Làng văn học Việt Nam cũng như toàn bộ những người yêu văn học vừa đón nhận một nỗi đau mất mát khi cây đại thụ của văn học nước nhà, nhà văn Tô Hoài đã qua đời vào trưa nay, ngày 6/7/2014 tại Hà Nội, thọ 95 tuổi.
Thông tin trên được nhà văn Phạm Xuân Nguyên chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Ngay lập tức, thông tin này được rất nhiều người chia sẻ và đau buồn trước sự mất mát quá lớn của nền văn học nước nhà.
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên chia sẻ thông tin nhà văn Tô Hoài qua đời.
Nhà văn Tô Hoài là một trong những cây bút lớn và xuất sắc nhất của Văn học Việt Nam hiện đại.
Nhà văn Tô Hoài sinh ngày 27/9/1920 tại quê nội ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông nay là Thành phố Hà Nội trong một gia đình thợ thủ công. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Sen.
Ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ông từng phải làm nhiều nghề để kiếm sống như dậy trẻ, bán hàng, kế toàn hiệu buôn...
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Từ năm 1954 trở đi, ông tập trung vào sáng tác. Ông là cây bút sắc sảo của văn học Việt Nam suốt từ khi bắt đầu sáng tác năm 1941 cho tới tận khi tạm dừng việc sáng tác.
Trong suốt những năm tháng lao động miệt mài của mình, nhà văn Tô Hoài đã để lại cho độc giả hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.
Những tác phẩm nổi tiếng, làm nên tên tuổi của ông và để lại những ấn tượng khó phai trong làng nhiều thế hệ như Truyện Tây Bắc (trong đó có truyện Vợ chồng A Phủ), Dế mèn phiêu lưu ký, O chuột, Nhà nghèo, Miền tây, Cát bụi chân ai...
Tô Hoài chỉ là một trong những bút danh của ông bên cạnh những bút danh khác như Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Hồng Hoa, Phạm Hòa...
Với những đóng góp của mình cho văn học và độc giả nước nhà, Tô Hoài đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý như Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam 1956 (Truyện Tây bắc); Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội 1970 (tiểu thuyết Quê nhà); Giải thưởng của Hội Nhà văn Á-Phi năm 1970 (tiểu thuyết Miền Tây); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996); Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2010.
Sự ra đi của Tô Hoài là mất mát lớn của nền văn học và để lại nỗi thương nhớ trong lòng độc giả. Tên tuổi và tác phẩm của ông sẽ sống mãi trong lòng các thế hệ độc giả và tồn tại mãi mãi theo thời gian.