Ngày mai (16/4), xét xử đại án "bầu Kiên" và đồng phạm

18:45, Thứ ba 15/04/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ngày mai (16/4) sẽ diễn ra phiên tòa xét xử "bầu Kiên" và các đồng phạm trong vụ đại án tại ngân hàng ACB. Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài trong 14 ngày.

Ông Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) bị đưa ra xét xử về 4 tội: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

6 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng gồm:

- Ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB).

- Ông Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB).

- Ông Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB).

- Ông Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB).

- Ông Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB).

- Ông Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB).

2 bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm:

- Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội).

- Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội).

Mô tả ảnh.
Bầu Kiên phải đối mặt với mức án chung thân.

Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Hữu Chính (phó chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội) làm chủ tọa. 20 luật sư sẽ tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó có 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). 

Trước đó, sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, TAND TP Hà Nội đã có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, kiến nghị làm rõ vai trò đồng phạm của ông Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) và bốn người khác về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Viện KSND tối cao xác định tổng số tiền thiệt hại trong vụ án là 1.696 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, năm 2007 ông Nguyễn Đức Kiên đề nghị hội đồng quản trị Ngân hàng ACB lập hội đồng sáng lập ACB do ông Kiên làm phó chủ tịch.

Dù không được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với chức danh này và là đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ của ACB, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành của ACB.

Ngoài ra, Nguyễn Đức Kiên còn thành lập sáu công ty do chính ông là chủ tịch hội đồng quản trị/ hội đồng thành viên gồm: Công ty CP phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty CP đầu tư thương mại B&B (B&B), Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG), Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), Công ty CP đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN).

Mặc dù 6 công ty này không được cấp phép kinh doanh tài chính nhưng Nguyễn Đức Kiên vẫn điều hành các công ty này kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trái phép với tổng số tiền lên tới 21.490 tỷ đồng.

Hành vi của ông Phạm Trung Cang đã cùng các ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Huỳnh Quang Tuấn ký vào biên bản họp thường trực hội đồng quản trị Ngân hàng ACB ra chủ trương dùng tiền của dân để ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.

Mới đây, các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã làm đơn đề nghị hoãn phiên tòa xét xử. Theo các luật sư bào chữa, để tránh “gây oan ức cho các bị cáo trong vụ bầu Kiên bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Vì vậy, TAND TP Hà Nội cần chờ kết quả xét xử phúc thẩm vụ Huyền Như của Tòa phúc thẩm tại TP HCM. Thế nhưng kiến nghị này đã bị TAND Hà Nội bác bỏ và phiên tòa vẫn diễn ra như dự kiến.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: