Tình huống tuyển dụng bất ngờ và cách xử lý của ứng viên
Việc đặt câu hỏi mở là một kỹ thuật được sử dụng trong tư vấn tâm lý, đưa ra những vấn đề tương đối khái quát, rộng rãi. Nội dung câu hỏi không bị giới hạn quá mức khắt khe và đối phương có thể tự do phát huy khả năng tư duy của mình. Đây là phương pháp có thể kiểm tra suy nghĩ và cảm xúc của một người trong thời gian ngắn nhất.
Cách đây không lâu, trong một cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng đã đưa ra một câu hỏi thú vị cho 5 ứng viên:
"Trong một hội nghị đang sắp bắt đầu, bạn phát hiện có 6 vị lãnh đạo ngồi đó nhưng trên bàn lại chỉ có 5 cốc nước, bạn sẽ giải quyết thế nào?"
Ứng viên đầu tiên trả lời: "Tôi sẽ trình bày rõ tình hình với họ, sau đó đi lấy thêm một cốc nước".
Ứng viên thứ hai: "Tôi sẽ để 5 cốc nước xen kẽ trước mặt 6 vị lãnh đạo đó, ai khát thì sẽ uống".
Ứng viên thứ 3: "Tôi sẽ sắp xếp các cốc nước theo chức vụ và tuổi tác của các vị lãnh đạo, người nào không có nước chắc sẽ tự hiểu được".
Ứng viên thứ 4: "Nếu chia nước theo chức vụ, rõ ràng đó là nịnh bợ. Tôi sẽ căn cứ theo thứ tự để phát nước. Đến người cuối cùng mà không có thì họ có thể thông cảm cho tôi.
Ứng viên thứ 5:
"Thứ nhất, tôi sẽ gọi đồng nghiệp đến, nhờ chuyển những cốc nước mà "cuộc họp trước chưa kịp dọn đi", sau đó mang lên 6 cốc nước mới.
Thứ hai, nếu không muốn bị phát hiện thái độ tiếp đãi quá kém, tôi sẽ trình bày với các vị lãnh đạo, vì đang trong thời kì dịch bệnh nên sẽ thay bằng nước đóng chai, sau đó mang 5 cốc nước kia xuống".
Rõ ràng, ứng viên thứ năm chắc chắn sẽ được nhận.
Cách xử lí của người thứ nhất có lẽ là phản ứng của đại đa số người. Thực ra cách nói này không có vấn đề gì, chỉ là một cốc nước mà thôi, có nhất thiết phải quan trọng hóa vấn đề như vậy không? Tuy nhiên trong quá trình phỏng vấn, câu trả lời này quá phổ biến, các HR không đạt được mục đích mà họ muốn, vì vậy rất khó tuyển dụng người này.
Câu trả lời của người thứ 2 chắc chắn sẽ bị loại. Nghe có vẻ khôn ngoan nhưng thực chất lại phạm vào điều tối kỵ nơi làm việc. Đó chính là ném vấn đề về phía lãnh đạo, người như vậy không một doanh nghiệp nào muốn tuyển dụng.
Người thứ ba và thứ tư cũng mắc lỗi sai y như vậy, làm việc cứng nhắc, thiếu sự mềm dẻo linh hoạt. Đây có thể là một người có năng lực nhưng thiếu khả năng giải quyết vấn đề, rất khó được lãnh đạo trọng dụng.
Duy chỉ có người thứ 5 vừa có sự mềm dẻo khéo léo, vừa chủ động giải quyết vấn đề, có định hướng tốt, đưa ra được những phương án khác nhau, quả thực là một ứng viên có EQ cao.
Trên thực tế, những câu hỏi mở như vậy xuất hiện rất nhiều, trở thành chủ đề hot trong các cuộc phỏng vấn, phản ánh sự lo lắng của không ít bạn trẻ. Đặc biệt trước tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ trong hai năm trở lại đây, hình thức tuyển dụng tương đối gay gắt, không tìm được việc quả là một điều đáng sợ.
Nhưng cứ lo lắng như vậy cũng không phải cách. Chi bằng hãy đổi góc độ, nhìn từ phía doanh nghiệp, có thể bạn sẽ có được cái nhìn mới mẻ hơn.
Những kĩ năng đặt câu hỏi phỏng vấn đặc biệt thường gặp
Kỹ thuật đặt câu hỏi mở
Đối với các câu hỏi như “Hãy nói một chút về bản thân bạn” thì ứng viên không thể trả lời bằng một câu đơn giản “Có” hoặc “Không”. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc mở rộng câu trả lời và trò chuyện với bạn. Đó là một cách tuyệt vời để bạn lắng nghe quan điểm của họ và hiểu họ nhiều hơn. Một số ví dụ về kỹ thuật đặt câu hỏi này bao gồm:
- Hãy kể về một tình huống mà bạn đã kiểm soát được căng thẳng.
- Công việc lý tưởng của bạn sẽ như thế nào?
- Điều gì khiến bạn muốn làm việc ở đây?
Những câu hỏi này khiến ứng viên thảo luận và trình bày chi tiết về chủ đề được nhắc đến. Thông qua những câu trả lời dài hơn, bạn sẽ có thể gián tiếp biết được những thông tin quan trọng về ứng viên, như động cơ thúc đẩy họ, kỹ năng của họ nằm ở đâu, họ đánh giá cao điều gì và họ đã làm việc như thế nào trong quá khứ.
Kỹ thuật đặt câu hỏi thăm dò
Các câu hỏi thăm dò giúp ứng viên suy nghĩ sâu hơn về những gì họ đã trả lời, từ đó cung cấp cho bạn thông tin rõ ràng và chi tiết hơn. Những câu hỏi này cũng khiến ứng viên bày tỏ những gì họ có thể chưa chuẩn bị để nói trong cuộc phỏng vấn. Nếu bạn cảm thấy rằng một ứng viên đang tránh nói với bạn điều gì đó hoặc nếu bạn vô tình mất dấu những gì họ đang nói thì các câu hỏi thăm dò như “Sao bạn lại nghĩ như vậy?”, “Ý bạn là gì khi muốn nói điều này?” là một cứu cánh trong giao tiếp.
Kỹ thuật đặt câu hỏi dẫn dắt
Bằng cách đặt những câu hỏi dẫn dắt, bạn đang hướng hướng viên theo lối suy nghĩ của mình, không cho phép họ có không gian riêng để suy nghĩ. Bởi vì bạn đang thúc đẩy ứng viên trả lời câu hỏi theo một cách cụ thể, nên đây không phải là kỹ thuật đặt câu hỏi được khuyến khích nhất. Nhưng nó giúp ứng viên trả lời một cách chính xác, tránh những câu trả lời mơ hồ và lãng phí thời gian. Một số ví dụ bao gồm:
- Nhiều nhân viên ở đây thích làm việc ngoài giờ. Bạn nghĩ gì về điều này?
- Bạn đã nói rằng bạn thành thạo Microsoft Word, phải không?
- Nếu bạn không có bất kỳ câu hỏi nào khác, chúng ta có thể thống nhất ngày bắt đầu làm việc không?
Trong tất cả những câu hỏi được đề cập, bạn đã chỉ ra cho họ câu trả lời tốt nhất. Nếu bạn đưa ra một câu hỏi phức tạp, điều này gián tiếp giúp ứng viên trả lời câu hỏi. Với ý nghĩ đó, kỹ thuật đặt câu hỏi này không nên chỉ được sử dụng cho ứng viên yêu thích của bạn. Các câu hỏi dẫn dắt nên được sử dụng một cách cẩn thận và không thiên vị.
Kỹ thuật đặt câu hỏi xoáy
Đó là dạng câu hỏi phức tạp bao gồm một giả định gây tranh cãi mà ứng viên có khả năng không đồng ý. Khi sử dụng những câu hỏi này, bạn sẽ khiến ứng viên muốn tự bảo vệ mình, chẳng hạn:
- Bạn nói rằng bạn thích làm việc nhóm để tạo ấn tượng với tôi, hay bạn thực sự thích như vậy?
- Nếu tôi muốn bạn hoàn thành báo cáo vào Chủ nhật, bạn có sẵn lòng làm việc không?
- Hãy kể về những điểm yếu của bạn, chúng đã cản trở bạn hoàn thành công việc như thế nào?
Những câu hỏi này là cơn ác mộng đối với nhiều ứng viên. Chúng đáng sợ và có thể gây khó chịu nếu không được diễn đạt cẩn thận. Ứng viên phải chuyển hướng giả định của bạn và trên hết là trả lời vào vấn đề chính. Nếu bạn muốn kiểm tra thái độ tích cực, kỹ năng giao tiếp và sự tự tin của ứng viên, những câu hỏi này sẽ nhanh chóng tiết lộ điều đó.
Nhưng nhìn chung, tốt nhất bạn nên sử dụng kỹ thuật đặt câu hỏi này một cách tiết kiệm và tập trung vào việc hỏi về các chủ đề liên quan đến công việc.