Để tưởng nhớ Thần Tài mọi người chọn ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch là ngày thần Tài bay về trời làm ngày cúng vía Thần Tài.
Thần Tài là vị thần mang tài lộc cho gia đình, mỗi khi làm việc gì, gia chủ thường cầu khấn Thần Tài. Cúng Thần Tài rất phổ biến trong giới kinh doanh. Họ cúng Thần Tài quanh năm. Tuy nhiên ngày mùng 10 Âm lịch hằng tháng được dân gian xem là ngày vía Thần Tài.
Trong lễ vật cúng lên Thần Tài, chúng ta thường thấy có bộ "tam sên" bao gồm 1 miếng thịt ba rọi, 1 con tôm (hoặc cua) và 1 cái trứng vịt nhưng không phải ai cũng rõ ý nghĩa của bộ lễ cúng này.
Theo PGS.TS.Phan Thị Yến Tuyết (khoa Việt Nam học - ĐH KHXH-NV Tp.HCM): "Tam sên" là một thức cúng không thể thiếu trong lễ cúng việc lề của người Việt ở Nam Bộ (tín ngưỡng này không có ở miền Bắc và miền Trung). Bộ 'tam sên' được cho rằng có ý nghĩa như sau:
Tam sên: là 3 loài vật tượng trưng cho Thổ - miếng thịt heo (sống trên cạn), Thủy - con tôm hoặc cua (sống dưới nước), Thiên - trứng gà hoặc trứng vịt (đại diện loài có lông vũ bay trên trời, và lí do người ta dùng trứng là để biểu trưng hơn cho tính phồn thực).
Bên cạnh bộ "tam sên", người dân còn thường cúng Thần Tài bằng "cá lóc nướng". Cá lóc này phải để nguyên con, không cạo vảy, không cắt vi, cắt đuôi, đem đi nướng trui. Việc để nguyên trạng cá lóc như trên là để tưởng nhớ rằng ông cha rất thiếu thốn khó khăn trong buổi đầu khai hoang, không nề hà chuyện cá vảy cả con, miễn sao nuôi dưỡng được bản thân và đảm bảo công việc thì vui lòng.
Một số lưu ý khi chuẩn bị đồ lễ đúng để cúng Thần Tài rước lộc vào nhà
- Hương: Có nơi cho rằng thắp vào sáng, có nơi cho rằng cần thắp vào chiều tối, thực ra là không cần thiết và không có quy định cụ thể. Có thể chọn giờ tốt cho cúng lễ trong ngày hoặc chọn ngày giờ tốt có sao tốt đến để kích hoạt trường khí dễ hơn.
- Nước: Chén để nước cần rửa sạch trước khi lấy nước mới. Chỉ cần một chén nước là đủ, chứ không phải ba hay năm chén. Nước không để quá đầy, cần cách miệng chén khoảng 1 cm. Cẩn thận không để nước tràn ra hoặc đổ lên bàn.
- Hoa: Bình hoa có thể bằng thủy tinh, gốm sứ... đều được. Chỉ nên chọn hoa tươi, hoa có nụ và có hương thơm càng tốt. Không nên dùng hoa giả.
- Quả: Quả nên chọn loại tươi, ngon, nhìn nguyên vẹn, thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt... Cũng như hoa, không dùng quả nhựa, quả nhân tạo không ăn được.
- Đèn, nến: Đèn cúng là đèn thật như đèn dầu, nến. Không dùng đèn nhấp nháy, đèn điện... vì đều tạo ra trường khí xấu, ảnh hưởng đến việc thờ cúng.
- Một bộ tam sên gồm: 1 miếng thịt ba rọi, 1 hột vịt , 1 con tôm (hay cua), tất cả đều luộc.
Thay nước uống khi đốt nhang, thay nước trong lọ hoa, và chưng thờ nải chuối chín vàng.Tránh để các con vật chó mèo quậy phá làm ô uế bàn thờ Thần Tài. Hàng tháng thường lau bàn thờ, tắm cho Thần Tài vào ngày cuối tháng và ngày 14 âm lịch với nước lá bưởi, hay rượu pha nước. Khăn lau và tắm cho Thần Tài không được dùng vào việc khác.
Cách thỉnh thần tài
Khi thỉnh tượng Thần Tài ngoài cửa hàng về cần gói bọc trong giấy đỏ, hoặc trong hộp sạch sẽ, mang vào chùa nhờ các Sư trong chùa "Chú nguyện nhập Thần", và nhờ các Sư chọn cho ngày tốt đem về nhà để an vị Thần Tài (kể cả ông Địa cũng vậy). Về nhà dùng nước lá bưởi rửa và đặt lên bàn thờ, mua các đồ cúng về cúng khấn là được, lần sau cúng vái bình thường.
Khi thỉnh Thần Tài cũng có Thần Tài hợp với gia chủ, cũng có Thần Tài không hợp với gia chủ, chọn tượng Thần Tài mặt tươi cười, mặt sáng sủa, tượng không bị nứt, vỡ, nhìn tượng toát lên vẻ phú quý. Thần Tài không thể cho hay biếu người khác, phải tự gia chủ thỉnh về.
Lưu ý sau khi cúng:
- Gạo, muối thì cất lại dùng cho có lộc , không được rải ra ngoài.
- Vàng, bạc đại đốt ở ngoài.
- Rượu hay nước cúng thì đứng ngoài cửa tưới vào nhà, có ý nghĩa là đem lộc vào .
Bộ tam sên hay bánh trái chia nhau trong nhà dùng không cho người ngoài.