Mì là món ăn được nhiều người yêu thích. Bạn có thể kết hợp mì với nhiều nguyên liệu khác nhau để tạo ra những món ăn hấp dẫn chẳng hạn như mì bò, mì trứng, mì vịt... Ngoài mì nước, các món mì trộn, mì xào, mì lạnh cũng rất thơm ngon. Mỗi kiểu mì lại mang một sức hấp dẫn riêng, phù hợp với khẩu vị của từng người.
Trong quá trình nấu mì, chúng ta thường sẽ phải chần mì qua nước sôi để mì chín và mềm rồi mới tiếp tục các bước sau. Việc luộc mì giúp giảm lượng tinh bột bám bên ngoài sợi mì, để mì không bị dính vào nhau. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao mình đã luộc mì mà các sợi với dính lại, tạo thành tảng mì lớn, trông kém đẹp mắt, khó ăn.
Đầu bếp cho rằng có thể trong quá trình luộc mì, người nấu đã sử dụng sai nước. Có nhiều quan điểm khác nhau về việc luộc mì. Người dùng nước nóng, người lại dùng nước lạnh, người thì dùng nước sôi sùng sục. Vậy đâu mới là cách luộc mì chính xác?
Hãy học cách chế biến mì mà các đầu bếp thường áp dụng nhé.
Đầu tiên, bạn cần cho một lượng nước nhất định vào nồi. Khi đun nước, bạn cần phải canh chừng, không để nước sôi mạnh. Khi thấy bọt nhỏ xuất hiện dưới đáy nồi là được. Lúc này, nhiệt độ của nước là khoảng 80 độ C. Bạn hãy cho vào nồi 1 thìa muối. Việc cho muối vào nước luộc mì sẽ giúp sợi mì dai và đậm đà hơn. Ngoài ra, nó còn chống trào nước ra ngoài trong lúc nấu.
Tiếp đó, hãy thêm 1 thìa dầu ăn nhỏ. Dầu ăn sẽ giúp sợi mì trơn và không dính vào nhau.
Sau khi cho muối và dầu ăn, bạn có thể cho mì vào nồi nước. Dùng đũa đảo đều để sợi mì không dính vào nhau.
Khi nước bắt đầu sôi, bạn hãy cho thêm một chút nước lạnh. Đậy nắp nồi lại và tiếp tục đun cho nước sôi. Nếu thấy sợi mì đã chín thì có thể vớt ra. Nếu sợi mì còn cứng thì tiếp tục cho thêm một chút nước lạnh rồi đun sôi.
Khi thấy sợi mì mềm thì vớt ngay ra khỏi nồi và ngâm trong bát nước lạnh để sợ mì dai hơn, không bết dính vào nhau.
Mì nguội thì vớt ra để ráo nước.
Lúc này, bạn có thể xếp mì vào bát cùng các nguyên liệu, chan nước dùng nóng và sử dụng hoặc có thể đem mì đi xào, trộn gia vị tùy sở thích.