Năm Tỵ và câu chuyện "thần thánh"

07:03, Thứ tư 05/02/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Năm Tỵ xuất hiện những câu chuyện "thần thánh", ly kỳ được người dân đồn thổi gây tâm lý hoang mang.

Rùa bò vào cổng thành… “rùa thần” ở Nghệ An

Đó là trường hợp ở gia đình bà Thái Thị Năm xã Liên Thành, Yên Thành, Nghệ An. Đêm 21/9, bà đang ngủ thì nghe tiếng chó cắn. Đi ra cổng, người phụ nữ đơn thân gặp con rùa lớn đang… nhìn mình.

rùa thần, nghệ an

Con rùa được đưa vào nhà và thành… “thần rùa” ngay hôm sau. Có hàng trăm người ở trong thôn, trong xã kéo đến nhà bà Năm để tận mắt chiêm ngưỡng rùa lạ kì bí. Con rùa nặng hơn chục kg, trông không có gì đặc biệt. Thế nhưng, chủ nhân của “rùa thần” khẳng định có người tới chơi, trả giá 60 – 90 triệu đồng nhưng bà không bán. Lực lượng kiểm lâm địa phương vận động bà Năm trả rùa về tự nhiên cũng bị khước từ vì chủ nhà để nuôi. “Đó là tài sản của cả làng”, bà Năm lý giải.

Rùa, một loài vật thuộc hàng tứ linh, bỗng dưng xuất hiện được người dân tôn sùng có thể dễ hiểu. Tuy nhiên, nhiều con vật rất bình thường như rắn, cá cũng được phong thần thì có lẽ chỉ ở nước ta mới có.

“Cá thần” ở Thanh Hóa

Suối cá thần ở Thanh Hóa nổi tiếng từ nhiều năm nay. Tới nay, đã có 3 suối cá nằm trên địa bàn huyện Bá Thước, huyện Cẩm Thủy của tỉnh Thanh Hóa. Sự xuất hiện của các suối đã tạo nên những điểm du lịch “gây sốt” cho du khách.

cá thần thanh hóa, cá thần

Sở dĩ các suối cá “đông như kiến”, vờn chân du khách là do người dân địa phương coi cá là cá thần, không ai đánh bắt. Họ đồn thổi và cho rằng đó là cá thần, không thể ăn thịt.

Cách đây không lâu, suối “cá thần” thứ 2 ở Thanh Hóa được phát hiện nằm tại khu vực núi Đóng, thuộc địa phận Thôn Dùng, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thuỷ có tên gọi là suối cá Mó Đóng. Loài cá ở suối "cá thần" Mó Đóng có tên gọi là cá dốc, thân cá giống y như cá trắm, vây đỏ, má đỏ, ăn tạp và nặng tới 6 - 7kg, con nhỏ thì cũng 300 gram.

Nhiều chuyên gia khẳng định, “cá thần” suối thuộc huyện Bá Thước là giống cá “bỗng” hay “dốc”, thường sống nhiều ở các sông Lô, sông Mã. Loài cá này ở Hà Giang người dân nuôi để… ăn thịt bình thường.

Hay thời gian gần đây, người dân Kinh Bắc lại xôn xao về 3 “ông cá thần” ở giếng Ngọc, làng Diềm, (xã Hòa Long, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Giếng Ngọc này nằm trong khuôn viên đền Cùng nổi tiếng nước trong xanh, ăn ngon. Trong giếng, có 3 “ông cá” màu sắc khác nhau mà người dân ở đây suy tôn cá thần. Họ cho rằng 3 chú cá này có tuổi thọ… khoảng 1000 năm. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, 3 “ông cá thần” trong giếng Ngọc giống như cá chép, không có gì đặc biệt.

"Cá thần" ăn xác người ở Hà Giang

Một hang động nằm trên con đường độc đạo Ma Lì Sán của xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang lâu nay vẫn được người dân truyền miệng, kể với nhau những câu chuyện đầy bí ẩn, ly kỳ.

cá thần hà giang, cá thần

Theo người dân tộc Mông nơi đây thì hang động này được gọi là "Trung Kháo Tù" dịch ra có nghĩa là "Đồi hang trời".

Theo ông Lù Quang Lìn, 93 tuổi, là một người dân gắn bó với mảnh đất này kể lại rằng, mấy chục năm trước đây con đường độc đạo Ma Lì Sán là con đường nhỏ và rất khó đi vì địa hình hiểm trở. Nhất là vào những ngày có mưa, ít có ai dám qua lại trên con đường Ma Lì Sán. Chỉ duy nhất có những tốp người buôn ma túy từ Trung Quốc vào địa bàn của huyện Xín Mần là vẫn lầm lũi đi lại trên con đường ấy. "Đồi hang trời" nằm lưng lửng giữa đoạn đường hiểm trở nhất. Nó là một miệng hang rộng và sâu, trước đây miệng hang há ra to như là miệng con quái vật đang đói chờ những người xấu số rơi xuống vậy.

Người dân vì không biết nó nông sâu như thế nào, đã có lần cầm vỏ trấu thả xuống dưới đó. Sau một vài ngày, người dân thấy những vỏ trấu này xuất hiện ở phía cuối thượng nguồn, nơi đây có những con cá to vài cân bơi lội và ngày càng sinh sôi thêm nhiều. Cá to là thế, nhưng không có bất kỳ một người dân nào dám bắt mang về ăn hay làm điều gì phạm thượng tới đàn cá ấy cả. Bởi theo như người dân nơi này thì đàn cá đó là đàn cá thần, hễ ai có ý định bắt cá về ăn sẽ phát điên, hóa dại không thuốc nào có thể chữa trị khỏi?

Những người già trong bản thường kháo với nhau rằng, tại "Đồi hang trời" đã có rất nhiều sinh mạng con người bị "nuốt" gọn. Xác của những con người đó cũng chính là thức ăn cho đàn cá thần nên chúng mới béo tốt như thế. Hàng đêm, tiếng gió lùa vào miệng hang rồi đập vào những phiến đá nhấp nhô tạo ra những tiếng hú nghe kỳ quái và rợn người. Người ta bảo, đó là tiếng kêu than của những âm hồn mắc lại trong hang tối?...

Xung quanh những câu chuyện về "Đồi hang trời", người dân tộc Mông nơi này cho biết, đầu nguồn tức là miệng hang tuy có nhiều đất làm nước đục ngầu. Nhưng phía cuối hang thì nước trong veo, trong vắt đến lạ thường. Đàn cá con nào con nấy to như con lợn và da bóng láng. Tuy nhiên, không một người nào dám đánh bắt đàn cá vì bất kỳ mục đích gì. Khi đi qua miệng hang này, ai ai cũng run sợ, ít có người dám dừng lại mà ngó vào miệng hang, họ sợ sẽ bị thần hang "nuốt" vào đó, mang về một thế giới khác.

Tuy nhiên, cũng theo những người dân ở đây, hiện hang đã được lấp và không còn ai chết ở đó nữa.

Xôn xao tin đồn người chết nhập vào "chim thần" tại Hòa Bình

Câu chuyện bắt đầu bằng đám tang của một cụ bà xấu số ở xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn - Hoà Bình). Ở các vùng quê, mỗi khi có tang ma, những thanh niên trong làng thường đảm nhiệm việc đào huyệt mộ cho người quá cố. Hôm ấy, là đám tang của cụ bà tên Đạo ở cùng xã nên một số anh em vào rừng đào huyệt.

chim thần hòa bình, chim thần

Công việc đào huyệt khá vất vả và quan trọng nên gia chủ luôn chuẩn bị chu đáo rượu thịt để phục vụ những người này. Gần trưa hôm ấy, nhóm đào huyệt gồm có các anh Thắng, Hùng, Quang, Lâm và một số người khác chuẩn bị tạm nghỉ để ăn trưa thì thấy một con chim lạ xuất hiện cạnh huyệt mộ người quá cố. Cứ nghĩ là một chú chim bình thường đỗ vào nên anh Quang nhặt lấy viên đá cuội ném nhằm xua đuổi chim ra khỏi khu vực huyệt mộ.

Thế nhưng, khi ném viên đá sát chỗ đậu nhưng chú chim không phản ứng gì, vẫn đỗ nguyên tại chỗ. Thấy lạ, một số người khác bảo đừng ném nữa mà phải tội.

Lúc ấy ai nấy đều thấy rùng mình. Anh Thắng là người gan dạ nhất nhóm vội hướng về con chim lạ và nói "có phải anh L. (tên con trai bà Đạo) không thì xuống đây uống rượu với chúng tôi?", anh Thắng vừa nói dứt lời thì con chim sà xuống đậu vào mâm khiến những người có mặt đều kinh hãi.

Tiếp đó, "chim thần" được mời dùng rượu thì lập tức cúi đầu uống liên tiếp mấy lần vào bát rượu đã rót sẵn. Chưa dừng lại ở đó, khi được "mời" xơi thịt, chim lạ không ngần ngại mổ vào đĩa thịt lợn để cạnh bát rượu. Đến lúc đấy, từ sự ngạc nhiên ai nấy đều kinh hãi và tin đó là hồn ma con trai bà Đạo hiện về trong ngày đại tang của bà. Sau khi thể hiện khoảng nửa tiếng đồng hồ, "chim thần" đột nhiên bay về hướng nhà, nơi đám tang của bà Đạo đang được con cháu tổ chức.

Sau sự việc này, tin đồn về hồn ma nhập vào "chim thần" càng rộ hơn, cả làng quê nghèo xôn xao, sợ hãi.

"Thần xà" xuất hiện khắp nơi

Khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam như Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, An Giang… đều xuất hiện “rắn thần”. Người dân thấy một con rắn lạ ở đâu là tôn ngay thành thần thánh rồi mang lễ vật tới cúng bái.

Đầu năm Tỵ, dân làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội xôn xao tin đồn “thần xà” nhập vào người dân. Họ tin vào chuyện “nhập thần” tới mức tổ chức cúng trứng sống, bê con rất linh đình.

bê con, thần xà, cúng tế

Dư luận, giới nghiên cứu đang lý giải hiện tượng “thần xà” ở Hà Đông thì khoảng tháng 4/2013, tin đồn về việc rắn thần xuất hiện tại thôn Tân Sơn, Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang khiến người dân ở đây xáo trộn cuộc sống. Một con rắn màu vàng xuất hiện, dâng làng lập bàn thờ. Khoảng 10 ngày sau, con rắn chết, họ còn dành hẳn 1 khu để thờ cúng.

Vì quá mê tín, một số người ở Tân Sơn, Bắc Giang đã tự tôn con rắn lạ thành “thần” và kéo theo hàng loạt xáo trộn, thậm chí là mất trật tự trị an ở địa phương. Nhiều người vượt 50 – 70km tới để tận mắt xem rắn thần. Tuy nhiên, khi tới nơi, con rắn đã lăn ra chết. Họ quay về với giọng tiếc rẻ “rắn thần phải trường thọ chứ sao mấy ngày đã chết, đúng là nhảm”.

thần xà, mê tín

Rất nhiều người dân và khách thập phương nghe tin đồn đến xem rắn đều khẳng định đó là rắn nước, không có gì đặc biệt.

Hay như “cặp vợ chồng rắn thần” xuất hiện ở Nam Định hồi tháng 4/2013. Gia đình ông Vũ Văn Châm (SN 1960), xóm Phố, xã Trung thành, Vụ Bản, Nam Định thấy đôi rắn ở cây đa. Sự việc thu hút rất đông người dân đến khấn vái, tạ lễ. Họ còn tự xưng hai con rắn lạ này là “vợ chồng”. Theo người dân, cứ mỗi buổi trưa, hai con rắn lạ trên lại lên ngọn cây đa cổ thụ trong ngôi miếu thờ Đức Khổng Tử (phía sau nhà ông Châm) để hóng mát.

Mới đây nhất vào koảng 10h sáng ngày 28.1.2014, chị T.T.Hương (con dâu ông Đỗ Lai Quốc Hải), trú tại xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội đã trông thấy một con vật lạ kì tại tầng 2 gian chứa đồ của gia đình.

thần xà. mê tín

Ông Hải dễ dàng bắt được con "rắn thần" xuất hiện trong nhà.

Sau đó, ông Hải đã thả con rắn ra cánh đồng gần làng và làm lễ cúng bái vì theo thông tin mà họ cập nhật trên internet thì biết đây là loại rắn thần mang tên là rắn voi, không cắn người. Rắn voi sống tại một số khu rừng trên núi cao tại Việt. Người ta còn cho rằng loài rắn này chỉ sống ở trong đền miếu có vai trò canh gác và thờ phụng.

Sự xuất hiện của con rắn thần bí tại ngôi nhà của ông Hải đã đưa mọi người đến với nhiều câu chuyện đồn đoán xung quanh những ngày cận Tết.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link