Người dân cho rằng nếu chính quyền lắng nghe, xử lý rốt ráo nạn khoét núi, chẻ đá trái phép thì hậu quả không lớn như bây giờ.
Anh Trần Xuân Duy (42 tuổi), nhà bị ảnh hưởng trong vụ sạt lở, cho biết 2 ngày trước đất đá đã bắt đầu sạt lở. “Khoảng 5h chiều hôm 19/12, chúng tôi ra hiện trường thì thấy một vỉa đá rất lớn trượt xuống khoảng 5 mét rồi", anh Duy kể.
"Lúc đó mọi người trong khu họp nhau lại, tính toán. Chúng tôi biết chắc không sớm thì muộn, đất đá sẽ sụt xuống. Vì thế, lúc hơn 1h sáng ngày 20/12, khi nghe nhiều tiếng nổ đùng đùng, tôi biết ngay là đất, đá đang lở xuống”, anh Duy kể tiếp.
"Lúc đó chúng tôi hô hoán mọi người khẩn cấp ra khỏi nhà ngay. Do có sự chuẩn bị, nên khi nghe tiếng nổ, vợ con tôi lao ngay ra khỏi nhà. Tôi với mấy anh em chạy sang các nhà có người già và trẻ em để cứu", anh Duy nhớ lại.
"Núi lở nhanh quá, cứu không kịp. Hầu hết người bị thương và tử vong là trẻ em và người già. Họ quá yếu, nghe tiếng hô không chạy kịp ra khỏi nhà”, anh Duy rầu rĩ.
Còn theo anh Trần Văn Tuấn (có nhà bị sập), việc khai thác đất, đá “lậu” là nguyên nhân của vụ sạt lở kinh hoàng lúc rạng sáng 20/12.
“Việc khai thác đất, đá 'lậu' diễn ra từ lâu. Chúng tôi đã nhiều lần trình báo sự việc lên chính quyền. Sau đó có thấy cán bộ xuống hiện trường, rồi thu mấy dụng cụ để đục đá, chẻ đá rồi về. Chỉ sau ít ngày, đâu lại vào đấy. Chúng tôi biết việc khai thác đá sẽ gây ra sạt lở, nhưng bất lực”, anh Tuấn nói.
Trao đổi PV, ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, thừa nhận khu vực lở núi hôm 20/12 có xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép trước đó.
“Khai thác đá là có thật, năm 2012 chúng tôi đã kiểm tra và phát hiện việc khai thác đá trái phép ở đây rồi. Chúng tôi cũng thu hết vật dụng và hơn 300 viên đá chẻ rồi. Theo tôi biết, thì từ đó đến nay không còn tình trạng khai thác đá trái phép ở đây nữa”, ông Hưởng nói.
Khi phóng viên cho hay người dân có bằng chứng, trước lúc mưa bão cách đây hơn 10 ngày, tình trạng khai thác đá, đất ở đây vẫn diễn ra. Lúc này ông Hưởng trả lời: "Chắc là họ khai thác lén lút nên chúng tôi không biết".
Vì đâu nên nỗi?
Ông Tuấn cũng nói chính việc khai thác đá chẻ và đào lấy đất chở đi san lấp, từ đó tạo nên một số hàm ếch gần sát chân núi ở phía sau xóm nhà dân. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến việc sạt lở núi.
Ông Nguyễn Văn Hưởng - chủ tịch UBND xã Phước Đồng - cho biết mấy năm gần đây xã dựng nhiều bảng cảnh báo sạt lở quanh khu vực dân cư này. Tuy nhiên do quá khó khăn, người dân vẫn lấn vào sát chân núi làm nhà.
Ông Đào Công Thiên - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho rằng một phần nguyên nhân gây sạt núi là do việc chẻ đá, khoét núi lấy đá. “Khi chân núi bị hổng, áp lực từ trên đè xuống, cộng với lượng mưa rất lớn dẫn đến sạt lở” - ông Thiên nhận định.
Về giải pháp chống sạt lở, theo ông Thiên, UBND tỉnh chỉ đạo sơ tán các hộ dân trong vùng nguy hiểm, rà soát những khu vực nguy cơ.
“Tỉnh sẽ cho san phẳng, nổ mìn những điểm đang sạt lở dở dang trên núi. Sau đó dùng máy san, làm bậc thang trên núi, trồng cây xanh để tránh sạt lở” - ông Thiên nói.