Mẹo giúp bạn loại bỏ độc tố trong măng cực đơn giản

( PHUNUTODAY ) - Bạn có thể loại bỏ độc tố trong măng mà không cần phải cầu kỳ chút nào đâu nhé!

Lợi ích dinh dưỡng của măng tươi

mang-tuoi-phunutoday.vn

Bạn cần chú ý khử độc măng để không gây hại cho cơ thể.

Lợi ích của măng thì không ai có thể phủ nhận được. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, măng vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn, thường được dùng để làm thức ăn và làm thuốc cho những người bị cảm mạo, phù thũng do viêm thận, sởi và thủy đậu ở trẻ em, sốt cao, ăn uống chậm tiêu, tiểu tiện bất lợi, đại tiện không thông... Măng khá giàu các loại Vitamin như A, B1, B2, C…

Do bản thân có chứa hàm lượng chất xơ cao, măng là loại thực phẩm có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột, trợ giúp tiêu hóa. Chúng cũng là thực phẩm giúp phòng chống hiệu quả tình trạng béo phì, vữa xơ động mạch, cao huyết áp, bệnh táo bón, bệnh ung thư đại tràng và ung thư vú.

Ngoài ra, với hàm lượng magie và đường khá phong phú có trong măng nên chúng khả năng nhất định trong việc phòng chống ung thư.

Bên cạnh một số thành phần có lợi cho sức khỏe thì măng cũng chứa nhiều chất độc hại. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, bên cạnh một số thành phần có lợi cho sức khỏe thì măng cũng chứa nhiều chất độc hại.

Trao đổi về các thành phần có măng tươi, BS. Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng Tp.HCM cho biết: Trong măng có chứa những độc tố mà ít người biết tới, tên gọi là glucozit. Khi gặp men tiêu hóa trong dạ dày, glucozit bị thủy phân và giải phóng axit xyanhydric.

Ở người lớn, chỉ cần ăn phải 20mg axit xyanhydric đã có thể bị ngộ độc. Những người bị ngộ độc do măng gây ra thường có triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn hô hấp, khó thở…

Mẹo loại bỏ độc tố trong măng

mang-tuoi-phunutoday.vn-1

Ngâm măng bằng nước sạch qua đêm để loại bỏ độc tố.

Bóc hết bẹ lá (vỏ măng), rửa sạch đất cát rồi có thể cắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm cho bớt độc rồi rửa lại trước khi chế biến thành các món ăn.

Măng tươi hái về bóc vỏ, bỏ vào nồi nước luộc. Luộc đi luộc lại khoảng 2-3 lần. Sau đó mang ra ngâm nước gạo trong vòng 2 ngày là ăn được (thay nước gạo thường xuyên, 2 lần/ngày). Hoặc luộc nhiều lần qua nước sôi rồi xả lại bằng nước sạch. Đến khi nào măng mềm nghĩa là chất đắng đã được loại bỏ, lúc đó mới đem chế biến món ăn.

Bóc vỏ, cắt thành từng lát nhỏ, bỏ thêm nắm lá rau ngót rồi cho vào nồi luộc qua một lần. Khi măng đã chín, chắt hết nước nóng đi, rồi đổ nước lạnh vào, vớt bỏ lá rau ngót và xả lại với nước lạnh một lần nữa là có thể đem chế biến món ăn.

Măng tươi để cả vỏ rồi xếp gọn vào trong nồi, cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt, cho nước gạo vào ngập gần hết măng. Đun lửa vừa, khi thử thấy măng mềm thì tắt lửa. Chờ măng nguội, vớt ra lột vỏ, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch, măng sẽ không còn vị đắng và có thể đem chế biến món ăn.

Nhận biết măng ngâm hóa chất

Để phân biệt măng tươi tự nhiên và măng ngâm hóa chất, mọi người có thể dựa vào cảm quan. Theo đó măng tươi tự nhiên thường có màu vàng tươi nhạt, có thể hơi thâm đen do ngâm muối, còn măng ngâm hóa chất màu trắng nhợt nhạt hoặc màu vàng đậm do được ngâm bột vàng. Khi chọn măng, nếu ngửi thấy mùi hóa chất như mùi lưu huỳnh sẽ khét đặc trưng của diêm sinh SO2 hoặc măng không có mùi tự nhiên thì không nên mua.

Tốt nhất người tiêu dùng nên mua măng của các công ty có thương hiệu, sản phẩm bán tại các siêu thị vì nhà sản xuất phải cung cấp được các giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho sản phẩm. Nếu sản phẩm có sự cố người tiêu dùng có thể khiếu nại, đòi bồi thường thiệt hại.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn