Nên dùng phần thịt bò nào để nấu bò sốt vang?
Tùy sở thích mà bạn có thể chọn các phần thịt cho phù hợp. Dùng phần thịt dẻ sườn, thịt nạm để nấu bò sốt vang là ngon nhất. Nếu thích thịt có độ dai giòn sần sật thì có thể chọn phần bắp bò.
Khi mua thịt, cần chú ý chọn miếng thịt có màu hồng tươi, không bị thâm đen hay nhợt nhạt.
Thịt bò có mùi đặc trưng, không phải mùi hôi, thối. Chạm tay vào bề mặt miếng thịt thấy thịt mềm ẩm nhưng vẫn giữ được độ ráo, không bị nhớt, ấn tay thấy bề mặt có độ đàn hồi tốt là thịt tươi ngon.
Nấu bò sốt vàng cần gia vị gì?
Món bò sốt vang có mùi thơm đặc trưng của các loại gia vị và nhất định không thể thiếu rượu vang. Tốt nhất là sử dụng vang đỏ. Tuy nhiên, nếu không có vang đỏ, bạn có thể sử dụng vang trắng để thay thế nhưng hương vị sẽ không chuẩn bằng. Trường hợp không có bất cứ loại rượu vang nào thì có thể dùng tạm rượu trắng.
Tùy theo cách nấu của các vùng khác nhau mà có nơi sẽ có các loại gia vị khác nhau. Trong một số công thức, người ta chỉ sử dụng thịt bò, rượu vang, hành tây, tỏi, bơ, muối, đường để nấu sốt vang. Một số người sẽ cho thêm cà rốt, khoai tây, hành tây.
Món bò sốt vang ở Hà Nội thường không cho thêm cà rốt, khoai tây. Công thức nấu bò sốt vang của người Hà Nội xưa thường dùng các loại gia vị thảo mộc để tạo ra mùi thơm đặc trưng cho món ăn. Bạn sẽ cần thảo quả, quế chi, đại hôi, gừng, tỏi, hạt tiêu để nấu được món này. Ngoài ra, các loại gia vị khác cần có là mắm, muối, bột ớt (tùy sở thích).
Để tạo màu đỏ đẹp mắt cho phần bò sốt vang, có thể dùng dầu màu điều. Có người dùng thêm tương cà hoặc gấc chín để tạo màu cho món ăn.
Để tạo độ sánh mịn và hấp dẫn hơn cho món bò sốt vang, bạn có thể sử dụng thêm cà chua. Ngoài ra, sử dụng bột mì xào với bơ hoặc nước bột năng cũng giúp tăng độ sánh cho phần nước sốt.
Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị thêm một ít rau mùi, hành lá để thêm vào món ăn khi hoàn thành.
Chế biến món bò sốt vang như thế nào?
Phần thịt bò cần rửa sạch, thấm khô nước rồi thái thành miếng cỡ bao diêm.
Với 1kg thịt bò, bạn có thể tham khảo định lượng gia vị để ướp như sau: 2 thìa nước mắm, 1 thìa cà phê muối/bột canh, 2 thìa cà phê hạt nêm, 2 thìa cà phê hạt tiêu, 2 thìa cà phê ớt bột (tùy chọn), 3-4 thìa canh dầu màu điều, gừng băm nhuyễn, vài nhánh tỏi băm nhuyễn, 1-2 thanh quế chi, 1 quả thảo quả, 3-4 cánh đại hồi và 1/2 chén rượu vang đỏ. Trộn đều thịt và gia vị rồi ướp trong khoảng 1 tiếng. Nếu có thời gian, bạn có thể cho thịt vào tủ lạnh và ướp qua đêm.
Phần cà chua rửa sạch, dùng dao khía hình chữ thập ở đáy quả. Chần cà chua trong nước sôi khoảng 1-2 phút cho vỏ bong ra. Vớt cà chua ngâm vào nước lạnh và bóc phần vỏ. Cắt nhỏ cà chua.
Cho 1-2 thìa canh bơ vào chảo đun chảy, bỏ một ít tỏi băm vào phi thơm. Sau đó, cho cà chua vào xào cho mềm rồi trút ra bát riêng.
Cho 1-2 thìa canh bơ vào nồi lớn, rồi trút thịt bò đã ướp vào xào săn để thịt ngấm trọn gia vị. Đổ phần sốt cà chua vào và thêm một lượng nước vừa đủ cho ngập bề mặt thịt (có thể thêm rượu vang vào nấu cùng thịt thay cho một phần nước nếu bạn muốn vị của rượu vang rõ hơn).
Nêm nếm lại cho vừa khẩu vị và đun cho nồi sốt vang sôi lên. Khi nước sôi, hạ nhỏ lửa và hầm trong khoảng 1 giờ hoặc cho tới khi thịt đạt độ mềm như mong muốn.
Nếu nấu cùng với khoai tây, cà rốt, bạn nên chờ cho thịt có độ mềm nhất định rồi mới cho rau củ vào nấu cùng để tránh rau củ bị nát do hầm lâu.
Để nước sốt sánh hơn, bạn có thể hòa một chút bột năng với nước rồi cho vào nồi sốt vang đã chín, khuấy nhẹ để nước sốt sánh lại là được. Cách gốc của người Pháp là xào một chút bột mì với bơ rồi mới cho vào nồi thịt bò và đảo đều cho tới khi sốt sánh lại.
Khi ăn, múc sốt vang ra bát và bỏ thêm hành lá, rau mùi tùy sở thích.