MC Kỳ Duyên cho con gái 5 000USD khi "bỏ ngang" việc học ở Mỹ để sang Hàn sống

12:30, Thứ ba 18/04/2017

( PHUNUTODAY ) - MC Kỳ Duyên khiến nhiều người bất ngờ với quyết định và cách day con của cô.

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, MC Kỳ Duyên đăng tải hình ảnh cô con gái lớn xinh đẹp có tên Maili. Kèm theo đó là "bức tâm thư" có tên "Giấc mơ của con" nhằm chia sẻ những điều ít biết con gái lớn cũng như dòng nhật ký ghi lại quan điểm và phương pháp dạy con của cô.

mc-ky-duyen 1

 MC Kỳ Duyên và con gái lớn

Cô viết: "GIẤC MƠ CỦA CON

Đối với tôi một đứa con sinh ra không phải đến "từ" mình mà nó là một linh hồn đã hiện hữu từ muôn kiếp trước chỉ bước vào đời "qua" mình. Vì vậy theo tôi nghĩ, bổn phận cao cả nhất của bậc làm cha mẹ là mình trở thành một công cụ hổ trợ, giúp cho con cái đạt được giấc mơ CỦA NÓ (KHÔNG PHẢI CỦA MÌNH) trong cuộc đời này.

Con gái lớn Maili của tôi học xong hai năm cơ bản ở đại học, xin tôi tạm nghỉ học để qua Hàn Quốc sống và làm việc bên đó một thời gian. Maili đam mê âm nhạc, phim ảnh, văn hoá, thức ăn...v.v nói chung là tất cả những gì thuộc về Korea. Chưa thấy Maili học nói tiếng Hàn ngày nào cả, bỗng một hôm vào chợ Đại Hàn gần nhà ở Cali, thấy em "xổ" tiếng Hàn với ông bán thịt như "Hàn con". Lúc đó tôi vẫn nghĩ em chỉ biết vài câu cho vui. Đến khi đưa em sang Hàn Quốc du lịch năm ngoái mới biết không những em nói tiếng Hàn sành sỏi mà còn viết được nữa! Đi đâu cũng làm thông dịch viên cho mẹ. Thì ra đã hơn 10 năm nay em tự học nói tiếng Hàn qua internet mà tôi không hề biết. Maili tự kết nối với một người bạn ở Hàn Quốc tên Mikyung. Thế là hai cô bạn trao đổi với nhau về ngôn ngữ, đứa học tiếng Hàn đứa học tiếng Mỹ. Hè năm ngoái Maili qua Korea ở lại với gia đình Mikyung cả tháng, và mùa đông vừa rồi Mikyung qua Cali ở với chúng tôi. Bây giờ Maili xin tôi qua Hàn Quốc sống...

mc-ky-duyen 2

 Chân dung con gái Maili xinh đẹp, giỏi giang của nữ MC

Tôi bằng lòng với quyết định CỦA CON. Thứ nhất, tôi nghĩ thông thường một đứa trẻ 19, 20 tuổi luôn sống với gia đình ở nhà chưa có khả năng xác định được nó thích làm việc gì. Và vì nó chưa biết, chúng ta thường định hướng (và lắm khi ép buộc, áp đặt) nó học một ngành nghề gì mà chúng ta cho là an toàn và bổ ích. Đôi khi may mắn đó là con đường đúng. Nhưng... cũng có quá nhiều người, trong đó có tôi, học xong rồi để bằng đóng bụi ở đó, không dùng đến. Hoặc tệ hơn, có những người đi quá nửa đời người mới biết mình đã chọn sai con đường. 18 tuổi lên đại học "học đại" một ngành. 22 xong đại học, bố mẹ nhồi tiếp lên cao học. Học xong ra nợ tiền học đầy đầu, phải " đi cày" gấp để trả nợ. Được vài năm, lập gia đình, mua xe, mua nhà, có con...lại phải " đi cày" nhiều hơn để lo cho gia đình, con cái. Rồi bỗng một hôm thức dậy ở lưng chừng tuổi 40, cảm thấy ngán ngẩm với cái công việc đang làm nhưng con còn nhỏ, nhà còn nợ (vì lỡ đổi nhà lớn hơn, đi xe tốt hơn...) nên đành bỏ lại những giấc mơ sau lưng và tiếp tục làm một công việc mình không thích.

