Những dấu hiệu cần chú ý sau khi tiêm phòng Covid-19, đặc biệt là từ ngày thứ 4

( PHUNUTODAY ) - Sau khi tiêm vắc-xin, người dân nên tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn theo dõi sức khỏe của nhân viên y tế. Nếu thấy các biểu hiện bất thường, hãy lập tức đến cơ sở y tế gần nhất hoặc nơi đã tiêm chủng để được thăm khám, tham vấn và điều trị.

Vắc-xin Covid-19 cũng giống như tất cả các loại vắc-xin khắc. Sau khi tiêm có thể xảy ra một số phản ứng nhất định. Đó có thể là phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng miễn dịch, bảo vệ phòng bệnh. Ngoài ra, còn có thể gặp những phản ứng nghiêm trọng hơn, đe dọa đến sức khỏe của người được tiêm.

Theo Thanh niên, tại buổi tập huấn trực tuyến về bảo đảm an toàn tiêm vắc xin Covid-19 diễn ra trong tháng 6 vừa qua, chuyên gia của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng đề cập đến các phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm vắc-xin. Cụ thể, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, các phản ứng rất phổ biến sau tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca bao gồm đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh (rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt từ 38 độ C). Nhóm phản ứng này chiếm tỷ lệ từ 10% các trường hợp được tiêm. Các phản ứng phổ biến gồm sưng và đỏ tại vị trí tiêm, chiếm từ 1% đến dưới 10%.

nhung-dau-hieu-can-chu-y-sau-khi-tiem-vac-xin-01

Theo Infonet, PGS.TS. Huỳnh Nghĩa - Phó Trưởng khoa Y, Đại học Y dược TP.HCM cho biết, sau khi tiêm vắc-xi phòng Covid-19, đặc biệt từ ngày thứ 4, nếu người được tiêm thấy các biểu hiện liên quan đến biến chứng huyết khối - giảm tiểu cầu thì cần phải đến cơ sở y tế gần nhất hoặc cơ sở y tế đã tiêm ngừa để thăm khám, tham vấn và trị liệu. Thời gian theo dõi sau khi tiêm sẽ là 30 ngày.

PGS Nghĩa cũng cho biết, tỷ lệ tắc huyết khối sau tiêm vắc-xin Covid-19 là hiếm gặp. Đối với vắc xin Pfizer-BioNTech là 0,2/1 triệu liều tiêm thứ nhất; vắc xin AstraZeneca là 4,6/1 triệu liều tiêm thứ nhất.

Bên cạnh đó, theo PGS Nghĩa, sau khoảng 24-48 giờ tiêm vắc-xin, người được tiêm có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, nhức đầu hoặc đau cơ mức độ từ nhẹ đến trung bình là những phản ứng hay gặp sau khi tiêm chủng; thường không gợi ý đến biến chứng huyết khối với giảm tiểu cầu.

Sau khi tiêm vắc-xin, người dân cần theo dõi tại địa điểm tiêm 30 phút và tiếp tục theo dõi sức khỏe trong vòng 30 ngày tiếp theo.

nhung-dau-hieu-can-chu-y-sau-khi-tiem-vac-xin-02

Một số dấu hiệu sớm liên quan đến biến chứng huyết khối - giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 bao gồm:

- Huyết khối mạch máu não, nội tạng và phổi với các biểu hiện như nhức đầu dữ dội; đau bụng, đau lưng; buồn nôn và nôn; thay đổi thị lực; thay đổi trạng thái tinh thần (có thể sinh ra cáu gắt, buồn rầu, hay giận vô cớ, ngủ gà, lơ mơ); đau ngực, khó thở; sưng và đau chân, đau tăng lên khi vận động.

- Giảm tiểu cầu từ nhẹ đến nặng với các biểu hiện như xuất hiện vết bầm tím ngoài da có thể là dạng chấm, dạng mảng, dạng u máu. Vết bầm có màu đỏ tươi, tím bầm hoặc màu vàng nhạt. Khi ấn hoặc đè, vết bầm không biến mất. Vết bầm xuất hiện tự nhiên, không đau. Ngoài ra, người được tiêm có thể gặp hiện tượng chảy máu răng, miệng tự nhiên hoặc sau khi chải răng. Đi tiểu ra máu; đi cầu phân đen hoặc máu tươi. Phụ nữ gặp hiện tượng kinh nguyệt bất thường và rong kinh kéo dài. Xuất huyết có thể diễn ra cùng lúc ở dưới da, niêm mạc và ở nội tạng.

Các triệu chứng này thường xuất hiện từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 30 sau khi tiêm vắc-xin. Khoảng thời gian cao điểm của các triệu chứng ban đầu rơi vào ngày thứ 6 đến ngày thứ 14. Các triệu chứng biểu hiện ban đầu thường ở mức độ nặng, dai dẳng và tái diễn.

Khi gặp các biểu hiện bất thường, người dân phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc nơi tiêm chủng để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link