Tối 19/4, tại Nghĩa trang ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đoàn công tác của Ban tuyên giáo Thành ủy, các văn nghệ sĩ và phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, nhà xuất bản ở TPHCM đã tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương và tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc cách đây 45 năm.
Bia tưởng niệm 10 liệt sĩ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc.
Trong khói hương nghi ngút, tất cả các thành viên trong đoàn công tác nghiêng mình thành kính trước những hy sinh to lớn của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã Ba Đồng Lộc. Nhà Báo Tiểu Quyên thay mặt đoàn công tác đã đọc bài tưởng niệm. Trong niềm xúc động, Nhà báo Tiểu Quyên bày tỏ: Đến với các chị sau hơn 45 năm kể từ ngày 26/7/1968, ngày mà các chị đã vĩnh viễn ngủ yên trong lòng đất mẹ. Chúng tôi đứng đây, bên Tượng đài sừng sững, uy nghiêm mà tâm hồn hết thảy đều hướng về những ngày tháng chiến tranh đạn lửa. 10 cô gái đã gắn liền với lịch sử và 10 cô gái đã gắn liền với quê hương. Ngã ba Đồng Lộc, nơi các cô ngã xuống. Với bao chiến công vang lừng khi ở tuổi đôi mươi. 10 cô gái trinh liệt đã làm nên huyền thoại. Hành trang mang là một tâm hồn trinh trắng. Để lại cho đời một cuộc sống ấm no. Các cô nằm lại đây giữa muôn trùng sâu thẳm. Với đồng đội của mình những người đã hy sinh. Hôm nay, đoàn công tác của TPHCM xin dâng lên các chị những nén hương thơm, những cành hoa lặng lẽ cùng những vật trang sức hàng ngày, để ở một nơi nào đó trong cõi hư vô, các chị tiếp tục sống những ngày bình dị của một người con gái, có gương lược chải đầu, có những vòng hoa cột tóc, có những thỏi son để điệu đàng con gái và không bao giờ có khói súng chiến tranh. Nhà báo Tiểu Quyên xúc động phát biểu:
Trong không khí trang nghiêm mà hùng tráng, các văn nghệ sĩ TPHCM cũng đã cất cao những lời ca tiếng hát ca ngợi tấm gương hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã Ba Đồng Lộc nói riêng và các anh hùng liệt sĩ nói chung; ca ngợi những đổi thay của đất nước, của Hà Tĩnh hôm nay. Hòa chung niềm xúc động này, họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội mỹ thuật TPHCM tâm sự:
Là người từng đến với Ngã Ba Đồng Lộc và sáng tác nhiều ca khúc về sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong 45 năm về trước, nhạc sĩ Phan Thị Thanh Bình đã cảm xúc cất cao giọng hát của mình ngay chính nghĩa trang Ngã Ba Đồng Lộc. Chị bày tỏ:
Là hai nghệ sĩ trẻ của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và cũng là lần đầu tiên đến với địa danh Ngã Ba Đồng Lộc, nghệ sĩ trẻ Minh Trường và Nhã Thi tâm sự:
Có thể nói, sự hy sinh cao cả của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã Ba Đồng Lộc khiến cho tất cả các thành viên trong đoàn công tác của Ban tuyên giáo Thành ủy, các văn nghệ sĩ, các nhà báo vô cùng cảm động và trong tâm khảm của mình, ai cũng hứa quyết tâm có những tác phẩm hay phục vụ công chúng nhằm góp phần định hướng thẩm mỹ và giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ hôm nay. Chiều cùng ngày, đoàn cũng đã đến thắp hương tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm quê Bác ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Trước đó, vào ngày 18/4 tại nghĩa trang đồi Độc Lập đã diễn ra đêm tưởng niệm tròn 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đoàn cán bộ Ban tuyên giáo Thành ủy cùng các văn nghệ sĩ và cán bộ phóng viên, biên tập viên của các báo, đài TPHCM do bà Thân Thị Thư, Ủy viên ban thường vụ, Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy làm trưởng đoàn đã tổ chức lễ tưởng niệm, dâng hoa, dâng hương, thắp nến tại nghĩa trang đồi Độc Lập, nơi yên nghỉ của 2.432 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ, thay mặt đoàn cán bộ tuyên giáo, văn nghệ sĩ, Phóng viên - Biên tập viên các cơ quan báo chí TPHCM, đoàn cán bộ quận ủy quận 3, ca sĩ Anh Bằng đã đọc bài tưởng niệm bày tỏ sự biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ cha anh đã quên mình đấu tranh vì khát vọng độc lập của dân tộc, đặc biệt là trận thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm, bà Thân Thị Thư, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy đã bày tỏ niềm xúc động với những mất mát hy sinh của các chiến sĩ cách mạng trong trận thắng Điện Biên Phủ. Bà Thân Thị Thư khẳng định: Hành trình Điện Biên - Vang mãi bản anh hùng ca đưa mỗi người chúng ta đến với vùng đất anh hùng, chiến trường năm xưa nơi ghi dấu chiến thắng anh hùng, nơi hoài niệm của một thời hoa và lửa để chúng ta càng hiểu hơn thế nào là đồng đội, đồng chí của một thời hiên ngang mà anh dũng.