp, chúng tôi đã nhanh chóng trở nên thân thiết. Dũng rất hiền, sống khép kín nên tôi cũng không biết nhiều. Tuy nhiên, từ khi bị gạt mất 2 triệu, Dũng luôn âu sầu và phải sống trong cảnh thiếu thốn. Có lẽ vừa khổ vì thể xác lẫn tinh thần nên Dũng mới nghĩ quẩn như vậy”.

Nước mắt người cùng khổ

Theo chia sẻ của bà Đinh Thị Ngọc Diễm, chủ đại lý vé số Minh Chiêu (phường 6, TP.Cà Mau), hầu như người nào bán vé số trên địa bàn TP.Cà Mau cũng đều từng một vài lần bị gạt. Các thủ đoạn mà kẻ gian thường dùng đó là đổi vé giả lấy vé thật, giật số, ăn cắp số. . . Về vấn nạn giật số, tráo số và ăn cắp số thì rất khó để đề phòng. Cách tốt nhất là bà con phải hết sức cảnh giác. Tuy nhiên, việc phát hiện vé số giả thì không quá khó.

Bà Diễm cho biết: “Thông thường, kẻ gian thường cạo rồi cắt, dán hoặc đóng số cùng ngày tháng để làm giả vé trúng thưởng rồi đem đi đổi cho người bán. Chỉ cần dùng mắt thường, nhìn kĩ một chút cũng có thể phân biệt được. Nếu là vé số giả, được cạo đi rồi in scan, chụp lại thì dấu mực sẽ đậm hơn, không có dạ quang, không bóng. Nếu được cắt, dán, chỉ cần bẻ cong từng con số là có thể nhận ra. Tuy nhiên, kẻ xấu rất tinh vi, chúng thường quan sát rất kĩ trên địa bàn. Hầu như người nào mới bước vào nghề cũng bị gạt, đổi phải số giả. Bên cạnh đó, “con mồi” mà chúng hướng tới là những người già, người khiếm thị và trẻ nhỏ. Bởi vậy, tôi khuyên bà con không nên đổi số với những người lạ”.

Dựa vào kinh nghiệm của mình, bà cảnh báo thêm, kẻ gian thường ăn mặc rất bảnh bao, đứng ở cây xăng hoặc trước cửa các công ty hoặc cơ quan nhà nước. Thường mỗi khi mua vé số hay đổi số, chúng tỏ ra rất hào phóng, hứa sẽ mua nhiều số nếu được đổi khiến bà con sập bẫy.

Cũng bàn về vấn nạn này, ông Thu chia sẻ, những kẻ xấu thường có rất nhiều chiêu trò, mánh khóe. Mỗi khi hỏi mua vé số, chúng thường đưa tờ tiền mệnh giá lớn, hoặc giả vờ làm rơi vé xuống đất, nhân lúc người bán loay hoay thối tiền, cúi xuống nhặt hoặc không để ý là chúng đánh tráo hoặc lấy cắp. “Ngày nào, trên địa bàn cũng có người bị mất vé, bị giật vé. Vấn nạn này không biết bao giờ mới được giải quyết. Chúng tôi là những người cùng cực, vậy mà những kẻ xấu xa ấy cũng không chịu buông tha”, ông Thu ngậm ngùi.

Ngoài vấn nạn bị kẻ gian cướp giật, đánh tráo, ăn cắp ra, người bán vé số cũng phải chịu áp lực rất nhiều từ việc phải bán đủ định mức mà đại lý quy định. Anh Vũ tâm sự: “Bây giờ, càng ngày càng có nhiều người bán vé số khiến công việc gặp nhiều khó khăn, tính cạnh tranh cao. Bởi vậy, chủ đại lý ra quy định, mỗi ngày, mỗi người phải bán đạt 85%, nghĩa là nếu lấy 100 vé thì phải bán được 85 vé, nếu không hôm sau sẽ bị cắt giảm. Ngày mưa phải lội mưa, nắng phải đội nắng để bán cho đạt chỉ tiêu. Có ngày phải đi bộ cả vài chục cây số, chân tay rã rời mà cũng chẳng đạt, phải ngậm ngùi ôm vé chịu lỗ. Thật sự, chúng tôi khổ trăm đường”.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Vân Tiên