Lắm scandal thực phẩm bẩn, TQ đang thâu tóm chăn nuôi VN

06:39, Thứ bảy 01/06/2013

( PHUNUTODAY ) - Việc Trung Quốc mua công ty thịt lợn lớn nhất nước Mỹ cho thấy nước này đang ngày càng mở rộng thị trường phục vụ cho nền công nghiệp sản xuất thịt của nước này.

(Đời sống) - Việc Trung Quốc mua công ty thịt lợn lớn nhất nước Mỹ cho thấy nước này đang ngày càng mở rộng thị trường phục vụ cho nền công nghiệp sản xuất thịt của nước này.

Trung Quốc mua công ty thịt lợn lớn nhất Mỹ

Công ty Smithfield Foods của Mỹ và tập đoàn Shuanghui International Holdings của Trung Quốc hôm nay, 29/5, công bố hợp đồng sáp nhập, theo đó định giá Smithfield là 7,1 tỉ USD, bao gồm cả các khoản nợ ròng của hãng chế biến thịt lợn lớn nhất nước Mỹ này. 
 
Theo các điều khoản của thỏa thuận, Shuanghui sẽ mua toàn bộ cổ phiếu của Smithfield với giá 34 USD/cổ phiếu bằng tiền mặt. Giá mua này đã cao hơn gần 31% so với giá chứng khoán lúc đóng cửa ngày 28/5 của Smithfield. 
 
Chủ tịch Shuanghui, Wan Long cho biết, "Smithfield sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người Trung Quốc về các sản phẩm thịt chất lượng cao từ Mỹ, trong khi vẫn tiếp tục phục vụ thị trường Mỹ và khắp thế giới". 

 

 Công ty Shuanghui của Trung Quốc sẽ sở hữu hãng thịt lợn nổi tiếng Mỹ, Smithfield.
Công ty Shuanghui của Trung Quốc sẽ sở hữu hãng thịt lợn nổi tiếng Mỹ, Smithfield.
Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Việc Trung Quốc mua công ty thịt lợn lớn nhất nước Mỹ cho thấy nước này đang ngày càng mở rộng thị trường phục vụ cho nền công nghiệp sản xuất thịt của nước này.
 
Tuy nhiên, ngành công nghiệp thịt lợn nói riêng và công nghiệp chăn nuôi của Trung Quốc đang gặp phải những vụ bê bối lớn về an toàn thực phẩm
 
Khi mà vụ bê bối thịt chuột giả thịt cừu, thịt lợn được “hô biến” thành thịt bò còn chưa kịp lắng xuống, dư luận  lại thêm một lần xôn xao về vụ việc 40 tấn xác lợn chết vì nhiễm bệnh phải tiêu hủy bị tuồn ra chợ tại tỉnh Phúc Kiến mới đây. Trước đó là vụ hàng ngàn xác lợn chết trôi sông Hoàng Phố đoạn chảy qua trung tâm tài chính Thượng Hải. Rõ ràng người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về chất lượng thực phẩm Trung Quốc.
 
Thâu tóm quá nửa ngành chăn nuôi gia cầm Việt
 
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã thâu tóm quá nửa ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam, theo thông tin được cung cấp vào ngày 9/10 tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào ngành chăn nuôi năm 2012 tại TP.HCM. Một doanh nghiệp CP Trung Quốc nắm giữ 50% thị trường trứng gà, 30% thịt gà và 7% thịt lợn. Công ty này chỉ cung cấp khoảng 5% về giống lợn nhưng lại chiếm tới 8% thị phần sản phẩm từ lợn trên thị trường, vì sở hữu chất lượng con giống và công nghệ chăn nuôi hiện đại.
 
Về thức ăn chăn nuôi công nghiệp (TACN), dù chỉ chiếm 58/233 nhà máy trên toàn quốc, nhưng các doanh nghiệp có vốn ngoại lại thâu tóm tới 50% thị phần ngành này. Trong khi đó, ở lĩnh vực thuốc thú y, các công ty nước ngoài chiếm thị phần 80%, chỉ có 20% thuộc các công ty trong nước.
 
 
Nuôi gà lấy trứng ở ĐBSCL. Ảnh Greenfeed
Nuôi gà lấy trứng ở ĐBSCL. Ảnh Greenfeed
 
 
Đối với ngành nuôi cá, tuy lực lượng nông dân Việt Nam chiếm số lượng áp đảo, nhưng thực chất là họ chỉ nắm giữ công đoạn vất vả, rủi ro nhất của ngành này: bỏ vốn sở hữu hoặc thuê mặt nước, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, mua giống, thức ăn và chăm sóc cá. Còn phần an toàn, có doanh số ổn định và lớn hơn là sản xuất kinh doanh thức ăn cho cá, kinh doanh, xuất khẩu, chế biến cá thành phẩm vẫn bị các doanh nghiệp có vốn ngoại chi phối.
 
Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là thời gian gần đây các cơ quan chức năng liên tiếp bắt giữ số lượng lớn gà đầu trọc hay còn gọi là gà thải loại từ thị trường Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Đáng chú ý có những vụ như vào tháng 11/2012, và tháng 1/2013 Hà Nội bắt giữ liên tiếp 2 xe tải chở hơn 4 tấn gà lậu từ Trung Quốc, tháng 1/2013 lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai vừa bắt giữ vụ nhập lậu gà siêu trứng bị thải loại với trọng lượng 2 tấn...
 
Theo điều tra của phóng viên báo Nông thôn ngày nay, sự thật nguồn gà loại thải này chính là các sản phẩm từ gà đẻ quá lứa ở Trung Quốc và được coi là rác cần tiêu hủy. Giá 1kg gà thải được bán ở đây chỉ 1,2 tệ (tương đương 3.600 đồng).

Nếu gà được thịt và cấp đông đóng đá có giá đắt hơn là 4,5 tệ/con (tương đương 13.500 đồng). Loại gà này, có thể để 4 tháng không bị hỏng vì đã được ướp chất chống thối. Đây là loại gà thường được các chủ trại trả công cho những người dọn chuồng, và để kiếm được tiền những người này sẽ bán cho các đầu nậu để đưa sang Việt Nam tiêu thụ.
 
Hơn nữa, 95% số mẫu gà thải loại nhập lậu bị thu giữ đều phát hiện tồn dư kháng sinh, gây nguy hại cho sức khỏe con người. Nghiêm trọng hơn, 58% trong số gà đó dương tính với virus H5N1...
 
Bên cạnh đó, các chất tao nạc trong thức ăn gia súc có nhiễm độc trên thị trường nước ta cũng chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Vừa qua, các cơ quan chức năng phát hiện thịt lợn có chứa chất tạo nạc thuộc nhóm Beta-agonist đã bị cấm ở Việt Nam từ năm 2002. Nếu người dân ăn thịt lợn có tồn dư Beta-agonist, nhẹ sẽ bị nhiễm độc, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, đây là những hóa chất có khả năng tồn dư lâu trong cơ thể động vật, không bị biến đổi khi chế biến ở nhiệt độ cao ngay cả khi rán, nướng.
 
Trong hoàn cảnh đó, người tiêu dùng Việt có lẽ cũng cần phải lo lắng cho chất lượng thực phẩm đang lưu hành trên thị trường Việt Nam.
  • An An (Tổng hợp)

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc