Ngã ngửa vì 30 điểm vẫn trượt đại học

14:41, Thứ tư 02/08/2017

( PHUNUTODAY ) - TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Đại học FPT, cho rằng về nguyên tắc, điểm chuẩn chỉ dừng lại ở mức tối đa 30. Trường hợp lấy điểm chuẩn là 30,25 hay 30,5 như năm nay có thể xảy ra việc thí sinh đạt điểm tối đa nhưng trượt đại học.

Điểm trúng tuyển vào nhiều trường ĐH năm nay cao bất thường, có trường tăng tới 4-5 điểm so với năm trước khiến nhiều thí sinh đạt mức điểm “ngất ngưởng” nhưng vẫn ngậm ngùi bị đánh trượt.

Tính đến thời điểm hiện tại, trường có mức điểm chuẩn cao nhất là Học viện An ninh nhân dân. Theo đó, điểm chuẩn cao nhất là ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện Công an nhân dân với mức 30,5 điểm (đã cộng điểm ưu tiên) dành cho thí sinh nữ ở khối D01 (ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ).

Dù điểm chuẩn rất cao nhưng ở nhiều ngành, thí sinh thậm chí còn phải đáp ứng đủ tiêu chí phụ mới đủ điểm đỗ vào trường.

Điểm chuẩn khối A dành cho thí sinh nữ khu vực phía Bắc của Đại học Phòng cháy chữa cháy ở ngưỡng 30,25 điểm. Tuy nhiên, trong số bốn thí sinh cùng mức 30,25 điểm, trường chỉ lấy ba thí sinh có tổng điểm ba môn chưa làm tròn cao nhất, từ 28,35 điểm. Một thí sinh còn lại vẫn không đỗ dù tổng điểm rất cao.

Đối với thí sinh nam khu vực phía Bắc, điểm chuẩn của Đại học Phòng cháy chữa cháy là 28,25 điểm. Tuy nhiên, trong số 16 thí sinh cùng mức 28,25 điểm, trường chỉ lấy 6 thí sinh gồm 4 thí sinh có tổng điểm 3 môn chưa làm tròn đạt 27,65 điểm; 2 thí sinh có tổng điểm 3 môn chưa làm tròn 27,35 điểm và môn Toán đạt 9,6 điểm.

Tại Học viện An ninh, điểm chuẩn dành cho thí sinh nữ ngành Nghiệp vụ An ninh là 29 điểm kèm tiêu chí phụ. Theo đó, trong số hai thí sinh cùng mức 29 điểm chỉ lấy một thí sinh có tổng điểm 3 môn chưa làm tròn đạt 25,5 và điểm tiếng Anh đạt 8,2.

Khối các trường y dược cũng có mức điểm tăng cao so với các năm trước. Ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội có mức điểm trúng tuyển lên tới 29,25. Đây là mức điểm cao nhất trong nhiều năm qua của Trường ĐH Y Hà Nội.

Theo nhà trường, mức điểm của thí sinh cao khiến các trường đều phải tính đến tiêu chí phụ để "lọc" bớt thí sinh, đảm bảo tuyển đúng chỉ tiêu đã đăng ký. Trường ĐH Y Hà Nội năm ngoái chỉ sử dụng 1 tiêu chí phụ duy nhất là điểm thi môn Sinh học. Tuy nhiên, năm nay trường sử dụng tới 4 tiêu chí phụ khác nhau.

Cụ thể, thí sinh có điểm xét tuyển làm tròn bằng điểm chuẩn thì phải đạt tiêu chí phụ theo thứ tự ưu tiên 1 đến ưu tiên 4. Ưu tiên 1: Điểm xét tuyển chưa làm tròn; Ưu tiên 2: Điểm toán; Ưu tiên 3: Điểm Sinh; Ưu tiên 4: Thứ tự nguyện vọng (TTNV).

Điểm xét tuyển chưa làm tròn = Tổng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh (không nhân hệ số, không làm tròn) + Điểm ưu tiên + Điểm khuyến khích (nếu có).

Chính vì vậy mà có những thí sinh không khỏi xót xa khi đạt 29,25 điểm vẫn trượt ĐH Y Hà Nội như thí sinh N.P.H. (Thạch Thất, Hà Nội) chỉ thiếu 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ.

Phản ánh với Infonet, thí sinh này bức xúc: "Em đạt 29,15 điểm, không có điểm ưu tiên cuối cùng lại trượt. Còn những bạn đạt 25,75 điểm; thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ?".

Một lần nữa, chủ đề đề thi không phân loại được thí sinh, việc coi thi có chặt ở địa phương và điểm cộng ưu tiên, điểm làm tròn lại được đặt ra một cách nghiêm túc.

30 điểm trượt nguyện vọng một là chuyện... buồn cười

Theo thông tin từ báo Zing.vn, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Đại học FPT, cho rằng về nguyên tắc, điểm chuẩn chỉ dừng lại ở mức tối đa 30. Trường hợp lấy điểm chuẩn là 30,25 hay 30,5 như năm nay có thể xảy ra việc thí sinh đạt điểm tối đa nhưng trượt đại học. Điều này tạo nên bức tranh… "tương đối buồn cười".

Theo thống kê, trong số 860.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, 13 em đạt điểm 30 (khối A: 3, khối B: 10, các khối khác không có). Các thí sinh đạt số điểm cao hơn 30 là do cộng điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng.

Điểm bất hợp lý của năm nay chính là việc một số trường lấy điểm chuẩn trên 30.

nga-ngua-vi-30-diem-van-truot-dai-hoc-2

 TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT

Quy chế của Bộ GD&ĐT ghi điểm ưu tiên là điểm để cộng thêm khi xét tuyển. Ví dụ, điểm chuẩn vào một trường chỉ tối đa ở mức 30. Khi đó, những thí sinh dưới 30 điểm nhưng có điểm ưu tiên cộng thêm bằng hoặc hơn 30 điểm cũng được xem xét. Tuy nhiên, một số trường lại cộng thêm điểm ưu tiên cho các thí sinh, rồi suy ra điểm chuẩn là 30,5", TS Tùng phân tích.

Cũng theo ông Tùng, trường hợp nếu lấy thí sinh 30 điểm mà vượt quá chỉ tiêu, trường đó nên lấy thêm và năm sau giảm xuống. Đó là cơ hội để có nhiều thí sinh giỏi. Đào tạo là cả quá trình, chênh lệch một năm không phải quá lớn.

Nếu tôi là hiệu trưởng của trường đó, tôi rất vui sướng khi có thể 'ôm' tất cả thí sinh điểm cao. Điều này giải quyết riêng được cho bài toán tuyển sinh năm 2017, tránh trường hợp thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học, ngành yêu thích”, TS Tùng nêu ý kiến.

Về phía học sinh, nếu đạt điểm cao, các em không chọn được trường yêu mến sẽ đặt ra câu chuyện học đúng ngành say mê mới là điều quan trọng.

Điểm cộng ưu tiên chưa hợp lý

Thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên nhiều năm gắn bó với công tác luyện thi đại học - cho biết những ngày qua, ông nhận được hàng chục tin nhắn của học sinh “tức tưởi” trượt nguyện vọng một, dù đạt 28, 29 điểm.

Giáo viên này cho rằng việc cộng điểm ưu tiên khu vực là chính sách tốt, cần duy trì, nhưng nên giảm số điểm cộng còn một nửa để tạo sự công bằng. Hiện tại, công thức của Bộ GD&ĐT là cộng 0,5 điểm với khu vực 2, một điểm với khu vực 2 nông thôn và 1,5 điểm với khu vực một. Mức cộng điểm ưu tiên không quá 3,5 điểm.

Phân tích về đề xuất giảm điểm ưu tiên, thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng hiện nay, mức độ tiếp cận giáo dục ở các tỉnh thành đã có nhiều đổi khác. Các em có thể học trực tuyến qua Internet, thi cử được tổ chức ở địa phương khiến khoảng cách giữa thành phố và vùng nông thôn được thu hẹp.

Nếu vẫn giữ như mức cộng điểm hiện tại, thí sinh ở khu vực 3 hầu như không được tiếp cận những trường top đầu, có điểm chuẩn cao như công an, quân đội hay ngành Y đa khoa. Có thể thấy một làn sóng ‘di cư’ hiện tại: Học sinh Hà Nội về Thái Bình, Hải Phòng học Y, còn học sinh Thái Bình, Hải Phòng về Hà Nội học Y”, ông Ngọc nêu ý kiến.

Ngoài những băn khoăn về điểm cộng ưu tiên, thầy Vũ Khắc Ngọc nhận định chưa bao giờ tiêu chí phụ lại rối loạn, giống ma trận như năm nay.

Một số trường thông báo trước nhưng thực tế không thể ngờ mức tiêu chí phụ lại cao như vậy”, giáo viên này nói.

Thầy Vũ Khắc Ngọc đề xuất từ năm sau, Bộ GD&ĐT nên đặt ra các nguyên tắc nhất định khi đưa tiêu chí phụ, tránh tình trạng cùng một nhóm ngành đào tạo ở các trường lại có tiêu chí phụ khác biệt.

nga-ngua-vi-30-diem-van-truot-dai-hoc-3

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017

Đề thi thất bại trong phân hóa thí sinh

Giải thích nguyên nhân của việc thí sinh 29, 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng một, thầy Đặng Đình Nam, giáo viên Vật lý tại Hà Nội, nói: Tất cả bắt nguồn từ đề thi. Đề thi năm nay đã thất bại hoàn toàn trong việc phân hóa thí sinh.

Theo thầy Nam, mặt bằng điểm dâng cao do đề thi dễ. Tiêu chí phân hóa của đề thi không đạt nên điểm thi hội tụ sát nhau là nguyên nhân của “mưa” tiêu chí phụ.

Điều nguy hiểm hơn là thi bằng hình thức trắc nghiệm nên yếu tố may rủi cao. Điểm gần nhau, ai may hơn sẽ đỗ khiến người đạt điểm thực lực cao hơn bị trượt oan ức. Ví dụ, mỗi bài thi thành phần trong bài tổ hợp có 40 câu, chỉ cần ăn may một câu là được 0,25 điểm.

Vì vậy, việc tổ chức thi trắc nghiệm tưởng là chính xác nhưng thật ra lại không. Đó chỉ là sự chính xác về với những ô đen trong tờ trả lời chứ không chính xác về khả năng làm bài”, thầy Nam phân tích.

Giáo viên này cũng thông tin may mắn thay, sau khi có phản hồi của dư luận, Bộ GD&ĐT đã chuyển từ phương án ban đầu 20 câu thi trắc nghiệm mỗi môn thành 40 câu. Nếu không, với 20 câu trắc nghiệm, sai số mỗi câu sẽ là 0,5 điểm, việc xét tuyển vào đại học năm nay sẽ vỡ trận.

Nhưng vì buộc phải nâng số câu của môn thành phần lên 40, đề thi tổ hợp có 120 câu. Sợ thí sinh áp lực trong 55 phút, Bộ GD&ĐT lại ra đề thi dễ, tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Nam giáo viên cho rằng nếu một đề thi phân hóa tốt, hoàn toàn không cần đặt ra tiêu chí phụ.

nga-ngua-vi-30-diem-van-truot-dai-hoc-4

 5 tỉnh, thành có số thí sinh đạt điểm thi khối B từ 29,25 trở lên nhiều nhất

Bộ GD&ĐT lý giải vì sao điểm cao vẫn trượt đại học

Trước băn khoăn của dư luận về việc thí sinh 29, 30 điểm trượt đại học, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ GD&ĐT, lý giải: Điểm cao chỉ thuộc một số ngành khối công an, quân đội và Y đa khoa của một số trường đại học danh tiếng.

Bà Phụng cho rằng chính sách cộng điểm ưu tiên đã được thực hiện nhiều năm nay. Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi…, chính sách ưu tiên là cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội.

Trước câu hỏi “Phải chăng hình thức thi trắc nghiệm năm nay chưa có tính phân hóa cao?”, bà Kim Phụng giải đáp: Hình thức thi trắc nghiệm cũng được áp dụng trong nhiều năm qua. Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm đã được thí điểm ở ĐH Quốc gia Hà Nội từ 3 năm, trước khi nhân rộng ra trong phạm vi cả nước.

Ngân hàng đề thi đã được xây dựng, tích luỹ trong suốt thời gian thực hiện ở ĐH Quốc gia Hà Nội và được các giáo viênkinh nghiệm ở nhiều trường trong cả nước tiếp tục xây dựng trong suốt năm học 2016-2017. Trước khi thí sinh dự thi chính thức, bộ đã 3 lần công bố đề thi tham khảo để các em biết định dạng, ôn tập có hiệu quả.

Về tính phân hoá của đề thi, ngoài những yếu tố kỹ thuật như phân loại câu hỏi thi, ma trận đề thi…, nhìn vào phổ điểm có thể khẳng định đề có tính phân hóa cao. Biểu đồ phân tích phổ điểm của môn thi đều mang hình chuông truyền thống, có độ thoải. Điều này phản ánh mức độ phân hoá cao của đề thi”, bà Phụng thông tin.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Minh Khánh