Năm ngọ khám phá những thú vị của loài ngựa

18:41, Chủ nhật 02/02/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Một con ngựa có trí nhớ về con người và các địa điểm khá tốt khiến chúng được cảnh sát tin dùng khi đi tuần tra, trong khi hành động ngựa cười lại ẩn chứa một bí mật khác mà mọi người ít biết.

1. Ngựa nhỏ như... mèo

Hơn 50 triệu năm trước, nhiệt độ trên trái đất cao hơn bây giờ, và những con ngựa chỉ nhỏ bằng mèo có rất nhiều trong những khu rừng ở Bắc Mỹ.

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Florida và Nebraska (Mỹ) dựa trên phân tích các mẫu răng ngựa hóa thạch được tìm thấy ở bang phía Tây Wyoming đã khám phá ra: 56 triệu năm trước, nhiệt độ Trái đất cao hơn bây giờ và khi đó, những chú ngựa Sifrhippus chỉ có kích thước nhỏ bằng những chú mèo.

Mô tả ảnh.
Ngựa ngày càng nhỏ đi để thích nghi với khí hậu ngày càng nóng.

Theo các nhà khoa học, do núi lửa phun trào, khí metan thải ra nhiều khiến nhiệt độ môi trường tăng cao. Các loài động vật có vú, đặc biệt là ngựa Sifrhippus sẽ nhỏ đi để thích nghi được với môi trường có nền nhiệt cao và tồn tại trong điều kiện các nguồn thức ăn chỉ có giới hạn này. Do vậy, trọng lượng của ngựa Sifrhippus giảm xuống tới mức tối đa, chỉ nặng khoảng 7kg - tương đương trọng lượng của một chú mèo.

Nghiên cứu này có thể liên quan đến cơ chế tiến hóa động vật ngày nay, bởi nhiệt độ Trái đất đang ngày một tăng do biến đổi khí hậu và lượng carbon thải ra ngày càng nhiều. Và tất nhiên, khi nhiệt độ tăng lên, các nhà khoa học sẽ đặt giả thiết về chuyện "lịch sử lặp lại", khiến loài ngựa nhỏ như mèo.

2. Ngựa hoang gần như đã tuyệt chủng

Loài ngựa có thể được coi là rất quen thuộc với chúng ta. Tuyệt chủng ư??? Điều này nghe có vẻ thật phi lý nhưng chính xác là giờ chúng ta chỉ còn phần lớn là ngựa thuần dưỡng để nuôi. Loài ngựa có nhiều các phân loài và một số loài ngựa như ngựa Tarpan đã đi dần đến bước tuyệt chủng. Chú ngựa Tarpan cuối cùng trên thế giới đã qua đời trong một cuộc đua ở Ukraina năm 1876. Nhiều giống ngựa hoang dã khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhìn chung, hầu hết ngựa trên thế giới bây giờ đều là ngựa đã thuần chủng và sống trong điều kiện nuôi nhốt.

Qua hàng ngàn năm, những mất mát về giống loài này còn diễn ra ở nhiều loài khác. Những tác động của môi trường cũng chiếm ảnh hưởng nhưng lý do chính vẫn là do cách con người đối xử với tự nhiên. Trong trường hợp của ngựa Tarpan, nguyên nhân chính khiến loài này tuyệt chủng chính là thói quen phá rừng lấy gỗ làm nhà ở và nông dân giết hại vì chúng hay phá hoại mùa màng.

3. Ngựa cười

Khi cuộn môi trên và nhe răng, một con ngựa trông như đang cười. Tuy nhiên, trên thực tế, hành động này lại là một kỹ thuật đặc biệt khi ngựa thể hiện một phản ứng gọi là flehmen nếu sẵn sàng giao phối. Hành động này giúp chúng phát tán mùi hương trong không khí và xác định mùi. Phản ứng này phổ biến ở ngựa đực hơn so với ngựa cái. Tương tự như hươu cao cổ, ngựa giống thường xác định mùi vị nước tiểu trước khi giao phối.

Mô tả ảnh.
"Ngựa cười" là một kỹ thuật đặc biệt

2. Trí nhớ của ngựa

Một nghiên cứu năm 2010 tiết lộ kết quả đáng ngạc nhiên về trí thông minh của ngựa, đặc biệt là khả năng ghi nhớ. Không chỉ hiểu được lời nói, ngựa còn có khả năng nhớ rất lâu. Nếu một con ngựa được chăm sóc và đối xử tốt, nó sẽ nhớ người chăm sóc cho đến lúc chết. Đặc biệt, con ngựa sẽ ngay lập tức nhớ ra người đã chăm sóc nếu nhìn thấy họ, dù không được gặp trong thời gian dài. Chúng cũng có thể nhớ được các địa điểm khá tốt.

3. Ngựa cảnh sát

Ngựa cảnh sát được sử dụng từ thế kỷ 17 và đội cảnh sát ngồi trên ngựa đầu tiên được thành lập vào năm 1805 ở London, Anh. Trong nhiều năm, đội này đã được chứng minh là hoạt động có hiệu quả. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu về trí thông minh và trí nhớ của loài ngựa. Hiện nay, số lượng ngựa cảnh sát ngày càng ít dần do sự phát triển lấn át của hoạt động tuần tra bằng xe máy cảnh sát và các phương tiện hiện đại khác. Ở nhiều quốc gia, các đội cảnh sát này vẫn hoạt động với mục đích kiểm soát các đám đông.

Mô tả ảnh.
Ngựa cảnh sát

4. Các con lai với ngựa

Các nhà nghiên cứu từng tạo ra các con lai giữa ngựa vằn, lừa và ngựa. Con lai giữa lừa đực và ngựa cái gọi là la, con lai của ngựa vằn và ngựa thường được gọi là zorse hoặc hebra.

5. Mắt ngựa

Ngựa có thị lực khá tốt nhờ vào đôi mắt có cấu tạo đặc biệt. Đôi mắt ngựa có đường kính khoảng 5 cm, lớn nhất trong các loài động vật có vú sống trên cạn. Mắt chúng cũng nặng hơn gấp 9 lần so với mắt người. Mắt ngựa có 3 mí, hai mí bình thường và một mí thứ ba là một màng chớp nằm ở góc bên trong của mắt. Ngựa không thể tập trung mắt nhìn như người. Thay vào đó, phần dưới của võng mạc sẽ quan sát vật thể ở xa, phần trên võng mạc sẽ dùng để quan sát ở cự ly gần.

6. Giống ngựa lâu đời nhất thế giới

Ngựa Arab được biết đến lần đầu tiên từ cách đây ít nhất 4.500 năm và được coi là một trong những giống ngựa lâu đời nhất trên thế giới. Chúng được coi là giống ngựa có vẻ đẹp mạnh mẽ và oai phong nhất. Ngựa Arab có thân hình rắn chắc, đuôi cao và phần đầu có hình dạng khá độc đáo. Cấu trúc xương của giống ngựa này cũng hơi khác biệt so với các giống ngựa khác. Xương sườn của chúng rộng hơn, khỏe hơn và sâu hơn, nhưng lại có ít đốt sống đuôi và xương thắt lưng hơn. Giống ngựa này có thể chạy liền mạch 160 km mà không cần nghỉ.

7. Ngựa và thể thao

Ngày nay, ngựa được nuôi để phục vụ cho các cuộc thi và hoạt động thể thao, giải trí... Việc nuôi ngựa đang dần trở thành một hoạt động kinh doanh lớn ở nhiều nước trên thế giới. Riêng ở Mỹ, khoảng 4,6 triệu người đang làm các công việc kinh doanh có liên quan đến ngựa với số lượng ngựa lên đến 9 triệu con. Ngành công nghiệp ngựa ở quốc gia này ước tính đạt 39 tỷ USD mỗi năm.

8. Món ăn từ ngựa

Mô tả ảnh.
Thịt ngựa

Thịt ngựa được coi là một món ăn thông dụng ở nhiều nước trên thế giới. Người Pháp không chỉ ăn thịt ngựa, mà còn ăn óc và tim ngựa. Trên thực tế, thịt ngựa đã trở thành món ăn của con người kể từ khi chúng xuất hiện. Trong chiến tranh, thịt ngựa là món ăn cung cấp nhiều protein mà lại có giá thành rẻ. Ngày nay, thịt ngựa được ưa chuộng vì có mùi vị đặc biệt.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông