Lộc rừng một năm chỉ thu hoạch 2 tháng nhưng giúp người dân kiếm 500.000 đồng/ngày

09:10, Chủ nhật 30/04/2023

( PHUNUTODAY ) - Cứ vào dịp đầu năm bà con Tây Nguyên lại rủ nhau lên rừng “hái lộc”, có người kiếm về tới hơn nửa triệu đồng/ngày.

Những người dân sống ở vùng đất Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk luôn trông chờ vào thời điểm đầu năm để thu hái bông đót để mang bán cho các thương lái. Công việc này giúp họ có nguồn thu nhập kha khá để trang trải cho gia đình.

Ở nước ta, cây đót là loài thực vật mọc hoang vô cùng phổ biến. Chúng có thể xuất hiện trên nhiều sườn đồi, núi, thậm chí là ngoài đồng hoặc ven đường. Chúng có khả năng sinh trưởng tốt, cây trưởng thành có chiều cao vượt quá đầu người, hình dáng bên ngoài gần giống cây lau, cây sậy.

Tại các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Kon Tum,… hay ở Quảng Nam, cây đót thường mọc ở khu vực đồi núi có độ cao từ 50-2000 mét so với mực nước biển. Lá của cây đót khá cứng, có dạng hình mũi mác, phần mũi khá nhọn, ôm trọn lấy thân, viền lá có mép và hơi thô ráp. Bông đót lại có kích thước rất nhỏ gồm có nhiều cọng nhỏ, mọc chụm lại với nhau, hình dáng thuôn dài.

Cây đót mỗi năm chỉ sinh trưởng duy nhất một lần vào thời điểm từ tháng 12 cho đến tháng 2 dương lịch. Người dân Tây Nguyên thường hay thu hái loại cây này vào tháng Giêng âm lịch để mang bán cho thương lái hoặc sử dụng chúng để tạo thành những cây chổi quét nhà.

Tuy chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong năm nhưng người dân phải nhanh tay đi hái cây đót nhiều nhất có thể. Vì chỉ sau 30 ngày kể từ khi cây trổ bông, bông đót sẽ trở nên già và không còn giá trị sử dụng được nữa.

Thời điểm đúng vụ mỗi người dân đi thu hoạch cây đót có thể lấy được hơn 100kg mỗi ngày. Đót sẽ được gom lại thành những bó nhỏ, cột hết vào trong túi để buộc sau lưng. Một kg bông đót như vậy được mang bán với mức giá hơn 6.000 đồng. Nhờ vậy mà giúp những người đi hái đót có thể kiếm về tới 600.000 nghìn đồng mỗi ngày.

Từ bông đót người ta làm thành những cây chổi quét nhà, bán được với mức giá 30.000 – 100.000 đồng/chiếc. Những chiếc chổi được làm từ bông đót tươi phơi khô, những bông đót được cột vào nhau thật chặt để làm cán chổi, trong khi phần bông thuôn dài dùng để quét. Với những cây đót còn thừa không dùng hết, người dân mang đi bán lại cho những cơ sở sản xuất nông sản.

Trong các thôn xã của các huyện, tỉnh thành vùng Tây Nguyên có nhiều gia đình đổi đời và sống đầy đủ hơn nhờ vào nghề đi săn bông đót. Vì công việc mang lại thu nhập cao nên người dân sẵn sàng đi thật xa để kiếm về càng nhiều bông đót càng tốt, bất chấp những nơi đó hiểm trở, rừng thiêng nước độc hay nhiều rắn rết của vây.

Vài năm trở lại đây, việc thu hái bông đót quá mức đã khiến cho loài thực vật này suy giảm đáng kể ngoài tự nhiên. Thêm nữa, với biến đổi khí hậu, khô hạn và thiên tai tại các tỉnh thành Tây Nguyên hoàn toàn có thể khiến cho việc thu hoạch đót bị ảnh hưởng. Dù sao chăng nữa thì đây vẫn là một cơ hội kiếm tiền tốt cho bà con để cải thiện nguồn thu nhập vốn đang ít ỏi của mình.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Trần Thu Thủy