6 việc cha mẹ không thể bỏ quên khi chuẩn bị cho con vào lớp 1

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nhiều cha mẹ lo lắng cho con học đọc, học viết, học tính trước khi vào lớp 1 nhưng lại bỏ quên nhiều điều còn quan trọng khác.

1. Chuẩn bị tâm lý đến trường

Việc chuẩn bị một tâm lý thoải mái để trẻ đến trường sẽ giúp trẻ xóa tan những bỡ ngỡ, e ngại ban đầu.

Ngoài kiến thức, cha mẹ cần dạy trẻ các kĩ năng để trẻ hòa nhập tốt với môi trường học tập mới (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Bắt đầu gần nghỉ hè ở mẫu giáo, phụ huynh nên trò chuyện cùng con về việc năm sau con sẽ chuyển sang trường mới, đặc điểm trường đó thế nào, thậm chí, nếu có điều kiện, có thể đưa trẻ đến tham quan trường mới ấy, chỉ cho trẻ lớp học, bàn ghế, bảng….giải thích cho trẻ rằng con sẽ được học thế nào ở đó. 

Phụ huynh có thể mua trước một số sách vở, dụng cụ học tập lớp 1, giới thiệu cho trẻ làm quen với chúng, dạy trẻ cách thức giữ gìn những vật dụng đó. Phụ huynh cũng nên cố gắng giới thiệu những điều tích cực, thú vị ở trường tiểu học, thay vì doạ nạt con là trường học rất khó, không học là cô giáo phạt…

Trẻ không được chuẩn bị tâm lý tốt trước khi đi học dễ dẫn đến trạng thái lo âu, hoảng sợ (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Trẻ không được chuẩn bị tâm lí tốt thì sau thời gian khai giảng sẽ dễ rơi vào trạng thái tâm lí lo âu, hoảng sợ…Việc này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý cũng như kết quả học tập của trẻ.

Để trẻ nhanh chóng tự thích nghi được với môi trường mới, cha mẹ cần chú ý chuẩn bị tâm lí tốt cho trẻ.

Cho trẻ làm quen với cặp sách, đồ dùng học tập, cái bút, quyển sách của mình. Dạy con cách giở sách, cách ghi nhớ, cách xếp sách vở vào ngăn cặp, cách đeo cặp trên vai. 

Khi vào năm học, bố mẹ cũng cần quan tâm đến thời khóa biểu của con để cùng bé chuẩn bị sách, đồ dùng học tập theo đúng môn học mỗi ngày, tránh để trẻ ngày nào cũng phải mang quá nhiều thứ tới trường.

Khi con bắt đầu đi học, sau mỗi buổi, bố mẹ cần hỏi chuyện con về bạn bè, cô giáo, xem bé thích hay không thích gì nhất ở trường để biết cách giúp trẻ hào hứng tới lớp, dần khắc phục những khó khăn.

2. Làm quen với nề nếp, kỷ luật ở trường học

Trò chuyện cùng con mỗi ngày bằng các câu chuyện kể có liên quan đến môi trường học đường như: giữ trật tự trong lớp, giơ tay xin phép thầy cô khi phát biểu hoặc ra ngoài, xếp hàng khi vào lớp, đứng lên chào cô khi vào lớp, tan lớp….

Cha mẹ cũng cần dạy các bé biết cách ứng xử với mọi người xung quanh, lễ phép, kính trọng người lớn để trẻ thích ứng với những quan hệ xã hội ở nhà trường. 

3. Dạy con cách ngồi học đúng tư thế

Ngồi học đúng tư thế không chỉ giúp cho các bé học hiệu quả hơn mà còn giữ gìn đôi mắt. Bố mẹ có thể treo một bảng dạy tư thế ngồi đúng, tư thế cầm bút trước bàn học của con và kiên trì rèn theo tấm bảng đó. Cha mẹ có thể thị phạm cho con và thường xuyên theo dõi, nhắc nhở để trẻ có thói quen cứ ngồi vào bàn học là ngồi đúng tư thế.

Cha mẹ cần rèn cho trẻ thói quen ngồi học đúng tư thế (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

4. Dạy trẻ kĩ năng giao tiếp

Khi đến trường, để trẻ hòa nhập tốt, trẻ phải có các kĩ năng giao tiếp như cách nói lời cảm ơn, xin lỗi, cách giới thiệu bản thân, cách bày tỏ những ý kiến của mình… Tất cả những điều này phải làm thường xuyên theo từng ngày và thực hành ngay để dễ ghi nhớ.

Những kỹ năng như lắng nghe khi người khác nói, trả lời khi được hỏi, đặt câu hỏi cho thầy cô, bạn bè khi thắc mắc, phát âm to rõ cũng rất quan trọng. Đương nhiên, những điều này cũng được rèn ở mẫu giáo nhưng nhiều trẻ vẫn rất hạn chế, nhút nhát. Trước khi vào lớp 1, phụ huynh có thể đưa trẻ tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu với nhiều người hơn.

5. Dạy trẻ khả năng tập trung

Chuyển từ hoạt động chủ đạo là vui chơi sang học tập nên để có thể ngồi tập trung trong suốt cả thời gian một tiết học thật khó khăn đối với các bé. Phụ huynh có thể giúp con luyện tập sự tập trung, ban đầu là dưới dạng trò chơi. 

Khi Nam đã có thói quen ngồi tập trung, hãy rèn cho trẻ sự tự giác trong việc tập trung học. Phụ huynh có thể theo dõi hiệu quả học của con, đặt ra các mốc thời gian để trẻ hoàn thành công việc hiệu quả và nhanh chóng, hoặc dạy trẻ tập trung khi thực hiện những công việc khác, ngoài việc học.

6. Tạo cho trẻ thói quen tự lập, khuyến khích trẻ tự học

Phụ huynh cũng cần tạo cho trẻ thói quen tự lập bằng cách khuyến khích trẻ thực hiện trọn vẹn vài việc nhà đơn giản, tự tạo thời gian biểu học tập, vui chơi và nghiêm túc thực hiện thời gian biểu ấy. 

Khuyến khích trẻ tự học và biết cách tự học sẽ giúp trẻ học tốt (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Mỗi buổi tối, cha mẹ cần dành thời gian hướng dẫn trẻ cách sắp xếp sách vở, đồ dùng học tập cho buổi học ngày mai, hướng dẫn trẻ cách học ở nhà để từng bước xây dựng thói quen học tập tự giác, đặc biệt là biết cách tự học.

Phụ huynh phải dành thời gian để rèn luyện thật thành thạo cho con các kĩ năng như: tự thay quần áo (trong trường hợp trẻ học cả ngày với nhiều hoạt động khác nhau cần thay đổi trang phục), sắp xếp sách vở, dụng cụ học tập ngay ngắn vào cặp, tự đi vệ sinh, tự xúc ăn… Những kỹ năng này đã được hình thành ở trường mẫu giáo nhưng khi thay đổi môi trường sang bậc tiểu học, trẻ vẫn có thể bỡ ngỡ khi làm quen bước đầu với sự tự lập này.

6 lưu ý không thể bỏ qua khi dạy trẻ tập bơi
6 lưu ý không thể bỏ qua khi dạy trẻ tập bơi
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Cho trẻ học bơi không đúng cách, trẻ không những khó biết bơi mà còn gây mất an toàn cho trẻ. Bởi vậy, cha mẹ cần hết sức lưu ý những điều sau.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn