Khi gửi tiết kiệm, có 1 số mẹo nhỏ mà bạn cần nhớ để có thể sinh lời lớn.
Lựa chọn ngân hàng tốt nhất với lãi suất ưu đãi
Việc lựa chọn ngân hàng tốt nhất là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu khi bạn có ý định gửi tiết kiệm. Ngân hàng đó phải thỏa mãn các tiêu chí: uy tín, phát triển ổn định, có bề dày lịch sử, có độ an toàn cao.
Bên cạnh đó, những ngân hàng có nhiều chi nhánh, mạng lưới hoặc có nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ để triển khai các sản phẩm gửi tiết kiệm online... cũng nên được ưu tiên vì sẽ tạo thuận lợi cho bạn khi muốn giao dịch.
Khi đã có danh sách các ngân hàng uy tín, khách hàng nên tìm hiểu, so sánh mức lãi suất của các sản phẩm, kỳ hạn tương ứng để lựa chọn ngân hàng tốt nhất.
Không gửi tiền một chỗ
Khi gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, bạn nên nắm rõ một quy tắc quan trọng: Bất cứ thứ gì sinh lời đều đi kèm với rủi ro.
Gửi tiền tiết kiệm ngân hàng cũng vậy. Vì hình thức tiết kiệm nào dù an toàn tới đâu vẫn tồn tại xác suất rủi ro khó lường, như: ngân hàng phá sản, tài khoản bị hack,...
Vì vậy, nếu bạn có một số tiền lớn muốn tiết kiệm, hãy "chia trứng vào nhiều rổ" để tránh những rủi ro không đáng có.
Nên chia tiền vào nhiều sổ tiết kiệm để tối đa tiền lãi
Kỳ hạn gửi tiết kiệm của ngân hàng thường được chia thành các nấc sau: kỳ hạn ngắn từ 1 tuần, 1 tháng đến 6 tháng; kỳ hạn dài từ trên 6 tháng đến 15 năm. Mỗi kỳ hạn tương ứng với mức lãi suất khác nhau. Thông thường, kỳ hạn càng dài thì lãi suất sẽ càng cao.
Nhưng lời khuyên của các chuyên gia tài chính là đừng dồn toàn bộ tiền vào gửi tiết kiệm dài hạn, mà hãy chia ra nhiều sổ gửi với nhiều mức kỳ hạn khác nhau sẽ an toàn hơn.
Làm như thế, khi có nhu cầu xài tiền, bạn chỉ việc rút 1 trong những số tiền tiết kiệm đang có, vừa linh hoạt lại không ảnh hưởng tới lãi suất của những sổ tiết kiệm còn lại.
Lưu ý là những khoản tiền tiết kiệm lâu dài nên được gửi với kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao. Còn với những khoản tiền dành cho chi tiêu những lúc khẩn cấp, hãy sử dụng với kỳ hạn ngắn từ 1 tháng trở xuống.
Chẳng hạn, bạn có 100 triệu để gửi tiết kiệm. Đừng dồn tất cả vào một sổ mà hãy chia ra làm 3 sổ, với số dư như sau: 2 sổ gửi ngắn hạn, mỗi sổ 20 triệu; sổ còn lại gửi dài hạn với giá trị là 60 triệu đồng. Trong trường hợp cần gấp 20 triệu, bạn chỉ cần tất toán một sổ tiết kiệm là giải quyết ổn thỏa, không ảnh hưởng đến lãi suất của 2 sổ còn lại.
Lưu ý tới lãi suất ngân hàng
Cách tính lãi suất tiết kiệm:
Số tiền lãi = Số tiền gửi x Lãi suất (%/năm) x Số ngày thực gửi / 365
Ví dụ bạn gửi số tiền 100 triệu với lãi suất 6.5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng từ ngày 3/3/2021 đến 3/10/2021, sẽ nhận được số tiền lãi như sau:
Số tiền lãi = 100.000.000 x 6.5% x 181 / 365 = 3,250,000
Chú ý ngày đáo hạn và tất toán sổ tiết kiệm
Với bất kỳ một tài khoản tiết kiệm đều có ngày đáo hạn cố định được quy định rõ ràng. Vào ngày này, bạn có thể thực hiện tất toán và có thể nhận lại toàn bộ cả tiền gốc và lãi suất.
Cân nhắc dịch vụ và tiện ích đi kèm
Nhiều ngân hàng hiện nay với mong muốn thu hút thêm nhiều khách hàng đến gửi tiết kiệm đã mang đến nhiều lợi ích khi đăng ký tham gia ví dụ như: rút thăm trúng thưởng, nhận ngay quà tặng vật chất, nhận ngay gói bảo hiểm nhân thọ... Một số ngân hàng khuyến khích gửi tiết kiệm online vừa tiện lợi, an toàn mà còn hưởng lãi suất cao hơn. Do vậy, khách hàng nên tìm hiểu kỹ để hưởng những dịch vụ và khuyến mãi tối đa.
Những sai lầm có thể khiến sổ tiết kiệm ‘bốc hơi’
Việc gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng là an toàn và tối ưu khi bạn muốn cất giữ tiền và sinh thêm lãi. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều tài khoản tiết kiệm của khách hàng tại một số ngân hàng đã bị “bốc hơi”.
Những rủi ro này hầu như đều xuất phát từ vấn đề con người và chủ yếu là do sự chủ quan của khách hàng. Rủi ro này có thể được đẩy lùi khi chính các khách hàng nâng cao nhận thức, luôn có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, đề phòng tất cả tình huống có thể xảy ra.
Vì vậy, khi gửi tiền ngân hàng, khách hàng nên tránh những sai lầm sau để cuốn sổ tiết kiệm không bị “bốc hơi” đáng tiếc:
- Ký sẵn chứng từ
- Không mở sổ tiết kiệm tại quầy
- Gửi tiền trước, nhận sổ hoặc chứng từ sau
- Không làm đúng thủ tục, quy trình tất toán sổ
- Thay đổi chữ ký liên tục