Dầu gió là sản phẩm mà hầu như nhà nào cũng có. Thông thường, chúng ta hay dùng dầu gió để bôi lên các vùng da bị ngứa do côn trùng cắn, trị đau đầu, đau nhức xương khớp, đau bụng...
Tuy nhiên, ngoài công dụng chính là chăm sóc sức khỏe, dầu gió còn mang đến nhiều lợi ích khác trong cuộc sống.
Có thể bạn chưa biết, dầu gió là một trong những biện pháp rẻ tiền hữu hiệu giúp khử mùi hôi trong nhà vệ sinh.
Cách làm rất đơn giản, bạn có thể nở nắp một chai dầu gió và đặt vào trong góc nhà vệ sinh hoặc nhỏ vài giọt dầu gió vào bồn cầu, vào các góc của nhà vệ sinh. Dầu gió bay hơi sẽ giúp loại bỏ các mùi khó chịu. Ngoài ra, mùi dầu gió còn có tác dụng xua đuổi các loại côn trùng như ruồi giấm, muỗi rất hiệu quả.
Bạn cũng có thể sử dụng dầu gió kết hợp với giấm trắng để làm sạch, khử mùi hôi cho bồn cầu. Hãy lấy khoảng 150-200ml giấm trắng đổ vào trong một chiếc bình xịt nhỏ. Sau đó, cho thêm 10-15 giọt dầu gió cùng 200ml nước sắc. Lắc đều để các nguyên liệu hòa quyện với nhau. Xịt hỗn hợp này vào bồn cầu và những nơi xung quanh bồn cầu. Mùi hôi sẽ giảm dần rồi hết hẳn.
Phun hỗn hợp giấm và dầu gió vào góc tường, gầm giường cũng giúp đuổi muỗi hiệu quả.
Ngoài ra, xịt dung dịch giấm và dầu gió vào thùng rác cũng giúp khử mùi hôi tanh, ngăn chặn vi khuẩn và côn trùng phát triển.
Một số công dụng khác của dầu gió:
- Dùng dầu gió để làm sạch giày: Nếu đôi giày của bạn có một phần đế màu trắng và bị dính bẩn, bạn có thể dùng khăn thấm vài giọt dầu gió rồi lau nhẹ. Chỉ sau vài phút, các vết bẩn sẽ được làm sạch.
- Khử mùi hôi của giày: Dầu gió có thể khử mùi hôi của giày rất tốt. Bạn chỉ cần nhỏ vài giọt dầu gió lên khăn giấy rồi nhét vào bên trong giày. Chỉ sau một đêm, mùi hôi sẽ được loại bỏ.
- Gỡ keo 502: Nếu chẳng may tay bạn dính keo 502, hãy nhỏ vào chỗ dính keo vài giọt dầu gió và chà một lúc. Keo sẽ mềm ra và dễ dàng gỡ khỏi tay. Sau đó, nhớ rửa tay thật kỹ với xà phòng để loại bỏ dầu gió. Tuyệt đối không đưa tay có dính dầu gió chạm lên mắt.