Kỳ 1: Những trận vỡ đê kinh hoàng
Tục hiến tế vốn có trong lịch sử loài người, nhưng chuyện hiến tế người sống dường như là một hủ tục mang màu sắc truyền thuyết, huyễn hoặc, xảy ra ở một vùng đất xa xăm, kỳ bí nào đó. Lịch sử Việt Nam chưa từng ghi nhận tục hiến tế.
Thế nhưng, thật kinh ngạc, khi ở Thái Bình, đã từng diễn ra một cuộc hiến tế người rùng rợn. Cặp vợ chồng đào hát đã bị người dân một làng tế sống cho thủy thần.
Câu chuyện ấy dù đã trôi qua hàng trăm năm trước, nhưng với người dân trong vùng, nó vẫn tồn tại rành rành trong ký ức và những câu chuyện kể của các bậc cao niên.
Người dân hãi hùng về một tục lệ rợn tóc gáy, đã dựng ngôi miếu thờ tự, những mong "oan hồn" người bị giết hại oan ức được siêu thoát.
Mới đây, nhà sử học Đặng Hùng gọi điện bảo: "Tôi mới có một phát hiện khá độc đáo, đó là tục hiến tế người sống tồn tại ở Thái Bình. Chuyện này không phải huyền thoại, hư cấu đâu, mà là sự thật lịch sử.
Tôi đã điền dã, nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều năm nay rồi. Chuyện này mà công bố, thì quả thực là đáng kinh ngạc".
Theo chỉ dẫn của nhà sử học Đặng Hùng, tôi tìm về vùng đất ven biển của tỉnh Thái Bình.
Con đê sông Hóa toàn ổ voi, ổ gà dẫn ra vùng ven biển xã Thụy Dũng (huyện Thái Thụy). Thôn Đầm Sen chỉ có lác đác vài nóc nhà, ẩn hiện trong những bụi tre pheo rậm rạp hai bên đê.
Ngay triền đê, là ngôi miếu nhỏ, nhưng còn mới, không có cổng rả, nhưng cửa khóa im ỉm.
Thấy tôi loay hoay chụp hình ngôi miếu, một người đàn ông dáng cao dỏng dỏng ghé vào hỏi chuyện. Hóa ra, ông là người được dân làng giao cho trọng trách trông nom ngôi miếu. Ông là Nguyễn Văn Dương, nhà ở thôn Đầm Sen, cách ngôi miếu một đoạn.
Ông Nguyễn Văn Dương trước ngôi miếu Tơ Trò, còn gọi là miếu Đào Hát |
Ông Nguyễn Văn Dương trước ngôi miếu Tơ Trò, còn gọi là miếu Đào Hát Hỏi chuyện về cuộc tế sống năm xưa, ông Dương phóng ánh mắt ra dòng sông Hóa, rồi con đê uốn lượn như dải lụa chạy qua miếu, như hồi tưởng sắp xếp lại câu chuyện, mà theo ông, khiến cả làng còn đau lòng đến ngày nay.
Ông Dương bảo: "Chuyện tế sống vợ chồng đào hát là có thật, chuyện ấy từ người già đến trẻ con ở làng Phương Man và nhân dân quanh vùng đều biết và kể rành rẽ. Chuyện ấy xảy ra cũng không phải là lâu lắm đâu, nên các cụ già vẫn nắm được rõ chi tiết".
Sông Hóa vốn là dòng sông lớn, là nơi từng diễn ra nhiều trận đánh thời Trần. Sông Hóa bắt nguồn từ ngã ba Tranh (chỗ giáp ranh ba tỉnh Hải Phòng – Thái Bình – Hải Dương), nơi giao lưu với dòng sông Luộc, đổ ra cửa biển Đại Bàng.
Sông Hóa đoạn cửa biển là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thái Bình và Hải Phòng. Giờ đây, đất phù sa bồi lấp, bãi sông rộng mênh mông, lòng sông thu hẹp lại. Nhưng, trong sử sách vẫn chép rằng, sông Hóa rộng mênh mông, nước chảy hung hãn, đe dọa sự sống của nhân dân hai bờ sông.
Ông Dương chỉ đoạn đê liên tục vỡ |
Ông Dương chỉ đoạn đê liên tục vỡ Xưa kia, tại thôn Đầm Sen bây giờ, thuộc đất Phương Man xưa, liên tục xảy ra những cuộc vỡ đê thảm khốc. Con đê sông Hóa được đắp từ cả ngàn năm trước, rất vững chãi, nhưng không hiểu sao, thời điểm đó liên tục vỡ, mà điều kỳ lạ, là toàn vỡ ở đoạn đê thuộc làng Phương Man.
Mỗi lần vỡ đê, cánh đồng lúa, hoa màu ngập nước, mùa màng mất trắng, người lóp ngóp như chuột. Không biết bao nhiêu người mất mạng vì những trận vỡ đê liên tiếp xảy ra.
Trận vỡ đê khủng khiếp nhất xảy ra vào năm Kỷ Tỵ, đời vua Lê Hiển Tông, cách nay hơn 200 năm.
Khi đó, trời mưa tầm tã kéo dài nửa tháng. Đê sông Hóa đoạn qua làng Phương Man lại sạt vỡ một đoạn dài mấy trăm mét. Nước chảy cuồn cuộn, xô đẩy một chiếc thuyền Đinh, từ sông Hóa lao qua chỗ đê bị vỡ bắn vào sát cây đề ở quán Gò Sành. Hiện cây đề vẫn còn, to mấy người ôm.
Theo lời các cụ, thì chiếc thuyền lớn bị vỡ nát, chìm nghỉm và bị cát vùi lấp. Đất Gò Sành nay là cánh đồng Láng Chùa thuộc làng Phương Man, cách đê sông Hóa khoảng 1 km.
Ông Dương bên trong miếu Tơ Trò |
Ông Dương bên trong miếu Tơ Trò Đê vỡ, mưa lớn tiếp tục kéo dài, rồi nước biển dâng, khiến chỗ vỡ ngày một rộng. Dòng nước như tên bắn lao thẳng vào chỗ vỡ, nhấn chìm hoàn toàn làng Phương Man và vùng đất rộng lớn xung quanh.
Cả quân lính triều đình, dân binh trong huyện tổ chức đắp lại đê, nhưng cả 3 lần tổ chức hạp long (gắn đê), kéo dài cả năm trời, thì cả 3 lần đê lại bị vỡ.
Nghĩ rằng có chuyện liên quan đến tâm linh, nên các cụ trong làng đã mời nhiều thầy pháp giỏi về cúng bái, trấn yểm.
Chuyện rằng, một thầy pháp giỏi của triều đình đã "mời" Hà Bá lên "nói chuyện", hỏi han nguyên do.
Hôm thầy pháp cúng tế ở đê, thì giông gió nổi lên, mây đen kéo đến, sấm sét sáng rực bầu trời. Hà Bá đã báo lại cho thầy pháp rằng, muốn gắn được đê, thì phải hiến tế cho Long Vương một cặp vợ chồng nhà tơ trò (người làm nghề đào hát xưa), thì công việc mới hoàn.
Còn tiếp…
Thổn thức bộ ảnh cảm động về nghị lực của người Việt Nam Dưới góc nhìn của các nhiếp ảnh gia, nhiều bộ ảnh cảm động về cuộc sống khó khăn và nghị lực đặc biệt của người Việt Nam đã được truyền tải khắp thế giới, khiến hàng triệu người phải cảm động khi xem chúng. |