Chuyện thật. Có lần một ông thợ điện người Mỹ tới nhà tôi, ông ta chừng độ 50 nhưng nhìn khá già hơn so với tuổi. Tóc bạc, với những vết nhăn nheo hằn in sâu trên khuôn mặt gầy guộc. Làm xong tôi mời ông ly nước và đứng bắt chuyện (người Bắc gọi là "buôn dưa lê" một từ tôi mới học được). Khi biết được tôi sắp đi Úc mắt ông sáng lên. Ông kể hồi trẻ ông thích chụp hình và muốn thành một nhiếp ảnh gia làm cho tạp chí lớn nào để được đi khắp thế giới chụp hình và Úc là một những nơi ông rất muốn đến. Nhưng gia đình khuyên ông học nghề điện, dễ kiếm việc hơn. Rồi khi ông mới lấy vợ, định đi tuần trăng mật bên Úc nhưng rồi khám phá ra vợ có bầu nên đành hoãn lại. Tôi hỏi tự nhiên "Chờ vợ sinh rồi mới đi à?" Ông lắc đầu. "Vậy đến lúc nào ông mới đi?" Ông nhăn mặt nét ủ rủ buồn "Chưa đi...tôi chưa bao giờ đặt chân đến nước Úc." Đến phiên tôi ngạc nhiên, vì đi Úc chẳng khó khăn gì nhất là với công dân Mỹ "Ủa...tại sao vậy?" Ông trầm ngâm nhìn xa xăm rồi nhún vai khẽ nói "Tôi cũng không biết nữa, chúng tôi lấy nhau, có bốn đứa con, đến khi tụi nó lớn lên thì..." Ông thở dài tiếp "Chớp mắt một cái đã đi qua nửa đời người." Tôi nhớ mãi ánh mắt nhăn nheo mệt mỏi đong đầy nuối tiếc của ông.

Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy sự nuối tiếc đó hiện hữu trong mắt của con tôi. Thay vì bắt buộc con phải chọn ngay một ngành nào khi mới lên đại học, tôi muốn con học hai năm căn bản rồi cứ ra đời khắm phá, học tiếp ở trường đời. Cứ đi làm các thứ việc, không thích việc này thì đổi việc khác. Hãy ngao du, hãy thử thách, trải nghiệm và tìm tòi cho đến khi nào tìm được một công việc mà không cần trả tiền mình vẫn thích làm. Đó là công việc mình thật sự đam mê. Sau khi đã xác định mình thích cái gì rồi lúc đó hãy trở lại học tiếp để đầu tư nâng cao chuyên môn. Vì cuộc sống rất ngắn ngủi mà công việc mình làm chiếm tới 1/3 cuộc đời, nên phải chọn cái gì mình thật sự yêu thích.

mc-ky-duyen 3

 Dù còn nhỏ tuổi nhưng Maili khá tự lập và chững trạc

Lý do thứ hai tôi bằng lòng cho Maili sang Hàn Quốc vì đó là giấc mơ CỦA CON: Được sống và đi làm ở bên Hàn quốc. Có lần em nói với tôi "Con là người Việt nhưng bên trong con cảm thấy con là người Korea." Tôi nhìn em và nghĩ "Bên ngoài cũng càng ngày càng giống người Hàn chứ nói gì bên trong..."

Thế là Maili lên đường đi Korea. Em sẽ ở nhà của Mikyung trong thời gian đầu và ráng kiếm việc làm. Hành trang mang theo là hai cái valise, $5000 USD và một giấc mơ to lớn. Tôi có thể cho em thêm nhưng tôi muốn em phải cố gắn tự lập. Không được thì bao giờ cũng có tổ ấm để em quay về. Ngày em đi tôi bùi ngùi tự nhủ khi con cái đứng vững và không cần mình nữa có nghĩa là mình đã hoàn thành trách nhiệm của cha mẹ.

Cô chị vừa đi Korea thì cô em Yênli đi học về báo "Con mới được nhận vào trường đại học bên Anh, năm sau con muốn sang London học..." Haizzzz... quả nhiên là con của Mẹ Duyên cả hai chị em đều có "chân bay", chẳng ai muốn ở nhà cả.

(Mỗi chúng ta đều có phương pháp dạy con cái riêng, cách dạy con của tôi không hẳn sẽ đúng đối với bạn hoặc với con của bạn. Vậy, hãy chia sẽ nhé.!!!)".

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: jinu