Mỹ nhân này chính là Lâu Chiêu Quân (501 – 562), là hoàng thái hậu của triều đại Bắc Tề, vợ của Cao Hoan, thượng trụ quốc nhà Đông Ngụy, Thần Vũ Hoàng đế của Bắc Tề. Lâu Chiêu Quân xuất thân trong một gia đình thương buôn giàu có. Cha bà là Lâu Can, từng giữ một chức quan nhỏ ở trong triều đình Bắc Ngụy.
Mỹ nhân tự chọn chồng, không ngờ thay đổi lịch sử
Theo sử sách đánh giá, Lâu Chiêu Quân là mỹ nhân có dung mạo xinh đẹp, từng được nhiều công tử quý tộc đương thời dâng sính lễ hỏi cưới nhưng bà không ưng ai cả.
Trong một lần đi dạo, Lâu Chiêu Quân tình cờ nhìn thấy Thần Vũ Hoàng đế Cao Hoan, khi ấy chỉ là một người lính giữ cổng ở Bình Thành (kinh đô cũ của Bắc Ngụy). Ngay khi vừa gặp mặt, nhận thấy tướng mạo khôi ngô, thần thái bất phàm, phong thái hiên ngang, Lâu Chiêu Quân liền cảm mến và cho rằng anh lính giữ cổng thành này chính là người xứng đáng để kết hôn.
Sau lần gặp gỡ đó, Lâu Chiêu Quân đã chủ động bày tỏ tấm chân tình của mình với Cao Hoan. Bà còn bí mật phái tì nữ nhiều lần tặng vàng bạc, quà cáp để Cao Hoan mang đến nhà mình làm lễ vật hỏi cưới. Ban đầu, cha mẹ của bà không hài lòng nhưng sau cũng phải bất đắc dĩ chấp nhận hôn sự này vì con gái một lòng đã quyết.
Câu chuyện truyền kỳ về việc Lâu Chiêu Quân tự chọn chồng luôn được hậu thế nhiều lần nhắc đến. Đặc biệt, đối với quan niệm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" thời phong kiến thì câu chuyện trên quả là kỳ lạ. Điều này càng chứng tỏ Lâu Chiêu Quân không phải là một mỹ nhân tầm thường. Cuộc đời của Cao Quan kể từ đây cũng thay đổi lớn và người vợ Lâu Chiêu Quân của ông chính là quý nhân.
Sau khi kết hôn, Lâu Chiêu Quân và Cao Hoan có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Mỹ nhân này đã giao tất cả tài sản của gia đình cho Cao Hoan để ông bắt đầu gây dựng sự nghiệp, đồng thời kết giao với các anh hùng, hào kiệt khắp nơi.
Vào năm 525, khi loạn Lục trấn bùng phát, Cao Hoan chính thức theo đuổi con đường binh nghiệp khi theo phò tá Đỗ Lạc Chu. Sau khi Đỗ Lạc Chu bị giết, ông theo Cát Vinh. Đến năm 528, nhờ có bạn cũ tiến cử, Cao Hoan bỏ Cát Vinh và về phò tá Nhĩ Chu Vinh (493 – 530), một quyền thần nhà Bắc Ngụy thời Nam Bắc triều.
Vào năm 532, sau khi liên tiếp lập được nhiều chiến công và thế lực đã phát triển đủ mạnh, Cao Hoan tiêu diệt gia tộc Nhĩ Chu, đồng thời phế cả 2 Phế đế, lập Bình Dương vương Nguyên Tu, tức Hiếu Vũ Đế. Sau đó, Hiếu Vũ Đế đã phong ông làm Thượng trụ quốc, Bột Hải vương trong triều đình. Lâu Chiêu Quân nhờ đó cũng được phong làm vương phi.
Lâu Chiêu Quân tuy xuất thân trong gia đình giàu có, nhưng là người luôn tiết kiệm, dịu dàng. Mặc dù là vương phi nhưng bà không bà lại có tính tình nhân ái, không hề đố kỵ với các vị phu nhân khác được Cao Hoan sủng ái, ngược lại còn đối xử tốt với họ. Điều này không những khiến những người thiếp mà ngay cả Cao Hoan cũng phải nể phục.
Hơn nữa, Lâu Chiêu Quân còn là một mỹ nhân khôn khéo, chu toàn việc nhà để chồng yên tâm gây dựng sự nghiệp. Vào năm 535, khi Bắc Ngụy phân liệt thành Đông Ngụy và Tây Ngụy, Cao Hoan bận việc chinh chiến ở phía tây nên ít khi về kinh.
Lúc bấy giờ Lâu Chiêu Quân lại đang mang thai. Trong một đêm, bà sinh khó khi sinh đôi một nam một nữ và bị đau nặng. Nhận thấy tình hình nguy cấp nên nhiều thuộc hạ muốn báo với Cao Hoan. Tuy nhiên, Lâu Chiêu Quân khi đó không đồng ý và nói rằng Cao Hoan còn nhiều việc ở bên ngoài nên không thể làm phiền. Sau khi biết chuyện đó, Cao Hoan lại càng tỏ ý khâm phục người vợ tào khang này.
Đặc biệt, không chỉ là người phụ nữ tài trí, đảm đang, Lâu Chiêu Quân còn là mỹ nhân biết đặt đại cục lên hàng đầu và chấp nhận hy sinh hết mình cho sự nghiệp của chồng. Vào năm 545, do muốn phá vỡ liên hiệp giữa Tây Ngụy và Nhu Nhiên nên Cao Hoan dự định muốn lấy công chúa Nhu Nhiên làm vợ. Tuy nhiên, ông vẫn còn do dự chưa quyết.
Mỹ nhân số hưởng nhất thiên hạ: Sinh con toàn làm hoàng đế, hoàng hậu
Năm 547, sau khi Cao Hoan qua đời, người con trưởng là Cao Trừng được kế thừa tước vương, tôn bà làm Bột Hải Vương Thái phi. Đến năm 549, sau khi Cao Trừng bị giết chết, người con thứ của bà là Cao Dương lên kế vị. Sang năm 550, Cao Dương đã cướp ngôi Bắc Ngụy và lập ra Bắc Tề, trở thành hoàng đế khai quốc của triều đại này, sử gọi là Bắc Tề Văn Tuyên Đế. Lâu Chiêu Quân được Văn Tuyên Đế tôn làm Hoàng Thái hậu, Cao Hoan được truy tôn là Thần Vũ Đế, còn Cao Trừng được truy tôn là Văn Tương Đế.
Ban đầu, Văn Tuyên Đế Cao Dương chăm lo việc nước, thực hiện nhiều cải cách. Tuy nhiên, thời kỳ trị vì sau đó, vị hoàng đế này lại mải mê uống rượu rất nhiều, sống phóng đãng và thực hiện các hành vi cuồng bạo theo ý muốn nhất thời. Kết quả, đến năm 559, Văn Tuyên Đế lâm trọng bệnh và qua đời chỉ khi mới 33 tuổi. Nhiều sử gia tin rằng, căn bệnh của ông bắt nguồn từ chứng nghiện rượu.
Cao Ân, con trai cả của Cao Dương đã lên kế vị, và có Thượng thư Dương Âm phụ chính. Tuy nhiên, do còn nhỏ tuổi và tính tình xốc nổi nên khiến nội bộ triều chính nảy sinh mâu thuẫn gay gắt, dẫn tới binh biến. Vì vậy, đến mùa thu năm 560, các đại thần đã phò tá Cao Diễn lên ngôi hoàng đế, tức Bắc Tề Hiếu Chiêu Đế. Ông được sử sách đánh giá là một vị hoàng đế có tài khi có nhiều chính sách giúp nhiều lĩnh vực phát triển, đặc biệt là đời sống của người dân được cải thiện. Tuy nhiên, ông cũng chỉ cai trị đất nước dưới 2 năm và qua đời vì các vết thương sau khi bị ngã ngựa.
Trước khi qua đời, cho rằng con trai cả là Cao Bách Niên còn quá nhỏ để kế vị nên Hiếu Chiêu Đế đã ban một thánh chỉ giao cho Cao Trạm là người kế vị. Cao Trạm sau đó lên ngôi hoàng đế, tức Bắc Tề Vũ Thành Đế.
Tuy nhiên, khác với những người anh của mình, trong suốt thời gian trị vì, Vũ Thành Đế dành phần lớn thời gian để tiệc tùng, ham mê tửu sắc, bỏ bê chính sự khiến cho hệ thống chính trị của Bắc Tề nhanh chóng bị suy yếu. Vũ Thành Đế lâm bệnh nặng và qua đời vào năm 569. Triều đại Bắc Tề từ đó càng thêm hủ bại và cuối cùng sụp đổ vào năm 577.
Ngoài 4 trong 6 người con trai làm hoàng đế, Lâu Chiêu Quân và Cao Hoan còn có 2 con gái đều làm hoàng hậu. Một người là Vĩnh Hi hoàng hậu của hoàng đế Bắc Ngụy Nguyên Tu. Người còn lại là Thái Nguyên công chúa và sau khi lớn lên trở thành hoàng hậu của Đông Ngụy Hiếu Tĩnh Đế.
Như vậy, có thể thấy rằng thật hiếm có mỹ nhân nào có số hưởng bậc nhất thiên hạ như Lâu Chiêu Quân khi sinh 8 người con thì 4 con trai là hoàng đế, 2 con gái là hoàng hậu. Bà từng sát cánh cùng chồng trong quá trình gây dựng sự nghiệp, tận mắt chứng kiến vương triều Bắc Tề quật khởi, trở thành nữ nhân có địa vị cao quý nhất trong thiên hạ.
Tuy nhiên, sau này, bà lại từng bước nhìn thấy những đứa con của mình ra đi khi tuổi đời còn trẻ và vương triều suy yếu mà không có cách nào cứu vãn. Đây có lẽ là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời truyền kỳ của vị thái hậu này.