Từ tối hôm qua, nhận được tin nhắn của trường thông báo cho học sinh nghỉ học để tránh siêu bão mà cả nhà chị Phương lo cuống cuồng. Chị vội vàng gọi điện thoại khắp nơi để tìm chỗ gửi hai đứa nhỏ.
Tình cảnh này đâu chỉ có ở mỗi nhà chị. Khu tập thể nơi chị ở, mọi người cũng nhớn nhác gọi điện hỏi thăm nội ngoại, rồi bà con họ hàng để tìm chỗ cho con tá túc tạm.
Mặc dù ở Hà Nội bão không vào như dự đoán, mưa không to, chỉ có gió rít ầm ầm, nhưng trường cũng đã nghỉ học rồi. Các nhà có con nhỏ vẫn phải tất bật đưa con đi gửi từ sáng sớm.
Nhà chị Mai nhốn nháo dậy từ rất sớm vì phải đưa con đi gửi. Ba mẹ con chị hối hả ở cầu thang từ 6h 30 sáng. Bình thường hai bé nhà chị học ngay sát trường nên các bé cứ đủng đỉnh 7h dậy, ăn sáng rồi thủng thẳng đi bộ sang lớp. Từ sáng sớm chị phải kéo con dậy sớm để đưa cả hai thằng sang nhà bà ngoại cách đó 6km. Khổ thân hai đứa vừa ngồi trên xe vừa ngáp ngắn ngáp dài.
Ở khu tập thể nhà chị sáng nay nhà ai cũng dậy sớm hơn. Nhớn nhác, tất bật áo mưa, quần áo, sách vở... Hầu như nhà nào cũng phải đưa con đi gửi. "Mưa gió thế này lại phải vác con ra đường. Tưởng là cho con nghỉ học để tránh bão, ai ngờ là lại phải đưa con đi dầm mưa. Mà gió rít ầm ầm thế này nhỡ may cây đổ thì còn kinh hơn". Nhiều bậc cha mẹ ngán ngẩm trước cảnh mưa gió phải rồng rắn cả nhà tìm nơi gửi con để đi làm.
Mặc dù bão đã đi qua từ đêm, nhưng mưa vẫn nặng hạt. Biết là trời mưa to thế mà nhiều nhà vẫn phải tha con đi ra ngoài đường vì không thể để con ở nhà một mình. Nhà nào có ông bà hay giúp việc ở nhà thì còn đỡ. Chứ nhà chỉ có hai vợ chồng với mấy đứa con thì cực khổ lắm.
Có ai ngờ đường đi của bão lại oái ăm đến thế. Dù bão không đổ bộ vào Hà Nội, thế nhưng cũng khiến nhiều nhà trở tay không kịp để đối phó với tình huống phát sinh. Khổ nhất là bọn trẻ con. Đã quen 2 ngày nằm nướng trên giường, sáng nay lại phải dậy sớm đi dầm mưa với bố mẹ. Mặt mày đứa nào đứa nấy ngái ngủ, ỉu xìu.
Đường Hà Nội sáng thứ 2 bao giờ cũng đông hơn thường ngày. Ngày mưa bão thế này đường xá lại càng đông hơn. Mưa gió, cây đổ, tắc đường. Đứng chôn chân trên đường vì cây đổ, con mếu máo vì vừa lạnh vừa đói, chị Lan vừa cố gắng kéo áo mưa che cho con vừa an ủi bé: "Sắp đến nơi rồi con. Tí nữa rồi tha hồ chơi với chị Phương Linh nhé! ". Mặt con bé đỡ méo hơn một tí, nhưng nước mắt đã hòa cùng với nước mưa. Nhà chị ở Khâm Thiên, mà phải đưa con bé đi từ sáng sớm để gửi bà ngoại tận Mỹ Đình.
Chị biết hôm nay đứa nào cũng nghỉ học tập trung về nhà bà. Mẹ chị phải lo cơm nước, rồi phân xử khi bọn trẻ chí chóe với nhau. Mẹ chị già rồi, chắc hôm nay sẽ vất vả lắm. Thế nhưng để con bé mới 6 tuổi đầu ở nhà một mình thì chị cũng không yên tâm. Gửi con xong là chị lại phải tất tả quay ngược về Cầu giấy đi làm. "Sáng nay có hẹn với đối tác quan trọng chứ không thì mình cũng xin nghỉ. Tha con đi mưa gió thế này nó ốm ra thì gay. Không khéo lại phải mất cả tuần nghỉ làm trông con ấy chứ".
Có những nhà không gửi được con đành phải tặc lưỡi đưa con đến chỗ làm. Bước xuống tắc-xi chị Minh một tay bế con, một tay xách đồ đạc lỉnh kỉnh. Thứ thì quần áo, đồ chơi cho con. Thứ thì hộp to hộp nhỏ đựng thức ăn buổi trưa. Hôm nay chị phải đưa con đến chỗ làm vì không có ai quen để gửi bé cả.
"Hồi đợt lạnh năm trước thấy nhân viên đưa con đến công ty, sếp mình lúc đầu cũng bực lắm. Nhưng rồi cũng phải thông cảm vì nếu không thì đến gần nửa nhân viên xin nghỉ làm để trông con. Nói thật là cũng bất đắc dĩ mới phải tha con đến chỗ làm. Tất nhiên là mình cũng phải kiếm cái gì cho con chơi để tránh ảnh hưởng đến không khí làm việc của người khác”.
Chị vừa nói vừa xốc lại con. Bé mới 3-4 tuổi đang ngủ gật gà trên tay mẹ. Thỉnh thoảng gió thổi mạnh mưa lại tạt vào mặt bé. Chị chép miệng: "Khổ quá, nó đang ốm dở mấy hôm nay rồi. Dính mưa vào là lại lăn ra ốm tiếp cho mà xem".
Với nhiều gia đình có con nhỏ thì cảnh bố trí "sơ tán" cho con do trường nghỉ học chẳng khác nào nhà có... bão.