Tết Nguyên đán sắp đến, nhà nhà tất bật chuẩn bị cho cái tết ấm no, sum vầy. Việc tỉa chân nhang, vệ sinh bàn thờ là một vấn đề quan trọng được các gia đình quan tâm. Vậy thời gian nào là thời gian lý tưởng để tia chân nhang, trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo?
Tỉa chân nhang trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo?
Tùy thuộc vào văn hóa dân gian từng vùng miền trên đất nước việc dọn dẹp, giữ sạch sẽ khu vực bàn thờ cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Cũng có những địa phương cho rằng hương cháy sẽ để lại tàn rơi xuống chân nhang nên nhà nào mà có bát hương vòng to "khủng", bề thế, đẹp là có “lộc hương”. Do đó, chắc chắn nhà có bát hương như này là gia chủ có phước lớn, nhiều tài lộc, điềm báo của một sự may mắn, đầy đủ mà bề trên trao tặng.
Tuy nhiên, việc dọn dẹp, giữ sạch sẽ khu vực thờ cúng nên được diễn ra thường xuyên chứ không nhất thiết phải đến ngày lễ. Thời điểm tỉa chân nhang cũng rất quan trọng. Thông thường, các gia đình thường tiến hành dọn dẹp bàn thờ, ban thờ, phòng thờ sau khi cúng ông Công ông Táo. Việc làm này giống như dọn dẹp lại "chỗ ngồi" sạch sẽ cho các cụ sau một năm dài. Tỉa chân nhang hay còn gọi là tỉa chân hương khi dọn dẹp ban thờ là một việc rất quan trọng, cần được làm một cách thận trọng, thành kính.
Không có quy định cụ thể nào về việc nên tỉa chân nhang trước hay sau lễ cúng ông Công ông Táo, nhưng thường mọi người sẽ tỉa chân nhang sau khi đã tiễn ông Công ông Táo về trời, với ý niệm ban thờ đã gọn gàng sạch sẽ sau khi các ông trở về.
Cách thức tỉa chân nhang
+ Chuẩn bị
Bạn lưu ý mọi đồ dùng để tỉa chân nhang nên là đồ mới và sạch, hoặc có thể là vật dụng cũ nhưng phải chuyên dùng để phục vụ cho những công việc lau dọn ban thờ.
- Rượu gừng sạch: Mua rượu mới và dùng củ gừng mới, rửa sạch giã nát, hòa vào rượu.
- Nước hoa (không bắt buộc)
- 1 tờ báo/tấm vải sạch
- 2 khăn sạch
- Chậu nước sạch
+ Thực hiện
Bước 1: Thắp hương, khấn xin tỉa chân nhang, chờ hương cháy hết rồi bắt đầu. Nếu bạn vừa tiễn ông Công ông Táo xong, hương vẫn còn thì không cần thắp nữa, chỉ khấn xin tỉa chân nhang và chờ hương cháy hết thôi.
Bước 2: Để tờ báo hoặc tấm vải sạch ở gần bát hương để đựng chân nhang. Một tay giữ bát hương, một tay nhẹ nhàng rút từng chân hương, khóm chân hương để lên tờ báo/vải, cẩn thận để không làm tung tóe tro.Bạn tỉa chân nhang cho đến khi còn lại một số lẻ, thường là 3, 5, 7, 9 chân nhang trong bát hương.
Lưu ý, trong khi tỉa chân nhang, nhiều nơi quan niệm rằng phải giữ cho bát nhang bất động, không bị xê dịch, xoay mặt đi hướng khác. Một số nhà còn kiêng không rút chân hương đầu tiên được thắp khi bốc bát hương. Theo quan niệm của người xưa, tuyệt đối không được rút hết chân hương ra khỏi bát hương trong quá trình bao sái bàn thờ bởi như vậy sẽ mang lại nhiều xui xẻo cho gia đình trong năm mới.
Bước 3: Dùng một khăn thấm rượu gừng, một tay giữ bát nhang, một tay cẩn thận lau sạch sẽ, có thể thêm nước hoa vào khăn cho thơm.
Bước 4: Sau khi tỉa chân nhang, lau bát hương, bạn có thể xin phép để rửa lại chén nước, chén rượu, bình hoa, lau đèn, đĩa bày hoa quả... Đặt hết các đồ này vào chậu, mang sửa sạch sẽ và dùng khăn khô còn lại để lau (không lau chén nước, bạn có thể dùng nước sôi sạch để tráng).
Bước 5: Mang chân nhang đi hóa thành tro. Tro của chân nhang sau khi hóa cần được thả ở nơi nước sông, suối sạch sẽ, không có rác hay bị ô uế. Không được bỏ tro vào thùng rác, để chung với những vật ô uế, không thanh tịnh.
Bước 6: Sau khi làm xong các bước trên, gia chủ tiến hành thắp nhang kính báo gia tiên và các vị thần đã hoàn thành việc dọn dẹp.