Nhân viên y tế lấy nhiều mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 chỉ dùng một đôi găng tay liệu có an toàn: Chuyên gia giải thích

( PHUNUTODAY ) - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn khẳng định, nhân viên y tế không nhất thiết phải thay găng tay sau mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, việc sát khuẩn bằng cồn sau khi lấy mẫu là bắt buộc đối với nhân viên y tế.

Diễn biến dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp, do vậy, Hà Nội dồn lực lượng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn để "vét sạch" F0 khỏi cộng đồng.

Tuy nhiên, nhiều người dân có thắc mắc rằng, khi nhân viên y tế chỉ dùng một đôi găng tay và bộ đồ bảo hộ tiến hành lấy mẫu cho nhiều người có thể là nguồn lây virus SARS-CoV-2 hay không?

TS.BS Huỳnh Minh Tuấn - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết không chỉ riêng việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, mà tất cả các bệnh truyền nhiễm khác, nhân viên y tế đều phải mang găng tay y tế.

Mục đích của việc sử dụng găng tay trong quá trình lấy mẫu là bảo vệ an toàn cho cả nhân viên y tế và người được lấy mẫu.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa)

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa)

Theo quyết định 5188 QĐ-BYT ngày 14-12-2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19, áp dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Trong đó có quy định về việc đeo găng tay y tế trong quá trình lẫy mẫu, nhân viên y tế phải đeo hai lớp, lớp một (lớp bên trong) là găng tay y tế luôn giữ sạch, tránh không để tiếp xúc với dụng cụ bẩn.

Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cũng khẳng định, nhân viên y tế không nhất thiết phải thay găng tay sau mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm.

"Về việc này, Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn rất rõ không yêu cầu phải thay găng tay, đồ bảo hộ sau mỗi lần lấy 1 mẫu xét nghiệm. CDC Hà Nội cũng đã chỉ đạo tới các quận, huyện, thị xã nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu, yêu cầu phải có đồ bảo hộ, găng tay đạt chuẩn khi làm việc. Găng tay không cần thay liên tục, nhưng việc sát khuẩn liên tục là bắt buộc. Theo đó cứ mỗi lần lấy mẫu bắt buộc phải sát khuẩn bằng cồn. Quá trình sát khuẩn đảm bảo an toàn khi lấy mẫu", ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong quá trình lấy mẫu có thể thay găng sau khi khử khuẩn tối đa 6 lần hoặc khi găng bị hỏng để thay thế cho việc đeo 2 đôi găng tay và thay găng sau mỗi lần lấy mẫu.

CDC Hà Nội cũng khuyến cáo, khi thực hiện lấy mẫu cho số lượng người quá lớn, cũng có thể xảy ra trường hợp một số nhân viên quên quy trình chuẩn. Trong tình huống này, người dân có quyền giám sát nhắc nhở, yêu cầu người lấy mẫu sát khuẩn đầy đủ trước khi lấy mẫu cho mình.

Theo đó, đợt xét nghiệm trên diện rộng có mục tiêu phát hiện sớm người mắc bệnh trong các khu vực nguy cơ cao, các nhóm nguy cơ cao, dễ mắc bệnh và lây lan bệnh để chống dịch kịp thời và đánh giá nhận định tình hình dịch tại cộng đồng trên địa bàn toàn thành phố.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 2.423 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.244 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.179 ca.

Về công tác lấy mẫu xét nghiệm cho đối tượng nguy cơ cao, người sinh sống trong khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ, tính đến 19h ngày 19/8, toàn thành phố đã lấy được 421.108 mẫu, trong đó có 107.259 mẫu đã có kết quả âm tính, các mẫu còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.

Cụ thể, khu vực phong tỏa lấy 21.776 mẫu, đã có 8.469 mẫu âm tính; khu vực nguy cơ cao lấy 184.412 mẫu, đã có 54.761 mẫu âm tính; đối tượng nguy cơ lấy 214.920 mẫu, đã có 44.029 mẫu âm tính.

Thành phố Hà Nội đang tiếp tục thực hiện lấy gần 1 triệu mẫu xét nghiệm trong đợt 2, thời gian theo kế hoạch hết ngày 20/8 phải hoàn tất.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link