Nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bảo tồn nguyên vẹn

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Kế hoạch điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, TP Hà Nội vừa được Thủ tướng phê duyệt, có ba bộ và nhiều khu dân cư sẽ di dời còn Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chùa Một Cột được bảo tồn nguyên vẹn.

Quy mô lập quy hoạch điều chỉnh mở rộng là 134,5 ha (theo Quyết định 543/QĐ-TTg ngày 8/7/2002 là 105 ha) được giới hạn bởi: Phía Bắc là phố Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên, hồ Tây, đường Hoàng Hoa Thám; phía Nam là đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Sơn Tây; phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương; phía Tây là đường Ngọc Hà.

Giữ nguyên nhà Đại tướng và các khu di tích

Quyết định nêu rõ, các khu Di tích Phủ Chủ tịch; bảo tàng Hồ Chí Minh; nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp; chùa Một Cột, bảo tồn nguyên vẹn các công trình kiến trúc, khuôn viên có thể cho phép cải tạo chỉnh trang.

Các tuyến đi bộ sẽ được tổ chức để phục vụ khách tham quan Lăng Bác như đoạn phố Chùa Một Cột và đầu phố Hùng Vương - Lê Hồng Phong, có lộ trình kế hoạch chuyển một số tuyến đường thành tuyến phố đi bộ: Chùa Một Cột, một đoạn phố Ông Ích Khiêm, đường Điện Biên Phủ (từ nút giao với Trần Phú đến nút giao với đường Tôn Thất Đàm).

Mô tả ảnh.
Ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu.

Ba bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển đến địa điểm mới theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Cơ sở vật chất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê chuyển cho Văn phòng Trung ương Đảng sử dụng để làm việc; Quy hoạch lại khu Bộ Tư pháp và toàn bộ khu H6 (giới hạn bởi đường Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trần Phú, Chu Văn An) thành tổ hợp khách sạn, dịch vụ, hội nghị chung cho các cơ quan tại khu Trung tâm chính trị Ba Đình. Cơ sở vật chất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển cho các cơ quan bảo vệ thuộc Bộ Tư­ lệnh Lăng và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Quy hoạch nhà Đại tướng thành Bảo tàng

Căn nhà số 30 Hoàng Diệu trước đây là của 1 chủ Tây. Khi xây dựng villa này, ông ta yêu cầu giữ nguyên vườn hoa phía trước, xây nhà lùi lại. Phía trước là vườn Kính Thiên, vua quan thời xưa đi từ trong Tử Cấm Thành qua cổng Đoan Môn, theo con đường phía vườn hoa Bắc Sơn ngày nay ra vườn Kính Thiên làm lễ tế. Cũng vì thế mà vườn hoa này còn giữ cho tới ngày nay.

Mô tả ảnh.
Vườn Kính Thiên - nơi trước đây Đại tướng thường ngồi thiền.

Tháng 8/2012, Hội Khoa học lịch sử, Bảo tàng Lịch sử đã tổ chức tọa đàm nhân sinh nhật lần thứ 102 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các nhà lịch sử và các tướng lĩnh tham gia tọa đàm đã đề xuất nên thành lập Bảo tàng Võ Nguyên Giáp.

Nhà sử học Phan Huy Lê cho biết: "Trong quy hoạch mới về khu trung tâm chính trị Ba Đình thì nhà Đại tướng và một số khu vực ở đây sẽ được bảo tồn. Nhưng vấn đề đặt ra là tiến tới xây dựng thành bảo tàng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ để có một kiến nghị thích hợp trình bày lên các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Tôi nghĩ rằng bên cạnh khu di sản Hoàng thành Thăng Long có một số di tích của hiện đại trong đó có bảo tàng Võ Nguyên Giáp thì hết sức có ý nghĩa và làm tăng thêm bề dầy lịch sử và nối liền lịch sử quá khứ của Thăng Long Hà Nội với lịch sử của thời đại Hồ Chí Minh”.

Đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý lâu năm của đại tướng, cho biết, sinh thời, Đại tướng đã có thư đề nghị trung ương xin trả lại căn nhà đang ở sau khi “đi theo Bác Hồ”. Đồng thời đại tướng cũng đề nghị cần bảo tồn căn nhà đó vì nó nằm ngay trên vườn hoa Kính Thiên, có căn hầm đào từ trong chiến tranh chống Mỹ, là một trong ba căn hầm kiên cố nhất ở Hà Nội. Đồng thời, căn nhà là một kiến trúc Pháp mẫu mực còn giữ lại được của Hà Nội.

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, GS Phan Huy Lê cũng đưa ra kiến nghị của hội: Nhà nước nên giữ lại căn nhà mà đại tướng đã ở hơn một nửa thế kỷ để làm Bảo tàng Võ Nguyên Giáp, vì căn nhà cùng với những hoạt động của tổng hành dinh trong chiến tranh đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long và là di tích bất khả xâm phạm theo công ước của UNESCO.

Mô tả ảnh.
Đại tướng sinh thời thường tự tay chăm sóc từng cái cây trong vườn.

Trước đó, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Được đã đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước sớm quy hoạch ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội làm Bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân để ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn một tài năng và nhân cách vĩ đại. Ý tưởng lập bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải mới được hình thành mà đã được nhiều người đề cập ngay khi Đại tướng còn sống.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn