Dế Thái vàng (dến mèn Thái) là loại dế có cánh màu vàng, dưới bụng màu trắng. Nếu so với dến mèn thông thường tại nước ta thì dến mèn Thái có kích thước to hơn, sức đề kháng tốt hơn. Đặc biệt, đây là một trong những món đặc sản của Thái Lan – quốc gia nổi tiếng với các loài đặc sản côn trùng.
Dế Thái vàng thịt dai, mùi vị thơm ngon nên thường được chế biến thành nhiều món ăn được phục vụ tại các khách sạn 5 sao, các nhà hàng sang trọng và đắt tiền. Từ loài dế người ta đã chế biến ra nhiều món ăn nổi tiếng như dế chiên giòn, dế rang sả ớt, dế nướng sốt sate, làm gỏi,…
Nhiều trang trại nuôi dế ở Thái Lan đã ra đời đem lại công ăn việc làm cho người nông dân. Nuôi dế trở thành một xu thế chăn nuôi bền vững trong tương lai. Chính phủ và các công ty nông nghiệp cũng không ngừng cho ra nhiều chính sách có lợi nhằm giúp nghề nuôi dế phát triển ở đất nước nhiệt đới này.
Thị trường tiêu thụ dế Thái vàng ở Việt Nam không lớn bằng Thái Lan nhưng nghề nuôi dế cũng phát triển không kém.
Anh Nguyễn Thế Thắng từng là giáo viên dạy toán ở huyện Diễn Châu (Nghệ An). Vào năm 2013, sau khi tìm hiểu cách nuôi dế Thái trên internet, thấy kỹ thuật nuôi đơn giản, anh liên hệ với một trại dế ở Hà Nội, đặt mua 300.000 đồng tiền trứng dế để nuôi thử.
Ban đầu anh Thắng nuôi dế trong thùng nhựa, mỗi thùng nuôi được 8kg dế. Các thùng nuôi xếp chồng lên nhau giúp tăng mật độ nuôi. Hệ thống ống dẫn tự động giúp cho dế uống nước bất kỳ lúc nào nhưng vẫn đảm bảo môi trường luôn khô ráo.
Lứa dế đầu tiên của anh Thắng “ra lò” chỉ sau hơn một tháng. Anh mang dế Thái đến các quán nhậu tại thành phố Vinh để chào hàng nhưng nhiều chủ nhà hàng lắc đầu vì sợ.
Khó khăn không khiến anh Thắng nản chí. Anh mở một quán nhậu đặt tên là Dế Mèn với thực đơn là các món chế biến từ dế do anh nuôi như dế xào măng, dế rang,… Khách tò mò tìm đến ngày càng đông, nhiều chủ cửa hàng cũng tìm đến quán của anh Thắng để nhập hàng. Khi biết dế là món ăn ưa thích của các loài chim, mồi để câu cá,… anh Thắng tìm đến các cơ sở bán chim cảnh để tiếp thị. Bên cạnh đó, anh Thắng còn bán trứng giống cho các hộ gia đình muốn chăn nuôi loại dế này.
Anh Trương Quốc Bạch (Cần Thơ) cũng khởi nghiệp từ nuôi dế thương phẩm. Ban đầu tình cờ đến thăm một người bà con, thấy người này nuôi dế thương phẩm có hiệu quả nên anh tâm đắc rồi xin 1 ổ dế về nuôi thử. Sau đó, anh học hỏi thêm kinh nghiệm rồi quyết định đầu tư thành mô hình kinh tế của gia đình.
Dế nuôi khoảng 30 ngày có thể thu hoạch bán thương phẩm, còn dế trứng phải nuôi đến 42 ngày mới thu hoạch. Dế nuôi 42 ngày tuổi thì bắt đầu sinh sản. Dấu hiệu nhận biết là dế có cánh dài và gáy thường xuyên. Khi đó cho dế đẻ vào ổ trong 1 - 2 ngày. Sau đó, cho các ổ dế vào bao tải và đặt ở chuồng khác để ấp.
Dế sữa có giá 120.000 đồng/kg; dế trứng từ 200.000 - 220.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Nhờ đó, anh Bạch có thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng.
Cũng khởi nghiệp từ nghề nuôi dế, anh Lê Thanh Tường (Vĩnh Long) bỏ ra 100.000 đồng để mua dế giống. Khi trại nuôi dế đã ổn định, với dế thương phẩm, anh Tường xuất bán vài chục kg mỗi ngày, giá từ 70.000 – 120.000 đồng/kg. Năm 2021, trại dế của anh Tường sản xuất được 160 tấn dế nguyên liệu. Với giá bán 50.000 đồng/kg, 160 tấn dế này tương đương tổng doanh thu 8 tỷ đồng.