Nga: Không có chiến tranh tài nguyên ở Bắc Cực

16:25, Thứ tư 13/03/2013

( PHUNUTODAY ) - Phần lớn các "vấn đề" địa chính trị tại Bắc Cực, được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây, hoặc không hề có, hoặc bị thổi phồng do thiếu hiểu biết hay cố tình.

Phần lớn các "vấn đề" địa chính trị tại Bắc Cực, được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây, hoặc không hề có, hoặc bị thổi phồng do thiếu hiểu biết hay cố tình. Đây là tuyên bố của đặc phái viên Bộ Ngoại giao Nga, ông Anton Vasilyev, đưa ra ngày 12/3 tại Hội nghị thượng đỉnh Bắc Cực đang diễn ra ở thủ đô Oslo, Na Uy.

[links()]

Một giàn khoan của tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới Rosneft (Nga) đang hoạt động tại Bắc Cực
Một giàn khoan của tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới Rosneft (Nga) đang hoạt động tại Bắc Cực



TTXVN dẫn lời ông Vasilyev cho rằng, những câu chuyện về đụng độ lợi ích giữa các quốc gia Bắc Cực, cũng như các quốc gia Bắc Cực và không thuộc Bắc Cực, về nguy cơ nổ ra cuộc chiến tranh thế giới thứ ba do tranh giành tài nguyên và thềm lục địa, tất cả đều hoàn toàn không phù hợp với thực tế.

Ông Vasilyev cho rằng sẽ không xảy ra bất kỳ cuộc chiến tranh giành tài nguyên hay đối đầu quân sự nào tại Bắc Cực, vì ở đây không có gì để phân chia.

Khoảng 95-97% tài nguyên được phát hiện tại cực Bắc đều nằm trong khu đặc quyền kinh tế của các quốc gia thuộc khu vực này.

Trong khi đó, các quy định hiện hành liên quan tới thềm lục địa khá rõ ràng và tất cả các quốc gia thuộc khu vực Bắc Cực đều tuân thủ.

Nếu xảy ra tranh chấp hay bất đồng, đã có cơ sơ pháp lý sâu rộng để giải quyết. Hơn nữa, nhân tố then chốt trong tình hình hiện nay ở Bắc Cực là sự hợp tác giữa các nước trong khu vực ở các cấp độ khác nhau không ngừng tăng lên.

Theo nhà ngoại giao này, tình hình tại cực Bắc của Trái Đất vẫn ổn định và dự báo được. Những vấn đề cần được giải quyết cũng giảm dần theo thời gian nhờ các nước cùng nỗ lực tìm được giải pháp chung.

Nga cho rằng phát triển kinh tế bền vững, hợp tác quốc tế sâu rộng và một Hội đồng Bắc Cực mạnh là tương lai của khu vực này.

Chia sẻ quan điểm này, Thứ trưởng Ngoại giao Na Uy, ông Torgeir Larsen nhấn mạnh rằng cần phải giải tỏa sự cường điệu về cuộc đua tranh giành tài nguyên và tình hình căng thẳng tại Bắc Cực.

Theo ông Larsen, khả năng xảy ra cuộc xung đột quân sự tại Bắc Cực thấp hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới.

Còn đại điện Mỹ tham gia hội thảo, Phó Đô đốc Hải quân Jonathan White, cũng cho rằng không có cơ sở để tuyên bố Bắc Cực đang bị quân sự hóa.

Theo các đại biểu, việc các nước tại Bắc Cực tăng cường sự hiện diện quân sự có liên quan tới yêu cầu bảo vệ vùng lãnh hải, vốn ngày càng trở nên "mở hơn" do hiện tượng băng tan mạnh, bảo đảm an ninh khu vực nơi có nhiều tàu thuyền qua lại, cũng như sẵn sàng phản ứng với tình huống khẩn cấp và cứu nạn cứu hộ.

Cơ quan khảo sát địa chất của Mỹ (USGS) dự tính rằng có đến trên 20% trữ lượng dầu và khí chưa được phát hiện và có thể khai thác của thế giới đang nằm dưới các điều kiện khắc nghiệt, lạnh lẽo và xa xôi ở khu vực trên vĩ tuyến 66.

Hiện Nga đang chế tạo một lớp tầu phá băng mới. Na Uy đang lên biểu đồ về các mô hình di cư của cá để thiết kế mới ngành hải sản đầy tiềm năng. Canada đang thành lập một căn cứ huấn luyện ở Bắc Cực và xây dựng một hạm đội tàu tuần tra mới. Các công ty dầu lớn của Mỹ đang hối hả tiến hành khoan thăm dò các giếng dầu, khí. Và Trung Quốc đang cử một tầu phá băng của họ vào hoạt động dọc Tuyến hàng hải Bắc. Bản thân Trung Quốc cũng đang tìm kiếm một vị trí ở nơi này, dù điểm cực bắc của nước này ở khu vực Mãn Châu Lý, dọc theo sông Amur, cách Vòng cung Bắc Cực chí ít là 2.500 km về phía nam.

Theo thông tin trên VNE, năm ngoái, Trung Quốc đã cử tầu phá băng Rồng Tuyết (MV Xue Long) xuất hành từ Thượng Hải đi Iceland dọc theo Tuyến hàng hải Bắc, chạy song song với bờ biển bắc của Nga và có khả năng ngắn hơn, kinh tế hơn để vận chuyển hàng hóa từ Đông Á sang châu Âu. Trung Quốc đã làm đơn xin trở thành quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực. Và theo Malte Humpert, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Bắc Cực, Trung Quốc cũng đã xây dựng một sứ quán mới, đồ sộ trị giá 250 triệu USD tại Reykjavik, Iceland.

Trung Quốc “đang mở rộng tầm với của họ ở châu Phi, Tây Nam Thái Bình Dương; Bắc Cực đang trở thành một khu vực mới nhất có tầm quan trọng về địa chính trị. Ngày nay họ có thể đầu tư tối thiểu vào đó và có thể sẽ chắc chắn có được một ảnh hưởng to lớn trong vòng 20 đến 30 năm tới”, Humpert phát biểu tại một hội nghị trao đổi về năng lượng được gọi là “Mối lo âu Bắc Cực”.

“Trung Quốc muốn có một ghế trong bàn đàm phán. Họ muốn trở thành một thành viên trong Hội đồng Bắc cực. Họ là một cường quốc mới nổi”, ông nói. “Họ hiểu rằng Bắc Cực có thể trở thành một điểm nóng trong thế kỷ 21”.
 

  • KH (Tổng hợp theo TTXVN, VNE)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc