Chia sẻ với phóng viên, ông Hà Cho biết: Ngôi mộ này được táng tại đất ruộng của dòng họ Doãn nhà ông. Đất nói đến ở đây là đất từ ngày xa xưa các cụ sống và lao động.
Sau khi ngôi mộ được phát hiện, ông Hà có về hỏi các bậc cao niên trong họ. Cụ Doãn Thị Chuyển (94 tuổi) và Đỗ Thị Chùm đều khẳng định ngôi mộ được tìm thấy ở cánh đồng bà Chúa là thuộc dòng họ Doãn. Bác Doãn Tiến Thọ - một người cao tuổi trong họ còn nói đã từng được các cụ đưa đi thắp hương mộ ở khu vực này.
Không chỉ các cụ cao niên trong họ mà ngay cả các bậc cao niên của làng như cụ Nguyễn Văn Thơi (81 tuổi) cũng chắc chắn về nhận định này. Sự khẳng định ngôi mộ có niên đại hơn 300 năm tuổi càng rõ ràng hơn khi ông Doãn Mạnh Hà đưa cuốn Gia phả của dòng tộc 100 năm tuổi đời ra làm minh chứng. Theo ông, đây là cuốn Gia phả được cụ Tổng sư Doãn Huy Quân tục biên lại từ cuốn Gia phả của cụ tổ Doãn Huy Chân – đỗ 4 khoa tú tài liên tiếp của dòng họ.
Xác ướp trong ngôi mộ cổ vẫn còn nguyên vẹn, chỉ bị khô đi.
Theo nhiều người dự đoán thì xác người trong ngôi mộ cổ thuộc đời thứ 3 hoặc 4 của dòng họ. Nhưng ông Hà cùng một số người lại tin rằng nó thuộc đời thứ 4 của dòng họ Doãn bởi có nhiều chi tiết của ngôi mộ ghi trong gia phả trùng hợp với nhận định của PGS. TS Nguyễn Lân Cường – người trực tiếp khai quật ngôi mộ.
Trong ngôi mộ là xác ướp của một người đàn bà. PGS. TS Cường cho rằng: “Đây không phải là mộ của người nghèo, phải là người giàu mới có điều kiện an táng như thế này”. Ông Cường cũng nhận định, xác ướp trong quan tài có độ tuổi từ 65 – 70 tuổi.
Trong khi đó, Gia phả dòng họ Doãn ghi chép rằng: Chiếu vào đời thứ 4 của dòng họ Doãn thì cụ bà tên là Nguyễn Thị Ra (Hiệu Diệu Kiên), là vợ của cụ ông tên tự là Đăng Khoa (Hiệu Thái Hoa). Cụ ông mất sớm ở tuổi 31 vì bị sát hại. 28 tuổi cụ bà Ra đã góa chồng. Cụ bà được phong là Tiết phụ vì một lòng thờ chồng nuôi con. Hơn nữa, Gia phả cũng ghi rằng: ở thời điểm đó, 4 cháu nội của cụ bà đều làm quan trong triều.
Trước đây chỉ biết mộ của dòng họ có ở khu vực tìm thấy ngôi mộ cổ vừa xong. Nhưng do bị mất nấm mấy chục năm nay, những người biết về ngôi mộ lại đi công tác xa, không truyền lại cho con cháu nên bị thất truyền đến tân bây giờ.
Ông Hà còn nhận định: Ở thời phong kiến, mộ nhà nào thường táng ở ruộng nhà ý nên không cần có bia ghi tên – tuổi người mất. Trước kia, đó là đất của nhà tôi nên tôi càng tin ngôi mộ này chính là mộ cụ tổ đời thứ 4 của dòng họ Doãn. Chúng tôi chắc chắn đến 99% nhận định này. Nếu cuốn Gia phả của dòng họ mà ghi là táng ở đâu thì đã không còn gì để nói.
Ông Doãn Mạnh Hà bỏ cuốn Gia phả dòng họ Doãn ra cho mọi người xem những bằng chứng thuyết phục.
Theo PGS.TS Cường: "Hiện nay, tại địa phương đang có một số dòng họ nhận ngôi mộ đó là của dòng họ mình. Nếu họ muốn biết cụ thể cụ bà trong mộ có phải là người của gia đình mình không, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho gia đình lấy mẫu tóc đi giám định ADN sẽ biết chính xác". Tuy nhiên, trưởng tộc họ Doãn – ông Hà cho biết: "Bây giờ điều này không cần thiết nữa, các dòng họ khác không đưa được ra bằng chứng nên đã tự rút lui. Chính quyền địa phương cũng hoàn toàn tin tưởng vào điều này. Ngày 10/12 vừa qua, chúng tôi đã nhận xác trong ngôi mộ về an táng tại nghĩa trang địa phương (ruộng chùa chân gò Điền Anh)."
Những người có mặt ở từ đường dòng họ Doãn đều cho biết: "Chúng tôi muốn tri ân người đã chết nên khi cảm thấy có nhiều dấu hiện chứng tỏ đó là mộ của gia tiên thì đã đứng ra xin nhận. Tuyệt nhiên không có tính đến vụ lợi. Nếu trong quan tài có vàng bạc, châu báu. Chúng tôi sẵn sàng cung tiến cho các nhà khoa học để nghiên cứu. Chỉ xin lại cốt nhục để thờ cúng, làm tròn đạo hiếu."